Thăm đền công chúa ngoại quốc duy nhất được thờ ở Việt Nam
Vì có công huấn luyện voi chiến cho Đại Việt nên công chúa nước Lào là Nhồi Hoa được lập đền thờ tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai (Nho Quan , Ninh Bình).
Sơn Lai là vùng đất cổ, hiện thuộc phạm vi của Quần thể Danh thắng Tràng An. Vào thế kỷ X, Sơn Lai là cửa ngõ phía Tây của “Hoa Lư tứ trấn”, thời nhà Trần (năm 1226), vùng đất này thuộc trấn Thiên Quan. Thời Hậu Lê, Sơn Lai thuộc phủ Thiên Quan, xứ Thanh Hóa.
Đền Thượng Thái Sơn (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) nhỏ bé, cổ kính giữa đỉnh đồi. Đền được người dân Sơn Lai quanh năm hương khói, tổ chức lễ hội đậm bản sắc Việt – Lào nơi thờ công chúa nước Lào với danh xưng Nhồi Hoa công chúa, được nhân dân sùng bái như một danh nhân đất Việt.
GS Đặng Cảnh Khanh - Chủ tịch HĐKH Quỹ Văn Hiến Việt Nam cho hay, trong lịch sử có một vị Công chúa nước Lào tên phiên âm Tiếng Việt là Nhồi Hoa theo lệnh vua cha đã đem vài trăm con voi sang giúp nước Việt đánh giặc. Sau khi giao xong đàn voi, trên đường trở về không may công chúa lâm bệnh.
Công chúa Nhồi Hoa lâm bệnh tại khu vực đồi Đền. Khi ấy các binh lính phải hạ trại đóng hai đồn thành dinh lũy để lo thuốc thang cho bà. Sau một thời gian được các thái y hết lòng cứu chữa nhưng bệnh tình không thuyên giảm, Công chúa đã qua đời tại trại đóng trên đồi Đền.
Được sứ giả báo về triều đình Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đã cho cho quân thần về làm lễ, an táng tại khu vực đồi Đền, xây khu lăng mộ và cho lập đền thờ công chúa ngay tại đó. Trải qua hàng trăm năm, ngôi đền thờ của công chúa Nhồi Hoa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố.
Hiện nay di tích gồm 3 tòa, tòa Trung Đường và Hậu cung còn giữ nguyên vẹn kiến trúc “Tiền đao Hậu đấu”. Kiến trúc với mái ngói lợp vẩy, cửa được làm theo lối chân quay và có then cài. Các bậc cửa được làm bằng gỗ cao hơn 30cm. Mái được nâng đỡ bởi hệ thống 4 cột cái cùng 12 cột quân, tất cả các cột được làm hoàn toàn bằng gỗ lim và được chạm khắc rất tinh xảo.
Riêng tòa Trung đường và Hậu cung còn giữ nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, lợp ngói vảy, cửa làm theo lối chân quay, then cài, bậc cửa bằng gỗ. Đỡ mái bằng hệ thống 4 cột cái và 12 cột quân đều bằng gỗ lim.
Trong tòa Hậu cung thờ Nhồi Hoa công chúa có long đình để bức chân dung công chúa chạm trên gỗ, tương truyền là bức chạm do triều đình Ai Lao xưa đem sang.Ban thờ có ảnh công chúa chạm trên gỗ và nhiều đồ thờ có giá trị
Phía Tây đền Thượng là nơi đặt lăng mộ của công chúa Nhồi Hoa. Ngôi mộ nhỏ, được tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ khá nguyên vẹn kiến trúc ban đầu với đôi câu đối: “Lăng cơ ngật lập chung nhi thủy/Anh khí lưu truyền cổ cập kim”.
Đặc biệt, trong đền Thượng có bức tượng Voi phục khá cổ kính và đẹp. Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, đối với đình đền thì việc xuất hiện các bức tượng voi, ngựa… là rất bình thường. Tuy nhiên, đối với đền Thượng – nơi thờ công chúa Nhồi Hoa – người chuyên huấn luyện voi chiến lại mang một ý nghĩa, một ý niệm khác.
Đặc biệt là 4 sắc phong triều Nguyễn, trong đó có sắc phong vào ngày 12 tháng 1 năm Tự Đức thứ 6 (1852) phong cho bà mỹ tự “Linh Quang Huyền Cảm Diễm Quyên Nhàn Uyển chi thần”. Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), bà được phong là Thượng đẳng thần.
Đền thờ được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2007. Di tích luôn được chính quyền, nhân dân trong vùng trông coi, bảo vệ, trùng tu tôn tạo.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, hằng năm, tại di tích diễn ra lễ hội truyền thống vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Trong lễ hội đặc biệt có phần múa hát theo điệu Chăm Pa (điệu múa hát cổ truyền của nước Lào) để tưởng nhớ về công lao của công chúa Nhồi Hoa và bảo tồn và tôn vinh truyền thống hữu nghị tốt đẹp của hai dân tộc Việt – Lào.
Tố Quyên (bài, ảnh)