Tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ: Góp sức thiết thực vào công việc chung của thế giới
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) chính là sự thể hiện trên thực tế một Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng đóng góp một cách có trách nhiệm vào các công việc chung của thế giới.
Công viên hoa-rau và hình ảnh bộ đội cụ Hồ
Trung tá Lê Ngọc Sơn nhận quyết định của Chủ tịch nước lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan (UNMISS) vào tháng 11/2019 trên cương vị là Quan sát viên quân sự. Nơi anh đến là căn cứ Awei có mùa khô kéo dài từ tháng 11 hàng năm đến hết tháng 5 năm sau, nhiệt độ ngoài trời thường vào khoảng 50-56ºC.
Anh đã không quản nắng nóng, tận dụng giờ nghỉ chở đất và phân bón hữu cơ về dựng một “công viên hoa-rau” đủ trang trọng để treo lá cờ Tổ quốc.
Trong khuôn khổ các hoạt động hoạt động quân-dân y kết hợp (CIMIC), các y sĩ, bác sĩ Việt Nam ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC2.2) đầu năm nay đã trao tặng 31 bộ bàn ghế và 100 bộ chữ cái Latinh cùng một số đồ dùng học tập, đồ chơi… làm từ các vỏ đồ nhựa tái chế, bàn ghế đóng từ các vỏ thùng hàng cho các em học sinh trường Tiểu học Bentiu B, bang Unity (Nam Sudan).
Dự án được thực hiện từ ý tưởng của đồng chí Thượng úy Vũ Anh Đức, dược sĩ Khoa Dược-Trang bị, BVDC2.2, sau lần thăm một trường tiểu học và chứng kiến điều kiện học tập tồi tàn, thiếu thốn của các lớp học tại đây.
Trên chỉ là số ít trong các câu chuyện góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh người lính mũ nồi xanh LHQ nói chung và hình ảnh người chiến sỹ Việt Nam nói riêng trong mắt bạn bè quốc tế cũng như người dân nước sở tại.
Mới đây nhất, ngày 24/3, 64 cán bộ chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC2.3) cũng đã lên đường sang Cộng hòa Nam Sudan. Với tuổi đời còn khá trẻ (trung bình 34 tuổi), 13 trong đó là nữ, họ đã gác lại những bề bộn gia đình khi con cái còn nhỏ, cha mẹ già yếu để được lên đường làm nhiệm vụ.
Sự kiện đánh dấu lần thứ 3 Việt Nam tổ chức bệnh viện dã chiến tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế (lần đầu tiên vào tháng 10/2018, lần 2 vào tháng 11/2019). Trong suốt 3 năm qua, các bệnh viện đã tham gia điều trị cho trên 2.000 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca nghiêm trọng được phẫu thuật thành công, được LHQ khen ngợi.
Nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng, sự tham gia của Việt Nam vào sứ mệnh GGHB LHQ với một cách tiếp cận mới, là các “sứ giả” của hòa bình, làm cho người dân các nước thêm hiểu và thêm yêu mến Việt Nam và cũng làm đẹp hơn hình ảnh những người lính mũ nồi xanh của LHQ.
“Con số 172 lượt cán bộ, sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mang một giá trị biểu tượng rất lớn về hình ảnh của một đất nước Việt Nam đổi mới, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”. (Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam, tháng 1/2021)
Hình ảnh Việt Nam đổi mới, tin cậy, trách nhiệm
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết: Từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và trụ sở LHQ, trong đó có 53 sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 126 bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC2.1) và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC2.2).
Kết quả, thực hiện nhiệm vụ của cả 2 bệnh viện được Chỉ huy Phái bộ và LHQ đánh giá cao về năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách hoạt động GGHB và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký LHQ tại New York đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế.
Năm 2020, có 3 sĩ quan của Cục GGHB Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra của LHQ để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch Định chính sách (tại New York, Hoa Kỳ) và sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ GGHB LHQ và Quân đội Cộng hòa Trung Phi (tại Cộng hòa Trung Phi).
Một lĩnh vực nữa mà Việt Nam được LHQ đánh giá cao là đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân. Trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình BVDC và 4 sĩ quan nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân; cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do LHQ đưa ra.
Đặc biệt, tháng 6/2018, LHQ đã công nhận Cục GGHB Việt Nam là một trong 4 Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo Chương trình đối tác 3 bên. Các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thống nhất cử Việt Nam làm Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm GGHB khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AAPTC) nhiệm kỳ 2020-2021 và dự kiến tổ chức Hội nghị tại Việt Nam năm 2021. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động GGHB LHQ năm 2014.
Đồng thời, các Trung tâm huấn luyện GGHB của ASEAN (APCN) cũng lựa chọn Việt Nam làm Chủ tịch Mạng lưới APCN và Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Mạng lưới APCN năm 2020 (7/2020).
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, những con số và kết quả tham gia sứ mệnh GGHB của Việt Nam mang một giá trị biểu tượng rất lớn, cho thấy hình ảnh của một đất nước Việt Nam đổi mới, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Đi cùng nguyện vọng của nhân dân thế giới
Hòa bình là nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng và mục tiêu thiêng liêng, xuyên suốt của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngay sau khi dân tộc vừa giành độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho nước Việt Nam mới viết thư gửi Khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng tổ chức tại London (tháng 1/1946) khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mục tiêu của LHQ và bày tỏ mong muốn được góp sức vào công việc chung của tổ chức thế giới mới đó.
Sau hơn 40 năm kể từ ngày gia nhập LHQ (1977) và thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế xã hội, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, có vị thế và uy tín ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta cũng đã chủ động tham gia và có nhiều đóng góp trên nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn dịnh, hợp tác của khu vực và thế giới được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Từ Đại hội X năm 2006, Đảng đã nhấn mạnh cần “góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới”, đồng thời khẳng định kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế theo tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, “tham gia tích cực vào các tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”, tích cực chủ động tiến hành ngoại giao quốc phòng và an ninh song song với ngoại giao chính trị.
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đại hội XIII vừa qua nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, từ chủ động, tích cực tham gia sang từng bước đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự kinh tế - chính trị quốc tế; chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, LHQ…
Tháng 6/2019 đánh dấu sự kiện quan trọng trong chặng đường phát triển ngoại giao đa phương của Việt Nam khi nước ta được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục 192/193. Kết quả này thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó có sự ghi nhận những đóng góp trong hoạt động GGHB LHQ.
Tham gia hoạt động GGHB LHQ chính là sự thể hiện trên thực tế một Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng đóng góp một cách có trách nhiệm vào các công việc chung, góp phần duy trì hòa bình, an ninh thế giới, qua đó tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ LHQ, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ra đời từ năm 1948 dựa vào lực lượng do các nước thành viên đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của LHQ nhằm hỗ trợ giải quyết xung đột ở các khu vực, tuân theo những quy định về an ninh tập thể của Hiến chương LHQ. Tính đến tháng 7/2019, có tất cả 71 phái bộ GGHB LHQ được triển khai, trong đó có 14 phái bộ hiện đang hoạt động với khoảng 100.945 người tham gia từ 122 quốc gia thành viên LHQ và ngân sách khoảng 6,7 tỷ USD/năm. Tính từ năm 1948 đến tháng 8/2019 có 3.853 người đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại các Phái bộ LHQ.