Thấm đậm tình quân dân trong mưa lũ

Những ngày qua, hoàn lưu bão số 8 đã gây ra mưa lớn dẫn tới ngập, sạt lở tại nhiều nơi ở khu vực biên giới các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên. Trong lúc cấp bách ấy, những người lính Biên phòng đã không quản hiểm nguy đội mưa, vượt lũ cùng chính quyền địa phương đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế hỗ trợ di dời người dân ở thôn Tru Pỉ đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế hỗ trợ di dời người dân ở thôn Tru Pỉ đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Nỗ lực cứu tàu bị nạn

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, thời tiết trên biển diễn biến xấu, gió to và sóng lớn nên xảy ra nhiều vụ chìm tàu. Tính đến ngày 18-10, đã có 4 vụ với 26 người và 3 phương tiện bị sự cố do ảnh hưởng bởi thiên tai. Hậu quả, 2 người chết, 2 phương tiện bị chìm, 1 phương tiện bị mắc cạn và 1 phương tiện chưa liên lạc được.

Điển hình, ngày 16-10, tại khu vực biển cách hòn Dáu, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng khoảng 30m, tàu HP2204TS với 3 lao động do ông Trần Văn Hòa (sinh năm 1976, trú tại xã Hồng Phong, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) làm thuyền trưởng, trong khi di chuyển tránh gió đã va phải đá ngầm và bị chìm.

Tại Quảng Ninh, hồi 12 giờ 30 phút, ngày 16-10, khi đang di chuyển từ cảng Vạn Gia đến khu vực biển thuộc xã Vĩnh Trung, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tàu Cửa Lục 01 của Công ty Cổ phần Kim Thủy chở 40m3 dầu DO, trên tàu có 2 thuyền viên bị sóng lớn đánh chìm khiến thuyền viên Nguyễn Văn Bảo (sinh năm 1963, trú tại xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) tử vong.

Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Đồ Sơn, BĐBP thành phố Hải Phòng đã điều 5 cán bộ, chiến sĩ, trưng dụng 1 phương tiện của ngư dân tham gia cứu nạn và đã cứu sống được các thuyền viên trên tàu HP2204TS và đưa vào bờ an toàn. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia, BĐBP Quảng Ninh nhanh chóng điều 8 cán bộ, chiến sĩ, sử dụng 2 xuồng phối hợp với lực lượng chức năng cứu được thuyền viên Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1975, trú tại xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Sau đó, đơn vị tiếp tục duy trì 7 cán bộ, chiến sĩ và 1 xuồng trực tại hiện trường, phối hợp với các lực lượng trải phao quây, giấy thấm dầu, hóa chất để ngăn chặn nguy cơ tràn dầu và tiến hành trục vớt tàu.

Đội mưa di dời dân đến nơi an toàn

Mưa to và kéo dài, nước sông và suối dâng cao, đường giao thông bị sạt lở khiến nhiều khu dân cư ở khu vực biên giới bị chia cắt, cô lập. Trước tình hình trên, BĐBP các tỉnh, thành phố đã thường trực quân số, sẵn sàng tham gia cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân.

BĐBP Quảng Bình đã điều 118 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố, trực tại các điểm ngập úng. Mưa lũ đã khiến nhiều nhà dân tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị hư hỏng. Bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và 3 bản Trung Sơn, Ploang, Zìn Zìn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bị cô lập hoàn toàn. Trong 2 ngày 16 và 17-10, các đơn vị BĐBP Quảng Bình đã tổ chức di dời 66 hộ với 303 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Chỉ trong ngày 17-10, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế đã di dời gần 200 nhân khẩu tại thôn Pire, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; thôn Tru Pỉ, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới đến các trường học và trụ sở UBND xã do bị ngập sâu trong nước. Đến nay, lượng mưa trên địa bàn huyện A Lưới vẫn chưa giảm, các đồn Biên phòng Hương Nguyên, Nhâm và A Đớt thường xuyên kiểm tra các địa bàn xung yếu, lên phương án, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng di dời dân khi có tình huống xấu.

Tại Quảng Trị, mưa to, nước sông Đakrông, Ba Lòng, Sê Păng Hiêng dâng cao khiến địa bàn các đồn Biên phòng Ba Nang, A Vao (huyện Đakrông), Hướng Phùng, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) nhiều bản bị chia cắt. Các đồn Biên phòng đã triển khai 6 tổ với 25 cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn các ngầm tràn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân không đi lại những khu vực đập tràn khi nước lũ dâng cao, không đánh bắt cá trên các sông, suối để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các đơn vị cũng giúp các hộ dân sinh sống ven sông, suối, vùng thấp trũng có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống đến vị trí an toàn.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, mưa to, kéo dài cũng khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước tình hình trên, lực lượng BĐBP đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức di dời người dân ở khu vực xung yếu đến nơi an toàn.

Tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, Đồn Biên phòng Ia Rvê đã phối hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 kịp thời đưa 16 người dân bị cô lập do mưa lũ đến nơi an toàn. Tại xã Ea Bung và Ia Lốp (huyện Ea Súp), các đồn Biên phòng Ea H’leo, Yok M’bre và cửa khẩu Đắk Ruê cũng tổ chức lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương di dời 29 hộ dân và tài sản ra khỏi vùng ngập lụt. Tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk phối hợp với chính quyền địa phương di dời 6 nhà dân bị ngập đến nơi an toàn.

Theo dự báo, trong những ngày tới, các tỉnh miền Trung tiếp tục hứng chịu đợt mưa lớn, có nguy cơ xảy ra hiện tượng lũ chồng lũ. Bởi vậy, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh miền Trung chỉ đạo các đồn Biên phòng, Hải đội Biên phòng tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời ứng phó với thiên tai.

Theo đó, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Biên phòng duy trì lực lượng ứng trực tại các địa bàn xung yếu, kịp thời di dời những hộ dân sinh sống ở những khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm, kiên quyết không để dân bị đói, rét...

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tham-dam-tinh-quan-dan-trong-mua-lu-post444757.html