Tham gia bảo hiểm y tế là giải pháp lâu dài, bền vững cho điều trị HIV/AIDS
Với bệnh nhân HIV/AIDS, cần điều trị liên tục và suốt đời, thông qua Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý.
Trong nhiều năm qua, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế. Hiện nay, nguồn thuốc ARV viện trợ đã bị cắt giảm, đặc biệt là nguồn thuốc của PEPFAR, nếu bệnh nhân không tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) thực sự sẽ là một gánh nặng về chi phí điều trị cho bệnh nhân. Để đảm bảo tính bền vững của điều trị HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam chủ trương sử dụng nguồn BHYT để thanh toán thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV/AIDS.
Để thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam và các địa phương khẩn trương thực hiện việc chuyển đổi điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang BHYT. Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện như: Ban hành các văn bản pháp quy, kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT, tổ chức đấu thầu tập trung thuốc ARV sử dụng nguồn quỹ BHYT...
Với xu hướng dịch và hình thái lây nhiễm ngày càng phức tạp, cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng khó kiểm soát nếu không tiếp tục duy trì các hoạt động can thiệp, dịch vụ phòng chống hiện có, xét nghiệm phát hiện HIV và điều trị ARV sớm, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Hàng năm, Thanh Hóa phát hiện trên dưới 200 ca nhiễm HIV mới. Diễn biến dịch HIV vẫn khá phức tạp, đang có xu hướng thay đổi từ lây qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy, sang lây qua quan hệ tình dục không an toàn ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên ở huyện Đông Sơn vào tháng 11/1995 đến hết ngày 31/8/2023 lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 9.073 người, trong đó gần 3.000 người đã tử vong, hiện đang điều trị ARV cho 4.111 bệnh nhân (bao gồm 3.363 bệnh nhân đang điều trị ARV ở cộng đồng và 748 bệnh nhân đang điều trị ARV ở các Trại giam, Trại tạm giam và Trung tâm cai nghiện ma túy số 1).
Tính đến 31/8/2023, tỉnh Thanh Hóa đang điều trị cho 3.363 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại 28 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa huyện, thị, thành phố thực hiện khám chữa bệnh qua BHYT. Tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT tại Thanh Hóa đạt 96%.
Qua 10 năm nỗ lực không ngừng với cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền các cấp từ Trung Ương đến các tỉnh, thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong quá trình xây dựng các cơ chế chính sách; sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các nhà tài trợ, Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác HIV/AIDS với nhiều kết quả ấn tượng.
Trong đó BHYT thực sự là giải pháp lâu dài và bền vững cho điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV. Nếu tham gia BHYT, người nhiễm HIV/AIDS sẽ được chi trả từ 80% chi phí khám, chữa bệnh, bao gồm cả chi phí mua thuốc ARV. Nếu người nhiễm HIV thực hiện khám chữa bệnh tại tuyến xã hoặc thuộc đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi... sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt trong bối cảnh không còn tài trợ, người nhiễm HIV/AIDS nhiều khả năng phải tự chi trả toàn bộ chi phí chữa bệnh thì BHYT là giải pháp đảm bảo việc điều trị bằng thuốc ARV được ổn định, bền vững và ít tốn kém nhất.
Thông thường chi phí thấp nhất cho việc điều trị HIV/AIDS vào khoảng 5 triệu đồng/năm đối với bệnh nhân điều trị theo phác đồ 1; với bệnh điều trị phác đồ 2 chi phí điều trị trên 20 triệu đồng/năm chưa kể bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm định kỳ trong quá trình điều trị như xét nghiệm tải lượng vi rút, các xét nghiệm cơ bản khác...
Nếu tham gia BHYT, người nhiễm HIV/AIDS sẽ được chi trả từ 80% chi phí khám chữa bệnh và thuốc điều trị ARV. Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa luôn dành một phần kinh phí cho việc mua thẻ BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS từ nguồn ngân sách địa phương dành cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng mua thẻ. Ngoài ra Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS còn hỗ trợ thêm kinh phí đồng chi trả BHYT đối với thuốc ARV và xét nghiệm tải lượng vi rút cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận BHYT đối với bệnh nhân HIV/AIDS, cụ thể như quy trình mua thẻ BHYT phải qua nhiều bước, bệnh nhân chờ rất lâu mới nhận được thẻ. Theo quy định, việc mua thẻ BHYT cần phải có đầy đủ thông tin cá nhân; trong khi đó, nhiều bệnh nhân HIV sợ bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để mua thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, có những bệnh nhân dù có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi để khám, chữa bệnh nhằm che giấu tình trạng bệnh của mình. Cũng có người chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT bởi còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án...
ThS. Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong bối cảnh hiện nay, tham gia BHYT là cứu cánh duy nhất để bệnh nhân HIV/AIDS duy trì điều trị ổn định và suốt đời. Để đạt được điều đó đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan, ban ngành địa phương cùng sự phối hợp từ phía bệnh nhân và gia đình. Các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên toàn tỉnh cần tư vấn sự cần thiết và lợi ích của việc tham gia BHYT để bệnh nhân được hưởng các quyền lợi và giảm thiểu tối đa chi phí cho việc điều trị HIV/AIDS; hướng dẫn chi tiết quy trình mua thẻ BHYT cũng như các thủ tục thanh toán BHYT".