Thăm ao Trường Đua ở Tiền Giang
Ao nằm ngay trung tâm thị xã Gò Công (Tiền Giang). Ao vuông vức được bao bọc bởi 4 con đường, trong đó đường chính là đường Nguyễn Huệ.
Mặt nước khá rộng, trong xanh. Chúng tôi đến nơi đây vào một buổi sáng. Mặt trời đã lên cao. Xung quanh ao, những chiếc ghế đá bên hàng cây có nhiều người ngồi. Ngồi vào một chiếc ghế, bên cạnh cụ già tóc đã bạc nhiều, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện.
Ông Tám Thời - tên cụ già, hỏi tôi: 'Anh ở xa mới đến hả?'. 'Dạ, có việc xuống Gò Công nên ghé lại đây thăm bởi đã nghe nhiều về ao này', chúng tôi trả lời ông.
Tuổi của ao này nhỏ hơn tuổi tôi. Ông nói. Thời tôi còn nhỏ, lúc đó miền Nam là thuộc địa của Pháp. Đất Gò Công còn là nơi đồng chua nước mặn, nhà cửa chưa có bao nhiêu. Pháp muốn xây dựng nhà, mở thêm đường sá để phát triển thị trấn nên huy động một lực lượng nhân công khá lớn, đào một ao vuông, chu vi khoảng 3.000 mét, sâu 5 mét, bờ lề rộng 5 mét, giáp đường Tổng Thứ (nay là đường Nguyễn Huệ) lấy đất phục vụ các công trình.
Công trình kéo dài trong nhiều năm. Những cơn mưa lớn dồn dập đổ xuống, nước tích tụ lại lâu ngày, nơi đây trở thành ao lớn.
Người Pháp mở dọc theo ao một con đường lớn, sau đó biến nơi đây thành một trường đua ngựa. Thực dân Pháp tổ chức đua ngựa, vui chơi để dân ta quên sự nghèo đói, hận thù, đấu tranh.
Một khán đài lớn được xây dựng để quan khách đến xem. Hàng năm, cứ đến những dịp lễ Tết, nhất là ngày 14/7 - ngày kỷ niệm người Pháp phá ngục Bastille năm 1789 sau này thành ngày quốc khánh Pháp, những cuộc đua ngựa vui chơi diễn ra quanh ao rất rầm rộ. Cứ thế, chúng thường xuyên tổ chức, rồi các hình thức cá cược diễn ra để người thua thường là dân đen nghèo khổ. Tên ao Trường Đua có từ đó.
Một cụ già ngồi bên cạnh nghe câu chuyện ông Tám Thời kể buột miệng hỏi, 'Vậy anh có biết chuyện đua xe đạp không?'. Ông Tám ngẩn người ra, 'Có đua xe đạp hả anh Ba?' 'Có chứ. Hồi đó tôi cũng lớn rồi. Năm đó, Pháp cấp cho nhà Dây thép (bưu điện) 4 chiếc xe đạp dùng để đưa thư. Xe thì về rồi nhưng chưa ai biết đi cả. Một chuyên gia người Pháp được đưa từ Sài Gòn xuống để hướng dẫn sử dụng.
Các nhân viên được giao xe lóng ngóng, leo lên té xuống vất vả cả nửa tháng rồi cũng chạy tạm được. Rồi một cuộc đua xe đạp kỳ thú đã diễn ra vòng quanh bờ ao Trường Đua với 4 nhân viên Nhà Dây thép tham dự. Cuộc đua xe đạp thu hút rất đông người hiếu kỳ đến xem. Nhiều người đến từ rất sớm để chờ xem cuộc đua lần đầu tiên mới có.
Thời đó, xe còn đi bánh đặc. Một người phải bỏ cuộc vì bánh bị bung không gắn vào được. Hai người vì té ngã liên tục nên sợ cũng bỏ cuộc. Còn người cuối cùng ráng gò lưng đạp quanh quẹo về tới đích. Phần thưởng gồm gạo, vải và cái vinh dự 'Hạng nhất cuộc đua xe đạp đầu tiên ở Gò Công''.
Kể đến đây ông Ba dừng lại. Dường như ông đang hồi tưởng về một quá khứ xa xăm. Ông kể tiếp, 'Xe đạp có hai bánh bằng nhau như ta thấy hiện nay chính thức ra đời ở Pháp vào năm 1885. Khoảng 10 năm sau đó, vua Thành Thái đã sở hữu 1 chiếc. Hàng ngày sau mỗi buổi chầu, nhà vua thường lấy xe đạp dạo quanh hoàng thành'.
Trời đã vào trưa, nhiều người rời ao về nhà. Bất chợt, chúng tôi nhìn xuống ao. Trên mặt nước nhiều rác nổi lềnh bềnh.
Ông Tám nói, ngày xưa, cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch, người người lũ lượt gánh nước mưa chứa từ ao Trường Đua về nhà sử dụng. Ao sâu nên hầu như không bao giờ cạn nước. Thỉnh thoảng làng cho bơm vét sạch.
Những lúc như vậy thường gặp cá lưu niên, có con năm, bảy kg là thường...
Đã hơn 80 năm hiện diện tại vùng đất Gò Công, ao Trường Đua đã để lại biết bao kỷ niệm. Chỉ mong sao, nước ao luôn trong xanh, xung quanh ao luôn đầy ắp bóng mát và sẽ là nơi để người Gò Công có dịp ghé chơi, sẻ chia những vui buồn năm tháng.