Thái Thanh: Không chỉ là 'Tiếng hát vượt thời gian'

Năm 1948, mười bốn tuổi, Phạm Thị Băng Thanh đã cùng chị Thái Hằng và anh trai Phạm Đình Chương đi biểu diễn phục vụ quân dân Liên khu 4 của mặt trận Việt Minh chống Pháp. Đó là lần đầu tiên cô lên sân khấu hát trước công chúng, ở một vùng quê Thanh Hóa những ngày tản cư kháng chiến. Năm 1951, mười bảy tuổi, cô cùng anh chị em trong ban hợp ca Thăng Long (*) vào Sài Gòn, đi hát rồi bắt đầu nổi tiếng suốt một thời gian dài cho đến tận ngày nay.

Nói Thái Thanh là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời ca nhạc miền Nam trong mọi thời kỳ từ sau khi cô xuất hiện, có lẽ cũng không ngoa. Đã có bao lời ca tụng đẹp nhất dành cho Thái Thanh, không cần phải nhắc lại.

Đã có bao bài viết phân tích về giọng ca soprano đặc biệt trời cho, cùng cách cô xử lý nhập thân tinh tế từng bài, cũng không cần thiết phải nhớ. Chỉ cần nghe cô hát, đặc biệt với những bản ghi âm trong thập niên 1960 và 4 năm đầu thập niên 1970 ở Sài Gòn, giai đoạn đỉnh cao nghề nghiệp của cô, là đã đủ.

Những Dòng sông xanh, Tình hoài hương, Về miền Trung, Ngày đó chúng mình, Kiếp nào có yêu nhau, Tình ca, Nụ tầm xuân, Đưa em tìm động hoa vàng, Trả lại em yêu, Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh, Ngày xưa Hoàng Thị, Kỷ vật cho em, Áo anh sứt chỉ đường tà, Nghìn trùng xa cách, Thiên thai (Văn Cao), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương)... và rất nhiều ca khúc khác, sẽ mang mãi dấu ấn Thái Thanh trong lòng người yêu âm nhạc. (Các ca khúc vừa kể mà không ghi tên tác giả, đều của nhạc sĩ Phạm Duy, chồng của Thái Hằng, chị Thái Thanh).

Thái Thanh bên các thành viên của hợp ca Thăng Long, gồm: nhạc sĩ Phạm Duy (trái, hàng trên) - anh rể, nhạc sĩ Phạm Đình Chương (giữa) - anh trai, Phạm Đình Viêm - anh trai, ca sĩ Thái Hằng (trái, hàng dưới) - chị gái và ca sĩ Khánh Ngọc (giữa) - chị dâu. Ảnh: TL

Thái Thanh bên các thành viên của hợp ca Thăng Long, gồm: nhạc sĩ Phạm Duy (trái, hàng trên) - anh rể, nhạc sĩ Phạm Đình Chương (giữa) - anh trai, Phạm Đình Viêm - anh trai, ca sĩ Thái Hằng (trái, hàng dưới) - chị gái và ca sĩ Khánh Ngọc (giữa) - chị dâu. Ảnh: TL

Kể từ bài Dòng sông xanh Phạm Duy đặt lời cho Thái Thanh hát lúc cô mới 12 tuổi, ông đã nhận ra “giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới hai bát âm” của cô em vợ dường như sinh ra để hát những ca khúc do ông sáng tác.

Trải qua bao nhiêu năm, Phạm Duy vẫn khẳng định trong những người hát nhạc của ông, ông ưng nhất là Thái Thanh, không ai có thể thay thế được cô trong sự diễn tả những sáng tác của ông. Ông từng nói, cố ý nhấn mạnh hết mức: “Không có Thái Thanh thì sẽ không có ai biết đến Phạm Duy!”).

Điều quan trọng mà Thái Thanh để lại, qua nhiều nhận định trong những ngày này, không chỉ là tiếng hát mà chính là sự kết nối, của tình tự dân tộc. Nghe cô hát, người ở hôm nay như được đưa về hôm qua. Ở xa quê hương, như được đưa về cội nguồn. Tiếng hát giúp con người sống lại với những ký ức về một quê nhà xưa êm ả, có con kênh đào, bờ đê, dòng sông, mục đồng, tiếng sáo...

Giờ đây, khi đã đọc khá nhiều bài viết tưởng niệm sau cái chết của Thái Thanh, tôi lại muốn nghĩ về một khía cạnh khác của con người có tiếng hát huyền thoại này. Như đã nói, thập niên 1960 là giai đoạn đỉnh cao trong nghề nghiệp của Thái Thanh. Thế nhưng, ở giữa thời đoạn đó, 1965, cô đã gặp một biến cố có lẽ không người đàn bà nào muốn gặp: ly hôn. Việc đó lại do chính cô quyết định, khi đang có 5 đứa con với ông chồng, cũng là một nghệ sĩ điện ảnh rất nổi tiếng lúc ấy.

Thái Thanh bên hai anh trai - nhạc sĩ Phạm Đình Chương (trái) và nhạc sĩ Phạm Đình Viêm - hai thành viên của hợp ca Thăng Long. Thời kỳ này, bà để kiểu tóc uốn xoăn, rẽ ngôi giữa đặc trưng của phụ nữ Sài Gòn thập niên 1960. Ảnh: TL

Thái Thanh bên hai anh trai - nhạc sĩ Phạm Đình Chương (trái) và nhạc sĩ Phạm Đình Viêm - hai thành viên của hợp ca Thăng Long. Thời kỳ này, bà để kiểu tóc uốn xoăn, rẽ ngôi giữa đặc trưng của phụ nữ Sài Gòn thập niên 1960. Ảnh: TL

Tôi luôn không muốn viết về đời tư của nghệ sĩ, dù với hơn ba mươi năm làm báo trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, tôi đã biết quá nhiều. Tuy nhiên trong trường hợp của Thái Thanh, mỗi khi nghe cô hát, nhìn cô diễn trong các video clip từ hải ngoại, và nhất là khi xem lại trong lúc này, tôi không thể không nghĩ về cái điều hằng nghĩ.

Quyết định chia tay do chính cô đưa ra, từ một sự cố đáng buồn của gia đình (xin phép không nhắc lại), là một quyết định tối hậu, không thay đổi.

Năm đứa con, với đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 1 tuổi mà lại bị bệnh sốt bại liệt từ lúc 8 tháng... Cô một mình nuôi con, suốt mấy mươi năm, trong khi người đàn ông của cô không lâu sau đã lập gia đình khác, có thêm 4 đứa con nữa.

Lúc đó tôi mới 14 tuổi và hay kề cận làm việc thư phòng cho thầy mẹ, cũng như thường được thầy sai vặt khi tiếp bạn bè ở nhà, có nghe bàn về câu chuyện này, đã lâu tuy không nhớ hết nhưng tôi vẫn nhớ mẹ tôi luôn bênh vực Thái Thanh...

* * *

Cũng trong năm ấy, mẹ tôi (Bà Tùng Long, nhà văn. TS) bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết Con đường một chiều, về nỗi khó khăn của người phụ nữ Việt Nam khi dấn thân vào con đường nghệ thuật. Rất khó cho người này khi muốn dung hòa giữa việc thực hiện niềm say mê của mình với bổn phận chăm sóc cho gia đình, chồng con. Các ông chồng bị gene phong kiến ăn nặng vào máu, ít khi thông cảm, ủng hộ, chia sẻ... với một bà vợ có tài năng nổi trội, quan hệ xã hội rộng, được nhiều người yêu thích...

Mâu thuẫn có khi gay gắt đến mức người phụ nữ phải chọn một trong hai, và thường thì họ phải hy sinh niềm đam mê của mình, để làm của riêng cho chồng. Con đường nghệ thuật, theo chủ đề của truyện, chính là con đường chỉ một chiều với người phụ nữ. Tôi cho đây là cuốn sách hay nhất của mẹ, vì nói đâu xa, thầy tôi cũng chính là một người đàn ông ghen tuông khủng khiếp!

Hai chị em Thái Hằng (trái) - Thái Thanh. Ảnh:TL

Hai chị em Thái Hằng (trái) - Thái Thanh. Ảnh:TL

Thái Thanh không hẳn là một mỹ nhân, nhưng chính thần thái của cô (được tạo nên từ tài năng, sự duyên dáng, lịch thiệp, cộng một chút điệu đàng rất duyên - cô con gái Ý Lan đã thừa hưởng hơi quá tay về khoản này) đã tạo cho cô sự hấp dẫn lạ thường, nhất là trong thời vàng son. Tôi tin vẫn luôn có người theo đuổi Thái Thanh dù cô đã có bao nhiêu con đi nữa - với một nghệ sĩ ngôi sao, chuyện này chắc cũng bình thường. Lúc đó cô mới 34 tuổi thôi mà!

Thái Thanh đã chọn sống một mình, vừa đi hát vừa nuôi năm đứa con, đảm đương vai trò vừa là mẹ vừa là cha trong việc nuôi dạy con cái. Cô nói ngắn gọn, trong một cuộc phỏng vấn:

- Mình nuôi con cẩn thận lắm. Mình không để người làm cho các cháu uống thuốc bao giờ. Có những đêm đi hát, một - hai giờ sáng mới về tới nhà, người mình đã mệt lắm rồi, buồn ngủ đến mắt mở không ra nữa, thế nhưng mình vẫn phải vào phòng các cháu xem các cháu ngủ ra sao. Đứa nào đau thì mình lấy thuốc, dỗ cho uống, rồi ôm, rồi hun hít, nựng nó, bù đắp tình thương cho nó, với lại mình cũng thèm khát hơi hướm của các con lúc phải xa chúng nó chứ.

Có lần, đang ngồi chờ trình diễn, mình nhớ con đang đau ở nhà, thế là nước mắt mình tuôn ra. Các bạn hỏi thăm, mình nói là tại các ông hút thuốc nhiều quá, khói làm cay mắt…

Thái Thanh bên các con. Sau cuộc hôn nhân với tài tử Lê Quỳnh, bà có năm con. Trong đó, Ý Lan (áo hoa) thừa hưởng giọng hát và phong cách của mẹ, trở thành danh ca. Ảnh: TL

Thái Thanh bên các con. Sau cuộc hôn nhân với tài tử Lê Quỳnh, bà có năm con. Trong đó, Ý Lan (áo hoa) thừa hưởng giọng hát và phong cách của mẹ, trở thành danh ca. Ảnh: TL

Nghề ca hát đã giúp Thái Thanh một mình nuôi được 5 đứa con, từ năm 1965 đến 1975. Đêm đêm, dưới ánh đèn màu ở các phòng trà, luôn tươi tắn, duyên dáng và hết lòng biểu diễn đem niềm vui đến cho bao người, trong các khán giả ấy có ai hiểu được nỗi lòng của cô ca sĩ tài danh trước mắt, lát nữa đây sẽ một mình một bóng về nhà?

Phải hát để nuôi con, vậy mà từ năm 1975, Thái Thanh nhất định bỏ nghề, dù được nhiều lời mời. Mãi đến năm 1985, sau khi đã đi định cư ở Mỹ, cô mới bắt đầu hát lại.

Từ khi sang Mỹ, Thái Thanh đảm đương trách nhiệm làm mẹ với rất nhiều nghị lực. Ở tuổi 51, cô phải tập lái xe để có thể hàng ngày đưa đón con út đi học. Sau hai năm học tại College Golden West, cậu út đã được vào Đại học Long Beach. Sự kiên trì và nhẫn nại của bà mẹ đã giúp cậu tự tin hơn, yêu đời hơn, để tốt nghiệp đại học năm 1996. Cậu đã đi làm, sống tự lập thoải mái trong một căn hộ riêng gần trường và rất ngưỡng mộ mẹ. Khi sức khỏe tốt, mỗi tuần Thái Thanh đều đến thăm con trai, mang thêm vài món ăn Việt Nam nấu sẵn.

Cô còn vất vả chăm sóc đứa con gái áp út, 23 tuổi, sang Mỹ cũng là lúc cháu bắt đầu bị bệnh trầm cảm. Thái Thanh một lần nữa cố gắng dìu dắt con gái, đi làm những việc thiện nguyện, mong con tìm được niềm vui sống… Nhưng bệnh tình con cứ nặng dần, sau cùng, cô đành phải nghe lời bác sĩ và các bạn đồng cảnh ngộ, đưa con vào bệnh viện. Nhưng cô vẫn kiên trì phấn đấu với phương tiện và hoàn cảnh của mình để giúp đỡ đứa con yêu quay trở lại với cuộc sống.

Có thể là bức ảnh cuối cùng của ca sĩ Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh Lý Kiến Trúc chụp tại nhà riêng của Phạm Duy ở quận Cam – California (Hoa Kỳ)

Có thể là bức ảnh cuối cùng của ca sĩ Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh Lý Kiến Trúc chụp tại nhà riêng của Phạm Duy ở quận Cam – California (Hoa Kỳ)

Với hoàn cảnh như vậy, chỉ với những đức tính phi thường của một người mẹ, đã giúp Thái Thanh được con cái hết sức yêu kính. Ca sĩ Ý Lan, đứa con đầu của Thái Thanh, luôn coi mẹ là thần tượng trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc, đã tâm sự: “Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi tôi trưởng thành, hình ảnh của mẹ một mình âu yếm, chăm sóc và yêu thương các con, đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, khi tôi làm mẹ. Tình cảm thiêng liêng của mẹ dành cho tôi là niềm hạnh phúc và cả sự may mắn vô bờ bến”.

Tất cả những câu chuyện trên làm tôi luôn nghĩ về Thái Thanh mỗi khi thấy cô nhẹ nhõm hát trên sân khấu các chương trình ca nhạc ở hải ngoại, rằng đó không chỉ là một “Tiếng hát vượt thời gian”. Cô còn là một người Mẹ, viết hoa. Một phụ nữ tự trọng và can đảm, dám sống với những nguyên tắc, chuẩn mực giá trị riêng của mình.

Trong ban hợp ca Thăng Long ngày ấy, tất cả giờ đã gặp lại nhau, có hai người tên tuổi đã là bất tử trong đời sống âm nhạc Việt Nam: Phạm Duy và Thái Thanh. Họ như những ngôi sao ở triệu dặm xa, nên dù đã tắt, ánh sáng vẫn còn để lại rất lâu trong mắt người đời...

Ca sĩ Thái Thanh, tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5.8.1934 tại Hà Nội, vốn là con nhà nòi âm nhạc. Thân phụ của cô chơi đàn nguyệt, còn thân mẫu chơi đàn tranh và đàn tỳ bà hay có tiếng ở đất Bắc. Anh trai (khác mẹ) là ca sĩ Hoài Trung, chị gái là ca sĩ Thái Hằng, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, anh trai là nhạc sĩ Phạm Đình Chương (ca sĩ Hoài Bắc), con gái là ca sĩ Ý Lan.

Thái Thanh đã từ trần vào 11g50 ngày 17.3.2020, tại quận Cam, bang California (Mỹ), để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người hâm mộ âm nhạc Việt Nam.

Nguyễn Đông Thức

________________

(*) Gồm các ca nhạc sĩ cùng trong một gia đình: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Phạm Thị Quang Thái (Thái Hằng), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Phạm Thị Băng Thanh (Thái Thanh), Phạm Duy (chồng Thái Hằng).

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thai-thanh-khong-chi-la-tieng-hat-vuot-thoi-gian-22947.html