Thấm đòn thua lỗ

Hiện nay, người nuôi heo đã phải gồng mình thua lỗ được khoảng 1 năm, còn người nuôi gà công nghiệp cũng ngót nghét 3 năm thua lỗ. Câu chuyện thua lỗ chẳng những chưa thể dự báo được hồi kết, mà còn có xu hướng lan rộng ra với một số đối tượng vật nuôi khác, với khởi đầu mang tên 'bò thịt'.

Đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 trong nước cơ bản được khống chế, sản xuất, kinh doanh bước vào giai đoạn phục hồi cũng là lúc người chăn nuôi ôm mộng làm giàu trước cơ hội phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, mọi thứ đều nằm ngoài dự tính của họ, khi sự phục hồi của nền kinh tế là có hạn, khiến sức tiêu thụ các sản phẩm thịt không tăng, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng. Một năm thua lỗ đã đi qua, chẳng những chưa chịu dừng lại mà xu hướng thua lỗ ngày một trầm trọng hơn, khi giá các sản phẩm chăn nuôi chủ lực như: heo, gà và gần đây là bò cứ thi nhau giảm mạnh.

Trò chuyện với những chủ trang trại chăn nuôi lâu năm về tình hình chăn nuôi 3 tháng đầu năm nay, họ đều nói một câu: “Heo thì 1 triệu, gà thì 4.000 - 5.000 đồng”. Từ chưng hửng đến thắc mắc, tôi quyết định cãi lại: “Gì rẻ vậy. Làm gì có giá đó”. Mọi người được một phen cười ồ lên, rồi nói: “Ông lạc hậu tình hình quá đi. Đó là mức lỗ mà người nuôi heo, gà phải gánh chịu trên mỗi con khi xuất chuồng, chứ không phải giá bán mà ở đó trả giá mắc hay rẻ”. Lúc này tôi mới nhận ra trong lời nói, tiếng cười và cả ánh mắt của họ có một chút gì chua chát quá.

Nhiều chuồng trại bị bỏ trống do người chăn nuôi thua lỗ kéo dài. Ảnh: TÍCH CHU

Nhiều chuồng trại bị bỏ trống do người chăn nuôi thua lỗ kéo dài. Ảnh: TÍCH CHU

Theo tính toán của người nuôi heo, với mức giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh thời gian qua, để nuôi được về 100kg, chỉ riêng tiền con giống và thức ăn, người nuôi mất đứt hơn 5 triệu đồng. Còn nếu cộng hết tất cả chi phí lãi vay, nhân công, điện, nước, khấu hao… giá thành mỗi con heo xuất chuồng (100kg) vào khoảng 5,6 triệu - 5,8 triệu đồng/100kg. Trong khi đó, giá heo hơi hiện tại chỉ quanh quẩn mức 4,8 triệu - 5,1 triệu đồng/100kg. Như vậy, tính ra mỗi trang trại sau 4 tháng, nếu xuất chuồng 100 con heo thịt thì cầm chắc mức lỗ gần cả trăm triệu đồng. Một mức lỗ mà khó có hộ chăn nuôi nào có thể cầm cự trong thời gian dài được. Không chỉ có hộ chăn nuôi trang trại mà ngay cả những doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đều đang gặp khó. Ngay cả như ông Đoàn Nguyên Đức (còn được gọi là Bầu Đức) dù tận dụng nguồn chuối không đạt chuẩn xuất khẩu để nuôi heo vẫn than không có lời.

Cùng "con thuyền" thua lỗ như người nuôi heo, những trang trại nuôi gà công nghiệp cũng đang ngoắc ngoải vì mỗi con gà sau 2 tháng nuôi trọng lượng bình quân 2kg là gần như cầm chắc mức lỗ 4.000 - 5.000 đồng/con. Theo ước tính, giá thành nuôi mỗi con gà thịt lông trắng đến khi xuất chuồng (2kg) bình quân khoảng 52.000 - 54.000 đồng, trong khi giá bán hiện tại chỉ vào khoảng 48.000 - 49.000 đồng/con. Đó là đối với những người nuôi đạt tỷ lệ đầu con và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) đạt tiêu chuẩn, còn nếu không, mức lỗ sẽ còn cao hơn. Những người nuôi bò thịt gần đây cũng bắt đầu lo lắng, khi giá bò hơi bỗng dưng sụt giảm từ mức 80.000 đồng/kg xuống chỉ còn 70.000 đồng/kg. Chẳng những giá giảm, mà bò hơi trong nước hiện cũng được tiêu thụ rất kém do màu sắc thịt không đẹp bằng thịt bò nhập khẩu và tỷ lệ thịt xẻ chưa cao.

Nguyên nhân giá heo hơi, gà công nghiệp, bò thịt sụt giảm được lý giải chủ yếu là do tình hình lạm phát toàn cầu, khiến các doanh nghiệp trong nước mất hoặc giảm đơn hàng, phải ngừng hoặc giảm công suất hoạt động nên số lao động bị cho nghỉ việc nhiều, khẩu phần ăn giảm đi. Mặt khác, do người lao động thất nghiệp nhiều buộc họ phải hạn chế chi tiêu các mặt hàng đắt đỏ, chuyển sang sử dụng các mặt hàng có giá phù hợp hơn với thu nhập gia đình. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi dẫn đến người chăn nuôi thua lỗ nặng, kéo dài chính là ở chi phí thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng lên trong suốt 3 năm vừa qua. Đây thật sự là một vấn đề quan trọng cần tìm ra giải pháp.

Tại Sóc Trăng, theo báo cáo của ngành nông nghiệp, đến hết quý I năm 2023, tổng đàn gia súc của tỉnh 216.453 con, tăng 4,72% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, đàn heo 160.430 con, đàn bò 53.523 con, đàn trâu 2.500 con. Sản lượng thịt gia súc xuất chuồng 9.358 tấn, tăng 2,97% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm 6,9 triệu con, tăng 0,03% so cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng 7.830 tấn, tăng 0,06% so với cùng kỳ. Tuy lượng xuất chuồng có tăng, giá các sản phẩm chăn nuôi giảm từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022, nhưng nhìn chung số hộ cũng như mức thua lỗ không quá lớn do chủ yếu chăn nuôi theo 2 hình thức: nhỏ lẻ (tận dụng phụ phẩm, thức ăn thừa - NV) và nuôi gia công cho các doanh nghiệp.

Theo dự báo, giá sản phẩm chăn nuôi như: heo, gà, bò trong thời gian ngắn tới khó có khả năng tăng mạnh trở lại do tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn khó khăn, người lao động vẫn khó tìm được việc làm có mức thu nhập ổn định như trước khi có đại dịch Covid-19.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/tham-don-thua-lo-64182.html