Thăm đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà
Văn hóa và Đời sống - Là một trong hai địa điểm thờ thần Đồng Cổ ở xứ Thanh, Di tích quốc gia đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) gắn liền với huyền tích 'Đồng Cổ đại vương' linh ứng phù trợ các triều đại phong kiến trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông gấm vóc. Đi qua thời gian, thăng trầm lịch sử, đền được Nhân dân địa phương giữ gìn, tôn tạo với niềm tin tâm linh cùng sự tôn kính dành cho vị thần tối linh.
Theo “Sự tích tôn thần bản miếu”, đền thờ thần Đồng Cổ ở làng Mỹ Đà được khởi dựng từ thời Lý.
Huyền tích thần Đồng Cổ
Nói đến thần Đồng Cổ, không thể không nhắc đến vùng đất cổ Đan Nê, thuộc xã Yên Thọ (Yên Định) ngày nay. Nơi đây có núi Tam Thai (còn gọi là Khả Lao) cùng niềm tin của Nhân dân: Từ ngàn, vạn năm qua thần Đồng Cổ đã ngự ở nơi này. Câu chuyện thần Đồng Cổ thường xuyên hiển linh phù trợ các triều đại phong kiến đánh giặc ngoại xâm, phản loạn đã đi vào tiềm thức dân gian, là một phần trong những ghi chép sử sách Việt (Đại Việt Sử ký toàn thư; Đại Nam Nhất thống chí; Lịch Triều hiến chương loại chí...). Học giả người Pháp H.Le Breton cũng ghi chép khá chi tiết: “Trên sườn một ngọn núi, núi Đồng Cổ có một ngôi đền Thanh Nguyên, tục gọi là đền Đồng Cổ. Theo chúng tôi biết, ngôi đền này cổ xưa nhất trong tỉnh Thanh Hóa, dựng nên từ thời đại truyền thuyết Hồng Bàng"...
Tương truyền, khi vua Hùng đi dẹp giặc Hồ Tôn xâm lược ở phương Nam, đại quân đã theo đường núi và dừng nghỉ chân ở núi Khả Lao. Đêm đến, nhà vua đã mộng thấy vị thần núi đến xin cho trống đồng, dùi đồng để giúp vua đánh giặc. Y lời thần, ngày hôm sau, những binh khí trong đêm mộng báo đã được gấp rút chuẩn bị. Trận chiến đang hồi cam go thì trên không trung bỗng nổi lên âm vang trống đồng, kiếm kích, khiến quân xâm lược hồn bay phách tán, không đánh mà lui. Không quên ơn thần giúp đỡ, thắng trận trở về, vua Hùng đã phong “Đồng Cổ đại vương”, cho lập đền thờ thần. Và đền thờ thần Đồng Cổ ở làng Đan Nê đã được khởi dựng từ ngày ấy.
Đến thời Tiền Lê, thần Đồng Cổ lại hiển linh giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Chiêm Thành. Sự linh ứng của thần Đồng Cổ được hậu thế nhắc đến nhiều nhất là vào thời Lý. Trên đường vào phương Nam dẹp giặc Chiêm Thành, thái tử Lý Phật Mã cùng quân lính hạ trại nghỉ ở bến Trường Châu (sông Mã) gần núi Tam Tha. Đêm xuống, thái tử mộng thấy vị thần với tướng mạo khác thường đến trước mặt tự xưng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử xuống đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ” (theo Việt điện u linh). Sau khi thắng trận trở về, thái tử Phật Mã đã qua bến Trường Châu làm lễ tạ ơn và xin rước linh vị thần Đồng Cổ về kinh đô Thăng Long phụng thờ để giữ nước, hộ dân. Khi vua Lý Thái Tổ mất, thái tử Phật Mã lên ngôi (vua Lý Thái Tông) chưa bao lâu thì một đêm lại thấy thần Đồng Cổ mộng báo về việc “tam Vương mưu phản”. Về sau, vua đã xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương”. Trước bài vị thần ở kinh đô Thăng Long, vua Lý Thái Tông cùng văn võ bá quan sau đã có lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Trong các triều đại phong kiến, việc tổ chức lễ thề trung hiếu trước đền thờ thần Đồng Cổ được duy trì cho đến thời Trần.
Linh thiêng di tích
Làng Mỹ Đà ngày nay xưa kia có tên gọi Kẻ Cổ, đến giai đoạn Lý - Trần gọi là trang Mỹ Cụ. Theo Thần tích thần Đồng Cổ làng Mỹ Đà, ở bến Trường Châu, thái tử Phật Mã sau khi được thần Đồng Cổ mộng báo giúp đỡ đã cùng đại quân thẳng tiến đến nơi đồn trú của giặc. Hai bên giáp chiến vô cùng ác liệt. Khi thế trận giao tranh bất phân thắng bại, để bảo toàn lực lượng, thái tử Phật Mã đã cho lui quân. Qua địa giới trang Mỹ Cụ (làng Mỹ Đà) huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung, vào giữa trưa trời bỗng nổi mưa giông dữ dội, thái tử bèn cho quân dừng lại nghỉ ngơi. Khi trời quang mây tạnh, thái tử nhà Lý nhận ra địa hình của bản trang nơi mình dừng chân giống một đóa hoa sen, được che bởi đám mây mờ. Cho là sự lạ nên đã lập đàn tế tại chỗ, đêm đến lại mộng thấy vị thần dáng uy nghi như đã gặp trong mộng trước đó, đứng trên đàn tế, tự xưng: “Ta là sơn thần Đồng Cổ, theo vua đi dẹp giặc. Nay thấy nơi đây là đất linh thiêng cho nên hiển ứng”. Lại thấy một dải mây vàng tựa tấm lụa từ trên trời giáng xuống ngay đàn tế, trong đám mây hiển hiện hai chữ “Bảo Hựu”. Bấy giờ, thái tử Phật Mã càng tin có thần linh phù trợ, bèn đốc quân trở lại, tiến vào đồn giặc. Giữa trận giao tranh, trên không trung nổi lên ba tiếng trống đồng như tiếng sấm vang khiến kẻ thù sợ hãi, không đánh mà vũ khí tự buông, mất hết nhuệ khí chiến đấu, quân ta thừa thắng xông lên quét sạch giặc Chiêm Thành ra khỏi bờ cõi.
Thắng trận trở về, lên ngôi, vua Lý Thái Tông đã ra sắc chỉ cho người dân trang Mỹ Cụ dựng đền thờ trên nền đất có hình hoa sen trước đó từng lập đàn tế, phong mỹ tự “Thượng đẳng phúc thần”, cấp tiền cho Nhân dân địa phương quanh năm hương khói phụng thờ. Bởi vậy, ngoài tên đền thần Đồng Cổ thì di tích còn được biết đến với hai tên gọi: Đền Thành hoàng Bảo Hựu và Liên Hoa linh từ. Theo người dân địa phương, tên gọi Liên Hoa linh từ bắt nguồn từ địa thế của làng cũng như vị trí ngôi đền tọa lạc giống như đóa hoa sen.
Không gian thờ tự bên trong di tích đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà.
Theo Thần tích thần Đồng Cổ làng Mỹ Đà, đầu thế kỷ XV, nơi núi rừng Lam Sơn xứ Thanh, Bình Định Vương Lê Lợi khởi binh đánh đuổi giặc Minh xâm lược, trong một lần qua đền thờ thần Đồng Cổ ở trang Mỹ Cụ đã thành tâm làm lễ khấn thần: “Tôi người nhà Lê, khởi nghĩa dẹp loạn giặc Minh, thân hành cầu xin trời đất bách thần âm phù trợ giúp”. Sau đó lên đường cùng tướng sĩ trên dưới một lòng quyết tâm diệt giặc. Khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, không quên ơn thần linh phù trợ, vua Lê Thái Tổ đã phong Bản cảnh Thành Hoàng, Bảo Hựu hiển ứng, Huyền thông thượng thượng đẳng phúc thần Đại vương, hàng năm xuân - thu hai kỳ quốc tế (tế lễ theo nghi thức Nhà nước).
“Sự tích tôn thần bản miếu” (bản gốc do Hàn Lâm viện Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất 1502) đền thờ thần Đồng Cổ ở làng Mỹ Đà được khởi dựng từ thời Lý, lưu giữ tại di tích câu đối: “Anh linh trợ Lý bình Chiêm tặc/ Hiển ứng phù Lê phạt Ngô quân”. Nhớ ơn thần, các triều đại phong kiến về sau đều ban sắc phong. Tại di tích hiện vẫn lưu giữ 28 đạo sắc phong (thời Lê, Nguyễn). Nội dung các sắc phong ca ngợi uy đức, công lao phù trợ đánh đuổi giặc ngoại xâm của thần Đồng Cổ với đất nước, Nhân dân. Năm 2004, đền thờ được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Với ý nghĩa đó, di tích đã được trùng tu, tôn tạo xứng tầm, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân và du khách khi về với làng cổ Mỹ Đà.
Hàng năm, vào ngày mùng 1 tháng 2 (âm lịch), Nhân dân địa phương lại thành kính tổ chức lễ hội kỳ phúc tại đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà. Cụ ông Nguyễn Văn Hoạt (88 tuổi), bậc cao niên trong làng tự hào: “Không ai biết chính xác lễ hội kỳ phúc đền Đồng Cổ có từ bao giờ. Đây là dịp để người dân tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với thần linh đã có công phù trợ đất nước, Nhân dân ta đánh thắng giặc ngoại xâm. Đồng thời, gửi gắm ước vọng quốc thái dân an, mùa màng no đủ, được thần chở che, phù trợ cho vạn sự an lành”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tham-den-dong-co-lang-my-da/19480.htm