Thái Xuân Đăng, những điều chưa biết...
Từ một cậu học trò trường làng rồi vụt sáng với tấm Huy chương bạc Olympic Tin học châu Á -Thái Bình Dương được tổ chức tận Liên bang Nga xa xôi, cuộc sống của Thái Xuân Đăng thay đổi rất nhiều. Nhưng những ai từng ngưỡng mộ nghị lực, tài năng của 'cậu bé vàng ở làng Thương Xá' (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) này lại càng thêm yêu quý em về một lối sống giản dị và không ngừng nỗ lực để vươn lên trong học tập...
1. Liên lạc với “cu Đăng” (tên gọi “trạo miệng” mà bà con ở thôn Thương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ dành cho Thái Xuân Đăng thời chăn trâu cắt cỏ) vào những ngày cuối cùng của năm 2019, mới hay chàng sinh viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. HCM đang vào mùa ôn thi cuối kì. “Quả là khác với hồi cấp 3 anh nhỉ?”, Đăng vào đề với một câu hỏi tu từ mà tưởng như ai cũng biết.
Đăng kể với tôi rằng không phải đến tận khi bước chân vào giảng đường đại học, mà ngay từ chính khoảnh khắc nhận Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á -Thái Bình Dương, em đã nghĩ đến sự thay đổi, dù ít dù nhiều trong chặng đường phía trước của mình. “Em được nhiều người biết tới hơn, được hỏi han, chúc mừng nhiều hơn. Lúc đầu, em cũng rất thích thú với điều đó, mỗi khi được người khác chúc mừng em rất vui, cảm thấy những cố gắng của mình đã gặt hái được thành quả. Nhưng về sau, em lại thấy hơi áp lực với điều này và càng tự nhủ mình phải cố gắng hơn trước”, Đăng nói, đầy vẻ chiêm nghiệm.
Câu chuyện về cuộc đời Thái Xuân Đăng được nhiều người biết đến sau khoảnh khắc em được nhận tấm Huy chương Bạc danh giá. Sự đổi thay của Đăng càng hấp dẫn bội phần khi người ta biết rằng, cả bố và mẹ Đăng chưa ai học đến lớp 6, làm nghề thợ nề. Gia sản của họ, ngoài đôi bàn tay gân guốc chỉ là 2 sào ruộng sâu. Ngoài sự khích lệ bằng tình yêu thương, gia đình Đăng thật khó để giúp em thật nhiều trên bước đường học vấn. Nên câu hỏi về việc tại sao “cu Đăng” lập lên điều kì diệu trong hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn khiến nhiều người tò mò. “Tự học, tự vươn lên...”, có chăng đó là sự lí giải chính xác nhất.
2. Tâm sự với người viết, Đăng cho hay, từ ngày vào TP. Hồ Chí Minh trọ học, em đã sống tự lập hoàn toàn. Từ việc ăn uống, đi lại, ngủ nghỉ cho đến tính toán thời gian hợp lí cho việc sinh hoạt và học tập. Nhưng ở cậu bé quê nghèo ra thành thị này tưởng như đang còn một chút mâu thuẫn trong đầu, khi cậu vừa muốn dành thật nhiều thời gian cho việc học tập nhưng cũng muốn có chút tiền để đỡ đần cho bố mẹ. “Em vẫn dùng những đồng tiền mà bố mẹ chắt bóp ở quê gửi vào, chưa đi làm thêm. Bố mẹ em không muốn em đi làm thêm mà dành toàn bộ thời gian cho việc học. Đó là ước muốn lớn lao nhất trong cuộc đời bố mẹ em, nên họ phải vất vả nhiều hơn để có tiền cho em ăn học. Cuối cùng em chọn cách chi tiêu tiết kiệm nhất để số tiền mà bố mẹ phải gửi hằng tháng phải là ít nhất”, Đăng phân bua về một “phép tính khác” cho những năm tháng sinh viên của mình.
Đăng khiêm tốn cho biết kết quả học tập của em cũng bình thường, nhưng theo tìm hiểu của người viết, Thái Xuân Đăng đang là một sinh viên nổi tiếng của lớp Cử nhân tài năng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Em cũng là thành viên trong đội (có 3 người) của trường vừa đoạt Huy chương Đồng đồng đội tại một cuộc thi lập trình viên quốc tế được tổ chức tại Indonesia hồi tháng 10/2019.
3. Như bao người, Thái Xuân Đăng chưa bao giờ hoàn hảo, em chỉ đang hoàn thiện mình. Em cũng không phải là người tự mãn với thành tích của mình khi nhiều lần thừa nhận với tôi rằng thứ làm em thiếu tự tin nhất chính là ngoại ngữ. Còn nhớ, trước khi chia tay vào đại học, Đăng “hùng hồn” tuyên bố sẽ “cày” ngoại ngữ ngay khi vào nhập học tại TP. Hồ Chí Minh nhưng trong cuộc trò chuyện gần nhất, em cho biết vẫn chưa thực hiện được quyết tâm đó vì áp lực học các môn chính quá nặng. “Nhưng không sao, điều quan trọng em muốn vươn tới là hoàn thiện bản thân, ngoài kĩ năng chuyên môn ra thì em muốn tăng cường các kĩ năng như giao tiếp, ngoại ngữ. Em còn trẻ và thời gian còn dài để làm điều này”, Đăng nói.
Nói về ước mơ của mình, Thái Xuân Đăng cho biết: “Sau khi ra trường, nếu học tập tốt thì em sẽ đi theo hướng nghiên cứu hoặc trở thành một kĩ sư, làm về những ứng dụng của công nghệ thông tin”.
4. Đăng không phải là cậu bé nói nhiều, kiêu ngạo lại càng không. Tiếp xúc với Thái Xuân Đăng, ai cũng cảm nhận được đây là một cậu bé thông minh và hòa đồng. Đăng ít nói nhưng mỗi khi nói lại rất... dí dỏm. Dù có cái tên được gieo vần bằng trắc khá mạnh mẽ nhưng thực tế Đăng khá hiền lành, nhút nhát với chiều cao hơn 1,6 m, nặng chưa đầy 50 kg với ánh mắt sáng và nụ cười rạng rỡ. Nhớ bữa đầu gặp gỡ, khi nhiều người hỏi về những cô bạn khác giới ở lớp, cậu đã vội lém lỉnh: “Bọn em học tự nhiên mà, con gái vừa ít lại vừa đẹp theo một cách... rất khác”. Cũng như bây giờ, 6 tháng sau gặp lại, hỏi: “Đã có người yêu chưa?”, thì Đăng làm ngay mặt giận: “Em lo học, chưa nghĩ tới”. Nhớ hôm tôi lấy xe ô tô chở Đăng từ quê xuống Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (ở TP. Đông Hà) để nhận thưởng, dọc đường, chúng tôi ghé vào quán cháo lươn vỉa hè ăn sáng. Ăn xong, Đăng nhận xét: “Đi xe ô tô thì nhanh hơn thật nhưng không được hít khí trời như những lần em đạp chiếc xe cà tàng xuống trường. Miến lươn ở đây cũng ngon nhưng thua xa mẹ em nấu”. Ở Đăng, dẫu giờ đã là sinh viên đại học, vẫn giữ được nét chân chất, hồn nhiên. Tôi chợt nhận ra rằng, Đăng không phải là người sinh ra đã là tài năng mà chính nhờ sự khổ luyện không ngừng nghỉ và sự quyết tâm sắt đá đã giúp em lần lượt đạt những dấu mốc chói lọi trong cuộc đời học sinh của mình.
18 tuổi, Đăng từng nói với tôi rằng: “Giàu nghèo tạo ra khoảng cách giữa con người với con người, nhưng đó không phải là tất cả. Chỉ cần có sự chăm chỉ, cố gắng học tập, chúng ta hoàn toàn có thể xóa nhòa khoảng cách đó”. Vậy nên, tôi sẽ chờ Thái Xuân Đăng của những năm tháng về sau!
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145616