Thăm Điện Thừa Hoa

Điện Thừa Hoa (còn gọi là Phủ Nhì, Đền Thánh Mẫu) thuộc di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia Điện Thừa Hoa và từ đường Phúc Quang mà trung tâm là đền thờ Thánh Mẫu Ngô Thị Ngọc Dao (thân mẫu Vua Lê Thánh Tông) nằm ở làng Thung Thượng và Thung Thôn, xã Định Hòa, huyện Yên Định.

Cổng vào Điện Thừa Hoa và từ đường Phúc Quang, xã Định Hòa, huyện Yên Định.

Theo gia phả họ Ngô ở xã Đinh Hòa, tháng 2 năm Hồng Đức thứ 4 (1473) Vua Lê Thánh Tông ngự về Tây Kinh (tức Lam Kinh) bái yết tổ tiên đã về thăm quê ngoại, cho tu sửa Thuần Mậu đường và đổi tên là Phúc Quang từ đường, đồng thời cho xây dựng một cung để phụng dưỡng mẹ (Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao) đặt tên là Điện Thừa Hoa.

Điện Thừa Hoa xây dựng cách đây đã gần 600 năm, là nơi thờ Chính Quang thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Bà sinh năm Canh Tý (1420) con gái Dụ Vương Ngô Từ, là người phụ nữ có vị trí đặc biệt trong lịch sử triều Lê, có ảnh hưởng và công lao to lớn với 3 vị vua Lê (bà là vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Thánh Tông và là bà nội vua Lê Hiển Tông) - là những vị vua anh minh, khiến cho thời Lê Sơ trở thành thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Bà được sử sách ghi nhận, tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”.

Toàn bộ khu Điện Thừa Hoa, trong đó có Phúc Quang từ đường có diện tích 5 mẫu, khu ngoài nghi môn là 5 sào thuộc khu đất chợ Đền giáp bờ sông Cầu Chày. Điện dược xây dựng theo lối kiến trúc cổ phương Đông trong một không gian “Nội công ngoại quốc”.

Phủ Nhì được xây dựng theo kiến trúc 3 lớp, hình chữ “Tam”, gồm: cung Đệ Nhất (chính tẩm), cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam, nhìn ra sông Cầu Chày uốn lượn như long vờn. Vật liệu xây dựng đền thờ bằng đá, gỗ quý, công trình được xây dựng trong 3 năm thì hoàn thành.

Ngày 1-5-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dư án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Điện Thừa Hoa, UBND huyện Yên Định làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Him Lam là đơn vị thi công, bao gồm một số hạng mục như: Cung Đệ Nhất, cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam, nghi môn và các công trình phụ trợ khác…

Từ Đường Phúc Quang - nhà thờ dòng họ Ngô được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1995. Từ đường được tôn tạo năm 2003.

Bia đá bằng chữ Hán ghi công trạng của các công thần họ Ngô có công với đất nước.

Hiện khu di tích còn lưu giữ 3 đạo sắc phong quý. Hàng năm vào ngày 26-3 âm lịch người dân địa phương lại tổ chức lễ hội Phủ Nhì, xưa là Quốc lễ vì được vua đặc ân ban kinh phí từ lộc điền và tiến lễ hàng năm. Việc chuẩn bị được bắt đầu từ ngày 8-3 âm lịch (ngày giỗ cụ Ngô Từ). Một trong những phần hấp dẫn và độc đáo trong lễ hội là nghi lễ rước bóng Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao từ ngoài vào Điện Thừa Hoa vào ngày 25-3. Nét đặc biệt của nghi lễ này là chỉ có con gái mới được tế lễ.

Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tham-dien-thua-hoa/20058.htm