Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Thách thức đối với doanh nghiệp
Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam hiện đang có độ mở lớn và ngày càng hội nhập vào kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, có một thực tế là đại đa số doanh nghiệp (DN) nội địa vẫn chưa thể tham gia sâu hơn, nhanh hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu vì vướng nhiều rào cản.
* Liên kết giữa DN nội và DN FDI chưa cao
Một trong những hạn chế lớn nhất khiến Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu chính là thiếu liên kết giữa DN nội địa và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong định hướng xuất khẩu.
Theo ông Hideyuki Okada, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, hiện hiệp hội có hơn 1 ngàn hội viên. Trong đó, nhóm DN tại Đồng Nai có hơn 130 hội viên, đứng thứ 2 trong hiệp hội. Con số này cho thấy sự quan tâm lớn của DN Nhật Bản đối với việc đầu tư tại Đồng Nai. Các DN cũng có nhu cầu rất lớn đối với những ngành công nghiệp phụ trợ, tuy nhiên chưa nhiều đơn vị của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ. Đó cũng là lý do mà hằng năm hiệp hội phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa hai bên nhằm tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác.
“Thực tế, vấn đề nan giải của DN Nhật khi đầu tư sang Việt Nam là khó tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa, đặc biệt là những đối tác có thể sản xuất ra sản phẩm gia công theo đúng nhu cầu của mình” - ông Hideyuki Okada cho hay.
Cũng vì chất lượng sản phẩm của các DN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của những thương hiệu lớn, và dù đây đó có một vài sản phẩm đáp ứng được thì quy mô, năng lực sản xuất cũng không đủ. Bên cạnh đó, những dịch vụ khác như: logistics, bảo hiểm, tài chính, thậm chí ngay cả dịch vụ cung ứng thực phẩm, an ninh… cũng còn yếu. Do vậy, các công ty nước ngoài, hiệp hội DN nước ngoài thường bao thầu luôn các dịch vụ này dù họ cũng đang có nhu cầu tiếp cận DN Việt.
Phân tích dữ liệu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây cho thấy, chỉ có 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ, gần 9% DN quy mô vừa, 24% DN lớn có khách hàng là các cá nhân, DN từ nước ngoài. Tương tự, chỉ có khoảng 3-4% DN siêu nhỏ và nhỏ, 7% DN vừa và 11% DN lớn có khách hàng chính là các DN FDI tại Việt Nam. Qua đó, có thể nhận thấy rằng các DN Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển thị phần tại thị trường nội địa, sự liên kết với các DN FDI tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ còn rất thấp.
“Nhiều DN ở nước ta chủ yếu tham gia ở phân khúc sản xuất tạo ra giá trị thấp, tỷ lệ gia công sản phẩm còn cao nên tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn ở mức thấp” - ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh nhận định.
Hợp tác với DN FDI còn yếu nhưng ngay chính sự hợp tác giữa DN trong nước với nhau cũng còn nhiều “vấn đề”. Đặc biệt là các DN lớn ở Việt Nam chưa tạo ra nhu cầu cho các DN nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ. DN lớn cũng chưa đủ khả năng phát triển vệ tinh phụ trợ riêng cho mình, chưa đủ năng lực lựa chọn DN nhỏ và vừa có đủ điều kiện để hỗ trợ công nghệ, vốn, cơ sở hạ tầng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Điều này đòi hỏi cần có thêm cơ chế chính sách để khuyến khích DN lớn phát triển vệ tinh trong nước thay vì phải nhập khẩu các sản phẩm, linh kiện từ nước ngoài. Trong khi đó, nếu quá tập trung khuyến khích xuất khẩu càng tạo điều kiện cho DN FDI thâm nhập sâu hơn vào ngành công nghiệp quốc gia. Họ cũng kéo theo các đơn vị cung ứng ngoại, cạnh tranh với DN Việt ngay trên chính sân nhà của chúng ta.
* Thiếu chiến lược phát triển “dài hơi”
Là DN chuyên về các thiết bị, linh kiện đúc từ gang, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho hay, những năm qua, công ty ông rất nỗ lực để tìm đường cho sản phẩm xuất ngoại và cung ứng vào các DN FDI lớn. May mắn là công ty của ông đã hợp tác được với một vài đối tác. Điều băn khoăn lớn nhất là hiện tại DN chưa đủ lực để có thể tiếp nhận những đơn hàng lớn, trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. “Tiềm lực của DN tư nhân, DN nhỏ như chúng tôi nếu không nhận được sự hỗ trợ, định hướng tích cực hơn từ Nhà nước và DN cùng ngành nghề sẽ rất khó chiếm lĩnh được thị phần” - ông Tứ trăn trở.
Tương tự, theo ông Tạ Ngọc Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Hoài Phú Long (huyện Vĩnh Cửu), DN chuyên sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ thì việc cạnh tranh giữa các DN, giữa các quốc gia xuất khẩu cũng rất khốc liệt. Ở mỗi một thị trường đều có các hiệp hội sản xuất, kinh doanh gỗ và những xu hướng tiêu dùng, chính sách riêng nên nếu DN nào có đủ tiềm lực, uy tín làm ăn thông qua những tổ chức này thì cơ hội sẽ cao hơn. “Với các DN nhỏ, DN mới, trong tay sẽ không có gì để làm minh chứng đối với các đối tác, nguồn thông tin thị trường cũng hạn hẹp, thực tế đã có nhiều DN không chịu nổi, bỏ cuộc vì thiếu thông tin, thiếu đối tác” - ông Hoài thừa nhận.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai nhận định, một trong những hạn chế lớn nhất của phần lớn các DN nhỏ và vừa ở Đồng Nai hiện nay là thiếu một chiến lược phát triển “dài hơi” trong hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, nhiều DN, đơn vị sản xuất trong tỉnh vẫn còn sản xuất manh mún, chưa có nhiều điều kiện để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều DN được đánh giá cao khi chào hàng nhưng lại không có đủ sản phẩm đạt chuẩn để bán hoặc chỉ xuất khẩu một vài container nhỏ lẻ, chưa có tính bền vững, ổn định cao.
Điểm yếu về chất lượng lao động
Yếu tố có ảnh hướng lớn đến việc tham gia chuỗi cung ứng là liên quan đến trình độ tay nghề khi lao động của Việt Nam còn thấp, ngay với cả các nước trong khu vực. DN sử dụng lao động phải mất nhiều công sức để đào tạo lại đội ngũ nhân viên của mình song luôn thường trực nỗi lo bị cạnh tranh lao động từ khối DN FDI. Bên cạnh đó, khi đầu tư vào máy móc, công nghệ, DN nội cũng thiếu nhân lực đủ khả năng để sẵn sàng vận hành một cách sớm nhất.
Hiện nay, cạnh tranh về lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam như trước đây. Các xu hướng khác như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đang có những hấp dẫn nhất định tạo điều kiện cho các DN di dời cơ sở sản xuất quay trở lại gần hơn với thị trường tiêu thụ cuối cùng của sản phẩm. Để một quốc gia có thể tham gia vào tất cả các “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì chỉ những “mắt xích” thấp thì yêu cầu đặt ra là cần nâng cao kỹ năng nghề của người lao động. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì chính quốc gia đó sẽ bị bỏ ngoài chuỗi cung ứng.
Ông Huỳnh Kim Tôn, giảng viên quản trị chiến lược và đổi mới sáng tạo, Trường đại học mở TP.Hồ Chí Minh nhận định, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có quy hoạch tổng thể và sự phối hợp giữa các bên từ chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo và cả DN trong nhiều năm. “Vấn đề trước mắt, DN cần phải ứng dụng ngay những công cụ mới nhất của thế giới, trí tuệ nhân tạo, số hóa và tự động hóa là xu hướng không thể đảo ngược trên phạm vi toàn cầu. Cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Chiến lược quản trị tốt và giải pháp linh hoạt để thu hút nguồn chất xám cũng chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự phát triển bền vững của DN” - ông Huỳnh Kim Tôn khẳng định.