Thảm án gia đình, vì đâu nên nỗi?

Đa phần án mạng xuất phát từ những ấm ức tích tụ lâu ngày sau những va chạm vụn vặt thường ngày

Những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội tăng, trong đó có các vụ án có tình tiết bị người thân trong gia đình sát hại. Các vụ án chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn kéo dài trong tranh chấp đất đai, tài sản, ghen tuông hoặc xích mích trong cuộc sống hằng ngày nhưng không giải quyết kịp thời, triệt để.

Liên tiếp những án mạng thương tâm

Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Dư Văn Thanh (38 tuổi; trú xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) để làm rõ hành vi giết người. Thanh đã dùng dao bấm đâm vợ tử vong, đâm bố vợ và 1 thẩm phán bị thương ngay tại trụ sở TAND huyện khi được mời lên với tư cách bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa Thanh và bố vợ.

Ngày 2-11, Công an tỉnh An Giang tạm giữ hình sự Nguyễn Phước Chung (SN 1970; ngụ huyện Châu Phú) về hành vi giết người. Do ghen tuông nên thời gian gần đây, Chung và vợ là bà H.T.C.N (SN 1970) phát sinh mâu thuẫn, hay cự cãi với nhau. Sáng 1-11, sau khi uống rượu một mình, lợi dụng lúc bà N. nằm ngủ, Chung đã trùm mền lên người nạn nhân, đổ xăng châm lửa đốt.

Bị cáo Trung Kim Phong giết chết cô ruột vì nỗi ấm ức dồn nén lâu ngày

Bị cáo Trung Kim Phong giết chết cô ruột vì nỗi ấm ức dồn nén lâu ngày

Một vụ thảm án khác gây chấn động dư luận xảy ra ngày 22-10 tại thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Nghi phạm là Trần Văn Hiếu (47 tuổi), nạn nhân chính là cha mẹ và em gái của Hiếu. Y đã có một tiền án về tội "Cố ý gây thương tích" và vừa chấp hành xong án phạt tù ngày 13-10.

Mới đây, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phạt Trung Kim Phong (ngụ quận 8, TP HCM) 20 năm tù về tội "Giết người". Phong sống chung với cô ruột từ nhỏ. Chiều 27-4-2019, nhớ lại chuyện trước đây bị cô la mắng, Phong cầm búa tiến đến hành hung cô ruột khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Ra tòa, Phong khai cô ruột thường xuyên la mắng vì những lỗi nhỏ nhặt khiến bị cáo luôn căng thẳng. Vì mối hận dồn nén lâu ngày, bị cáo gây tội ác.

Ngăn chặn những vụ việc đau lòng

Từ góc độ văn hóa, thạc sĩ văn hóa Nguyễn Thành Luân phân tích bạo lực gia đình xuất phát từ biến đổi lệch lạc về nhận thức, lối sống cũng như những chuẩn mực hành vi đạo đức về bổn phận, trách nhiệm. Gia đình là xã hội thu nhỏ, ở đó thể hiện trực tiếp mối quan hệ về quyền và trách nhiệm của từng cá nhân.

Thế nhưng nhiều gia đình và kể cả một số địa phương còn xem nhẹ vấn đề giáo dục trong gia đình, mâu thuẫn giữa những thành viên trong gia đình. Đến một lúc nào đó, các bên liên quan thiếu kiềm chế sẽ dẫn đến án mạng đau lòng.

"Khi những mâu thuẫn, hiểu lầm, sai trái không được giải quyết đến nơi đến chốn sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với người trong cuộc. Đến một lúc nào đó, giọt nước tràn ly, sẽ sinh ra tội ác. Lúc đó, sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình sẽ đứt gãy, gia đình tan nát, kéo theo đó là tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội" - thạc sĩ Nguyễn Thành Luân nói.

Từ thực tiễn các vụ án đã xảy ra, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng hành động được tích lũy từ một quá trình suy nghĩ tiêu cực kéo dài dẫn đến nhận thức sai lầm và hành động vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống, sức ép về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc cũng chi phối giá trị sống, dẫn đến lối sống thực dụng, vô cảm, ích kỷ...

Để ngăn ngừa những án mạng gia đình đau lòng, lực lượng cảnh sát khu vực, tổ dân phố, đoàn thể địa phương cần chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình để kịp thời hòa giải mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, không để tích tụ kéo dài, thậm chí có thể trấn áp với những hành vi đe dọa nguy hiểm đến tính mạng.

"Để răn đe và phòng ngừa chung, với những vụ án giết người thân, ngoài việc xem xét hoàn cảnh gây án, nguyện vọng bãi nại của bị hại, cơ quan pháp luật hoàn toàn có căn cứ xem tình tiết ra tay với người thân là tình tiết tăng nặng trong quá trình lượng hình. Thêm nữa, người gây án còn phạm tội côn đồ nếu dùng hung khí nguy hiểm tấn công người khác vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt" - luật sư Trần Minh Hùng đề xuất.

Gia đình phạm tội

Tại TAND Cấp cao tại TP HCM mới đây, bị cáo Nguyễn Văn Đực (quê ở tỉnh Tây Ninh) đã bị tuyên phạt 16 năm tù về tội "Giết người". Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 18 năm tù, 2 con là Nguyễn Văn Tý và Nguyễn Văn Tý Hon lần lượt bị xử 5 năm tù giam và 3 năm tù cho hưởng án treo.

Từ năm 2017, gia đình bị cáo Đực và gia đình ông N.C.T tranh chấp một mương nước. Chiều 6-4-2020, Đực phát hiện ông T. đặt cống dẫn nước ở mương này. Tức giận, Đực đập bể cống. Gia đình hai bên lao vào hỗn chiến khiến em trai ruột ông T. tử vong, ông T. bị thương tật 75%.

Bài và ảnh: Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/tham-an-gia-dinh-vi-dau-nen-noi-20211103212618552.htm