Thắm đượm những việc làm nghĩa tình dành cho người nghèo

Với phương châm 'lá lành đùm lá rách', trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp ở tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Qua đó, góp phần khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái trong cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vơi bớt những lo toan trong cuộc sống.

Hội LHPN tại một số địa phương của tỉnh Đắk Nông giúp đỡ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phúc An

Hội LHPN tại một số địa phương của tỉnh Đắk Nông giúp đỡ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phúc An

Suốt 2 năm qua, mô hình “Gian hàng 0 đồng” do Hội LHPN xã Ea Pô, huyện Cư Jút triển khai đã trở thành điểm đến quen thuộc với bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và các xã lân cận. Với phương châm “Ai thiếu đến nhận - ai thừa đến góp”, những người có hoàn cảnh khó khăn có thể đến đây lấy quần, áo, giày, dép, sách, vở và rất nhiều vật dụng sinh hoạt khác mà không phải trả bất cứ chi phí nào. Từ ngày thành lập đến nay, “Gian hàng 0 đồng” này cứ vơi đi rồi lại đầy, đem lại niềm vui và sự ấm áp cho người nghèo nơi đây.

Ngày cuối tuần, chị H’Nha, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút chở con gái đến “Gian hàng 0 đồng” của Hội LHPN xã Ea Pô để lựa cho con gái bộ đồ đẹp chuẩn bị vào năm học mới. Chị H’Nha bảo: “Gia đình mình ít nương rẫy, vợ chồng chủ yếu đi làm thuê nên cuộc sống còn khó khăn, đồ dùng còn thiếu thốn, biết ở đây có “Gian hàng 0 đồng”, thi thoảng mình ra lựa một số đồ cần thiết mà không mất bất kỳ khoản chi phí nào. Có khi là bộ quần áo, khi là đồ dùng sinh hoạt, rồi giày dép, sách vở, các chị ở đây cũng rất tận tình”.

Xã Ea Pô có khoảng 3.000 hộ dân với khoảng 13.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 65% dân số toàn xã, chủ yếu là dân tộc Thái từ các tỉnh phía Bắc vào đây sinh sống. Thấy nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, chị Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Pô đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng “Gian hàng 0 đồng” nhằm hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh éo le. Cứ như vậy, gần 2 năm qua, chị Nguyệt lặn lội khắp các ngõ ngách thu gom đồ cũ mang về giặt giũ sạch sẽ, phân loại các món đồ tươm tất rồi chở ra “Gian hàng 0 đồng” phục vụ bà con.

Người dân đến “Gian hàng 0 đồng” để lựa chọn những món đồ cần thiết. Ảnh: Phúc An

Người dân đến “Gian hàng 0 đồng” để lựa chọn những món đồ cần thiết. Ảnh: Phúc An

“Mình thấy vui vì giúp đỡ cho nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bà con tin tưởng đến "Gian hàng 0 đồng" để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, nhiều người dân đã quen với việc mình làm, sẵn sàng chia sẻ với người nghèo khó. Không ít người còn xếp đồ cũ gọn gàng, gọi mình đến lấy đưa về "Gian hàng 0 đồng" phục vụ bà con” - chị Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ.

Không chỉ xây dựng “Gian hàng 0 đồng”, chị Nguyệt còn là cầu nối giữa những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn với các nhà hảo tâm. Cứ nghe ở đâu có người cần giúp đỡ là chị lại tranh thủ đi xác minh, rồi viết bài, chia sẻ trên mạng xã hội hoặc trực tiếp kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ.

Nếu như ở xã Ea Pô có "Gian hàng 0 đồng" thì ở xã biên giới Đắk Lao, huyện Đắk Mil có mô hình “Ai dư đến cho, ai cần đến nhận” do Hội LHPN xã triển khai. Nhiều năm qua, trụ sở làm việc của Hội LHPN xã Đắk Lao trở thành điểm tiếp nhận sự thơm thảo của các tấm lòng hảo tâm.

Ngày cuối tuần, bà Vũ Thị Chi, ở thôn Đắk Quang, xã Đắk Lao thường tranh thủ thời gian đến trụ sở làm việc của Hội LHPN xã Đắk Lao, chọn cho gia đình những đồ dùng cần thiết. Bà Chi chia sẻ: Mô hình "Ai dư đến cho, ai cần đến nhận" đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người dân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người có hoàn cảnh như mình cũng đến đây lựa chọn những món đồ cần thiết.

Sau 5 năm hoạt động, mô hình đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ yêu thương, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Chị Vũ Thị Hoàng Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Lao cho biết: Mô hình "Ai dư đến cho, ai cần đến nhận" được thành lập năm 2018. Những khi rảnh rỗi, cán bộ Hội LHPN xã Đắk Lao lại cùng các chị em lặn lội khắp mọi ngõ ngách để quyên góp, thu gom đồ cũ. Các chị làm công việc này với tấm lòng thiện nguyện, tự bỏ chi phí xăng xe và coi đó như là niềm vui của mình.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người biết đến mô hình và tình nguyện đem đồ đến tận nơi ủng hộ. Qua thời gian triển khai, hàng ngàn bộ quần áo, hàng trăm đôi giày, dép, sách, vở và cả những đồ dùng có giá trị như tivi, bếp ga, máy tính... đã đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn 1 năm qua, “Cửa hàng hạnh phúc 0 đồng” của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 6, thị trấn Đức An, huyện biên giới Đắk Song cũng đã trở thành điểm đến quen thuộc với nhiều người dân trong và ngoài địa phương. Mỗi khi nhận được quần, áo, giày, dép do các mạnh thường quân ủng hộ, Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 6 đều sàng lọc những đồ còn sử dụng, cẩn thận phân loại mới mang đến cửa hàng phục vụ bà con.

Những mô hình thiện nguyện nói trên không chỉ mang đến sự ấm áp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Phúc An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tham-duom-nhung-viec-lam-nghia-tinh-danh-cho-nguoi-ngheo-post465016.html