Tham gia sâu rộng vào mạng lưới quản lý hóa chất quốc tế
Cục Hóa chất là một trong những đơn vị thuộc Bộ Công Thương đi đầu trong hợp tác quốc tế, cụ thể thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên đối với các công ước quốc tế.
Đầu mối thực hiện các công ước quốc tế
Cục Hóa chất luôn chú trọng công tác hợp tác quốc tế về hóa chất thông qua hợp tác đa phương, song phương. Theo đó, Cục là đầu mối quốc gia thực hiện 04 Công ước quốc tế/Chiến lược về hóa chất như Công ước Cấm Vũ khí hóa học, Công ước Rotterdam phần quản lý hóa chất công nghiệp; thường trực Cơ quan quốc gia thực hiện Công ước Minamata về thủy ngân; đầu mối SAICM quốc gia.
Cụ thể, Công ước Cấm vũ khí hóa học, Cục Hóa chất tường trực Cơ quan quốc gia thực hiện Công ước; quản lý hóa chất Bảng thuộc Công ước (sản xuất, kinh doanh, sử dụng, xuất nhập khẩu); thực hiện nghĩa vụ khai báo Quốc gia hàng năm, thanh tra kiểm tra các đơn vị nhập khẩu hóa chất Bảng; đề cử cán bộ tham dự các cuộc Hội thảo, tập huấn (bao gồm các cán bộ thuộc Cục Hóa chất và các đơn vị đến từ các Bộ, ngành khác có liên quan).
Công ước Minamata về thủy ngân: Thường trực Cơ quan quốc gia thực hiện Công ước; hiện đang xây dựng Nghị định về việc thực hiện Công ước tại Việt Nam.
Công ước Rotterdam: Đầu mối quốc gia hợp phần hóa chất công nghiệp; thực hiện thủ tục xác nhận thông báo xuất nhập khẩu hóa chất thuộc Công ước; xây dựng quy định về quản lý Amiang trắng.
Đồng thời, Cục Hóa chất tiếp cận chiến lược quản lý hóa chất quốc tế (SAICM): Đầu mối SAICM quốc gia; thực hiện các nhiệm vụ về quản lý hóa chất trong sản phẩm (chì trong sơn).
Trong hợp tác song phương, Cục Hóa chất đã thực Hợp tác Bộ Kinh tế Thương mại và Công Nghiệp Nhật Bản (METI) trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia và Danh mục hóa chất quốc gia; hợp tác hợp tác song phương với Cục Hóa chất Thụy Điển (KEMI) đề xuất sửa đổi Luật Hóa chất, rà soát các quy định về hóa chất, về phân loại và ghi nhãn hóa chất.
Tại Diễn đàn khu vực Đông Dương (Lào, Campuchia, Myanmar) và một số quốc gia Đông Nam Á về quản lý hóa chất, Việt Nam luôn được biểu dương là quốc gia có hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất tương đối toàn diện như là case study. Cục đã phối hợp với Bộ Công Thương Lào để giúp bạn xây dựng Luật Hóa chất, hiện bạn đã ban hành và có hiệu lực. Sự giúp đỡ này góp phần mang một ý nghĩa chính trị đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Lào.
Tăng cường triển khai hợp tác quốc tế về hóa chất
Bên cạnh đó Cục Hóa chất cũng tăng cường triển khai xây dựng các dự án hợp tác quốc tế về hóa chất: Dự án “Tăng cường năng lực quản lý hóa chất tại Việt Nam”; Dự án “Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy POP và hóa chất nguy hại tại Việt Nam”; Dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam để hỗ trợ phát triển xanh và giảm thiểu việc sử dụng và làm phá thải POPs và các hóa chất nguy hại”.
Lãnh đạo Cục Hóa chất nhìn nhận, các dự án đã hoàn thành được các nhà tài trợ đánh giá cao, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động hóa chất, bước đầu tiến tới nền công nghiệp hóa học xanh theo xu hướng thế giới.
Mới đây nhất, Cục Hóa chất đã tổ chức Hội thảo “Tiêu chuẩn an toàn hóa chất trong lĩnh vực khí công nghiệp”. Đây là là một trong những hoạt động đầu tiên, hiện thực hóa nội dung Biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa Cục Hóa chất và Hiệp hội Khí công nghiệp châu Á (AIGA) với mục tiêu chia sẻ kiến thức và những phương pháp tốt nhất trong huấn luyện an toàn hóa chất; nâng cao nhận thức về sức khỏe và an ninh trong sản xuất, phân phối khí công nghiệp; áp dụng công nghệ mới trong quản lý, sử dụng khí công nghiệp, khí y tế để ngăn ngừa tai nạn và sự cố hóa chất; thúc đẩy việc đồng bộ các tiêu chuẩn liên quan; hỗ trợ tổ chức các hội nghị, hội thảo và thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về an toàn hóa chất.
Thông qua công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa chất, vấn đề quản lý hóa chất tại Việt Nam đã được các nước nhìn nhận đánh giá một cách hiệu quả, từ đó giúp tiếp cận những xu hướng quản lý tiên tiến của thế giới nhằm nâng cao việc quản lý, giám sát hóa chất tại Việt Nam.
Cục Hóa chất thường xuyên quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về hóa chất; nhiều nhiệm vụ, dự án đang được triển khai tại đơn vị, đây cũng là một điểm mạnh cần được phát huy.