Thảm họa cháy rừng gây thiệt hại nặng nề
Theo một ước tính, thiệt hại và tổn thất kinh tế do thảm họa cháy rừng ở hạt Los Angeles, bang California - Mỹ dao động từ 135-150 tỉ USD
Số người thiệt mạng trong các vụ cháy rừng ở hạt Los Angeles, bang California - Mỹ đã tăng lên 16 cuối tuần rồi, giữa lúc lực lượng cứu hỏa chạy đua ngăn chặn hỏa hoạn lan rộng trước khi gió mạnh đe dọa quay trở lại.
Theo đài Al Jazeera, 6 đám cháy rừng diễn ra đồng thời tại hạt Los Angeles, làm hư hại hoặc phá hủy khoảng 12.000 công trình (nhà ở, công trình phụ, nhà kho, nhà di động, ô tô…). Ít nhất 13 người được cho là vẫn mất tích. Ngoài ra, con số thương vong dự kiến còn tăng khi lực lượng cứu hỏa tiến hành tìm kiếm từng nhà.
Nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân các vụ cháy rừng nói trên, bắt đầu bùng phát tại khu vực Pacific Palisades từ ngày 7-1. Giới chức địa phương cho biết mặc dù các yếu tố tự nhiên thường là nguyên nhân khởi phát cháy rừng nhưng hoạt động của con người cũng không thể bị loại trừ.
Canada và Mexico đã gửi lực lượng và phương tiện chữa cháy đến hạt Los Angeles để tham gia đối phó cháy rừng cùng hơn 14.000 lính cứu hỏa đã được triển khai. Tính đến ngày 11-1, theo Cơ quan Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California, 2 đám cháy lớn nhất, gọi là Palisades và Eaton, đã lần lượt được khống chế 11% và 15%. Hai đám cháy này đã thiêu rụi tổng diện tích hơn 14.500 ha rừng.
Các lệnh sơ tán trên khắp hạt Los Angeles hiện áp dụng cho ít nhất 153.000 cư dân trong lúc có 57.000 công trình gặp rủi ro. Ngoài ra, theo Cảnh sát trưởng hạt Los Angeles Robert Luna, thêm 166.000 cư dân khác nhận cảnh báo có thể phải sơ tán. Lệnh giới nghiêm đã được áp dụng từ 18 giờ đến 6 giờ tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi 2 đám cháy Palisades và Eaton sau khi có thông tin về nạn cướp bóc.
Ngoài ra, giới chức địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do khói độc dày đặc. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài càng nhiều càng tốt để tránh khói cháy rừng nguy hiểm.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết điều kiện thời tiết tại hạt Los Angeles cải thiện trong cuối tuần qua, với tốc độ gió duy trì giảm còn khoảng 32 km/giờ và gió giật 56-80 km/giờ.
Chuyên gia Allison Santorelli của NWS cho biết việc không còn gió mạnh sẽ hỗ trợ lực lượng cứu hỏa nhưng lưu ý thêm rằng điều kiện vẫn nguy hiểm với độ ẩm thấp và thảm thực vật khô. Trong khi đó, một chuyên gia khác của NWS nói với tờ Los Angeles Times rằng họ lo gió sẽ mạnh lên trong 2 ngày đầu tuần này (giờ địa phương), đe dọa làm các đám cháy lan rộng hơn nữa.
Trong khi đó, Công ty Dự báo thời tiết AccuWeather (Mỹ) ước tính thiệt hại và tổn thất kinh tế do thảm họa trên dao động từ 135-150 tỉ USD, báo hiệu một tiến trình phục hồi đầy khó khăn và chi phí bảo hiểm nhà ở tăng vọt. Các tác động lâu dài của cháy rừng cũng sẽ rất đáng kể, gồm thiệt hại tiềm tàng đối với giá trị tài sản, áp lực lên ngân sách công, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và lĩnh vực du lịch.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố các vụ cháy rừng là một thảm họa lớn và cho biết chính quyền liên bang sẽ hoàn trả 100% chi phí phục hồi trong 6 tháng tới.
Khi cháy rừng diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trên thế giới, nỗi lo biến đổi khí hậu đang làm tình trạng này trầm trọng hơn đã xuất hiện. Ông Gavin Newsom, Thống đốc bang California, vừa nhận định cháy rừng không còn xảy ra theo mùa mà giờ là hiện tượng quanh năm ở bang này. Trong khi đó, một báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho rằng biến đổi khí hậu đã góp phần làm gia tăng tần suất, kéo dài thời gian và mở rộng diện tích cháy rừng.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng sự kết hợp của nhiều yếu tố có thể đã tạo điều kiện tối ưu cho cháy rừng lan nhanh như những gì đang xảy ra ở hạt Los Angeles. Chẳng hạn, miền Nam California đã không có mưa đáng kể trong nhiều tháng. Theo một thống kê, chỉ có 39,1% diện tích California hoàn toàn không bị hạn hán tính đến ngày 7-1. Phần còn lại của bang được mô tả là bị "khô hạn bất thường" và một số khu vực đang trải qua tình trạng hạn hán "từ trung bình đến nghiêm trọng".
Điều kiện cực kỳ khô hạn khiến thảm thực vật trở nên khô cằn và dễ cháy hơn. Ngoài ra, hạt Los Angeles còn có nhiều vật liệu dễ cháy khác trong cơ sở hạ tầng của mình, như dây cáp điện treo thấp và cột điện thoại bằng gỗ.
Theo báo cáo năm 2022 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và đối tác là Trung tâm Truyền thông môi trường GRID-Arendal (Na Uy), cháy rừng dự kiến trở nên tồi tệ hơn theo thời gian do biến đổi khí hậu và thay đổi trong việc sử dụng đất. Báo cáo dự đoán rằng các đám cháy cực đoan trên toàn thế giới sẽ tăng đến 14% vào năm 2030, 30% vào cuối năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tham-hoa-chay-rung-gay-thiet-hai-nang-ne-196250112212333812.htm