Thảm cảnh đau lòng từ việc 'chia của' cho con

Mặc dù sự việc xảy đã hơn một tuần, nhưng câu chuyện 3 người con gái ruột tưới xăng, đốt nhà mẹ đẻ xảy ra tại thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, H.Yên Mỹ (Hưng Yên) vẫn còn đốt nóng dư luận. Có phải thảm cảnh xuất phát từ việc'chia của' cho con?

Người ta nóng lòng chờ xem sự trừng phạt của luật pháp và cảm thấy phần nào xoa dịu sự phẫn nộ khi Công an tỉnh Hưng Yên ngày 4/11 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội Giết người. Bên cạnh đó vẫn còn một tòa án nữa mà 3 người này phải đối diện - đó là tòa án lương tâm - dành cho tội bất hiếu.

Câu chuyện xuất phát từ việc phân chia đất cho các con của người mẹ 61 tuổi. Bà có 4 người con gồm 3 con gái và 1 con trai. Tài sản sở hữu gồm 1 thửa đất ở mặt đường và 1 thửa đất trong ngõ. Trong đó, phần đất ngoài đường bà chia cho con trai, đất trong ngõ chia cho 3 người con gái.

Người mẹ bị bỏng trong vụ án ba người con gái đốt nhà mẹ. Ảnh: IT

Người mẹ bị bỏng trong vụ án ba người con gái đốt nhà mẹ. Ảnh: IT

Giữa thời buổi đất mặt tiền và đất trong ngõ chênh lệch giá khá xa, ba người con gái không cam tâm. Thế là họ kéo nhau đến nhà mẹ, đòi 1 suất đất ở ngoài mặt đường. Bà mẹ không đồng ý. Ba người con gái bèn mua một can xăng đổ vào nền nhà của mẹ rồi châm lửa. Hậu quả khiến bà mẹ bị bỏng 80% từ đầu đến chân. Cả 3 người con gái cũng “dính lửa”.

Tranh giành đất đai, tài sản dẫn đến tương tàn giữa các thành viên ruột thịt trong cùng một gia đình hoặc những người có quan hệ huyết thống gần gũi để lại một dư âm rất buồn. Chuyện không còn hy hữu khi “Tấc đất tấc vàng” càng ngày càng gần đúng với nghĩa đen của nó. Nó khiến con người nổi dậy lòng tham. Lòng tham lấn át, làm mất đi tình cảm gia đình, làm xói mòn đạo đức con người.

Vụ án 3 người con gái đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ chính là đỉnh điểm của lòng tham. Lòng tham khiến họ sẵn sàng ra tay với ngay cả mẹ đẻ của mình, bất kể tình mẫu tử và đạo hiếu, gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội.

Về đạo lý, họ mang tội bất hiếu. Về pháp lý họ đang bị điều tra về tội Giết người. Tất nhiên, kẻ phạm tội sẽ bị sự trừng phạt của luật pháp và sự lên án của xã hội.

Tuy nhiên, từ câu chuyện này, chúng ta thấy nổi lên một vấn đề “bất ổn”của những bậc cha mẹ người Việt chính là thói quen “chia của” cho con.

“Chia của” cho con với người Việt ngoài thể hiện tình yêu thương dành cho con cái, họ còn xem đó như là trách nhiệm hoàn thành trước khi qua đời. Họ hạnh phúc và hãnh diện vì điều đó. Bên cạnh ý nghĩa tích cực thì việc này đã dẫn đến nhiều rắc rối thậm chí gây ra cảnh huynh đệ tương tàn, “gia môn bất hạnh” như trường hợp kể trên.

Thời phong kiến với quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, tài sản cha mẹ hầu như chỉ chia cho con trai, con gái không có phần hoặc chỉ một ít tượng trưng. Ngày nay, có tiến bộ hơn, cha mẹ chia đều tài sản cho con không phân biệt nam nữ. Nhưng cũng không vì thế mà được cho là công bằng.

Công bằng trong sự phân chia tài sản cho con thật sự rất khó định nghĩa. Bởi mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Cùng một môi trường giáo dục nhưng tính cách của các người con có khi rất khác biệt. Có người chăm chỉ học hành, chí thú làm ăn, có người siêng chơi biếng làm, hoặc lâm vào nghiện ngập, cờ bạc. Khi phân chia tài sản, nếu cả hai đều được nhận số tài sản có giá trị bằng nhau thì liệu có công bằng? Còn nếu như chia phần không bằng nhau, tất nhiên với người bị chia phần ít hơn là không công bằng. Kết quả sẽ dẫn đến anh em lâm cảnh “vô phúc đáo tụng đình”.

Trở lại câu chuyện ba người con gái đốt nhà mẹ, có thể theo lề thói xưa nay, con trai được ưu ái hơn con gái một chút đã đưa đến thảm cảnh đau lòng. Câu chuyện cho chúng ta một bài học cảnh tỉnh về nguy cơ đổ vỡ các giềng mối gia đình, băng hoại đạo đức xã hội, tha hóa con người nếu như chúng ta để lòng tham vật chất ngự trị, điều khiển chúng ta, nếu như chúng ta không lấy đạo hiếu với mẹ cha và tình thâm thủ túc làm nền tảng đạo lý của con người.

Phạm Thanh Tùng ngồi bệt hầu tòa trong vụ án "nổi tiếng" Vì đất vì tiền, đưa đứa em tật nguyền ra tòa...- Ảnh N.Triều

Phạm Thanh Tùng ngồi bệt hầu tòa trong vụ án "nổi tiếng" Vì đất vì tiền, đưa đứa em tật nguyền ra tòa...- Ảnh N.Triều

Rất nhiều ông bố bà mẹ khi rơi vào hoàn cảnh tương tự đã ân hận, ray rứt: “Giá như đừng có cục đất nào thì hơn”.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, quan điểm về việc “chia của cho con” đã khác. Cứ nhìn vào các nhân vật nổi tiếng thì biết.

Dù sở hữu khối tài sản khổng lồ lên tới 135 tỷ USD (theo thống kê của Bloomberg Billionaire Index) nhưng tỷ phú Bill Gates từng tuyên bố sẽ chỉ cho các con mỗi người một phần rất nhỏ trong khối tài sản khổng lồ của mình. Phần tài sản còn lại, Gates sẽ dành cho từ thiện. Ông cho rằng: "Việc để lại tài sản cho con cái là việc làm không tốt. Thế hệ tương lai sẽ không có động lực làm việc chăm chỉ và đóng góp cho xã hội". "Tôi cho rằng mọi đứa trẻ khi lớn lên sẽ phải tự tìm lấy một công việc để kiếm tiến. Không nên trông chờ sẽ có một khoản tiền nào đó từ người khác, dù là bố mẹ", Gates nói.

Cũng như Bill Gates, tỷ phú Warren Buffett cho biết, dự định sẽ quyên góp 99% tài sản cho tổ chức từ thiện thay vì để lại cho con gái.

Còn ông trùm khách sạn và bất động sản Hồng Kông, Trung Quốc Yu Pang Lin, khi qua đời vào năm 2010, đã tuyên bố, cho đi toàn bộ tài sản của mình. Ông là tỷ phú người Trung Quốc đầu tiên quyết định dành toàn bộ tài sản làm từ thiện thay vì để lại cho con cháu như truyền thống thường thấy của người phương Đông.

Bố mẹ có tài sản chia cho con cũng nên cẩn thận, cân nhắc, minh bạch, công khai và giải thích rõ ràng. Ảnh minh họa

Bố mẹ có tài sản chia cho con cũng nên cẩn thận, cân nhắc, minh bạch, công khai và giải thích rõ ràng. Ảnh minh họa

Tất nhiên mọi so sánh đều khập khiễng và cũng không phải dễ để thay đổi một quan điểm truyền thống lâu đời của một dân tộc. Tuy nhiên, bố mẹ có tài sản chia cho con cũng nên cẩn thận, cân nhắc, minh bạch, công khai và giải thích rõ ràng cho các con “khẩu phục tâm phục”. Có như thế mới mong tránh được thảm cảnh đau lòng.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/tham-canh-dau-long-tu-viec-chia-cua-cho-con-167253.html