Thảm họa động đất Myanmar: Thế giới cần chung tay hơn nữa

Cộng đồng thế giới đã nhanh chóng chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất Myanmar nhưng quốc gia này vẫn cần nhiều nguồn lực hơn nữa để có thể vượt qua thảm họa.

Động đất Myanmar đến nay đã trải qua 1 tuần. Số thương vong đã lên đến hàng ngàn và vẫn chưa dừng lại khi các đội tìm kiếm vẫn tiếp tục đưa thêm nhiều thi thể ra khỏi các đống đổ nát.

Myanmar kêu gọi, các nước nhanh chóng đáp lời

Ngay sau thảm họa động đất được đánh giá là tồi tệ nhất trong cả thế kỷ qua ở Myanmar, chính quyền nước này đã phát đi lời kêu gọi giúp đỡ. Cộng đồng thế giới đã nhanh chóng đáp lời, hỗ trợ người và của đổ về Myanmar.

 Lực lượng cứu hộ tại một tòa nhà bị sập ở Mandalay (Myanmar) hôm 31-3. Ảnh: REUTERS

Lực lượng cứu hộ tại một tòa nhà bị sập ở Mandalay (Myanmar) hôm 31-3. Ảnh: REUTERS

Một ngày sau khi động đất Myanmar xảy ra, Trung Quốc đã cử các đội cứu trợ và cứu hộ đến Myanmar. Nước này cũng cam kết quyên góp 100 triệu nhân dân tệ (13,8 triệu USD) hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp, chẳng hạn lều, chăn và nước.

Anh công bố gói viện trợ 10 triệu bảng Anh (13 triệu USD) giúp Myanmar. Úc cam kết hỗ trợ ban đầu 2 triệu USD cho hoạt động cứu trợ nhân đạo ngay lập tức.

Việt Nam cử đội cứu hộ gồm 106 thành viên tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar. Tối 30-3, nhóm hỗ trợ từ Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Yangon (Myanmar), mang theo hơn 60 tấn hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ. Việt Nam cũng hỗ trợ 300.000 USD giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất.

Ngày 2-4, Nhật cử một nhóm gồm 32 người, bao gồm bác sĩ, y tá và dược sĩ, đến Myanmar.

Hàn Quốc cho biết sẽ cung cấp 2 triệu USD viện trợ nhân đạo ban đầu thông qua các tổ chức quốc tế để giúp Myanmar ứng phó thảm họa động đất.

Mỹ cam kết viện trợ 2 triệu USD "thông qua các tổ chức hỗ trợ nhân đạo có trụ sở tại Myanmar". Một nhóm nhân viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) được gửi đến Myanmar.

 Lực lượng cứu hộ Trung Quốc tìm thấy người bị mắc kẹt trong một khách sạn bị đổ sập. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Lực lượng cứu hộ Trung Quốc tìm thấy người bị mắc kẹt trong một khách sạn bị đổ sập. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Thái Lan – quốc gia láng giềng Myanmar và cũng bị động đất ảnh hưởng – cử 55 nhân viên không quân, nhân viên y tế và chuyên gia tìm kiếm cứu nạn, cùng vật tư y tế đến Myanmar.

Về phía Nga, nước này cử 60 nhân viên cứu hộ, 4 chó cứu hộ, xe cứu thương và xe cứu hộ đến Myanmar hôm 30-3.

Các đội từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Bangladesh, Bhutan, Philippines, Indonesia và Nga đang hoạt động tại Naypyitaw; 5 đội khác từ Ấn Độ, Nga, Lào, Nepal và Singapore đang hỗ trợ tại khu vực Mandalay, trong khi các đội từ Nga và các nước ASEAN đang hỗ trợ tại khu vực Sagaing.

Vẫn cần nhiều nguồn lực hơn

Dù vậy, các nỗ lực này vẫn chưa đủ để giúp người dân Myanmar vượt qua hậu quả trận động đất. Các tổ chức quốc tế vẫn liên tục kêu gọi cộng đồng thế giới hỗ trợ nhiều hơn nữa và khẩn cấp hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh mùa mưa đang đến gần.

Ông Tom Fletcher – người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ Khẩn cấp và Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) – cho biết quá trình cứu trợ "đã bị cản trở do thiếu kinh phí". Ông cho hay LHQ đang liên lạc với chính quyền Myanmar để thảo luận về cách cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ nước này.

Tiến sĩ Fernando Thushara – đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Myanmar – cho biết ông thấy các bệnh viện tại thủ đô Naypyidaw “quá tải bệnh nhân”.

“Nguồn cung cấp y tế đang cạn kiệt. Một số bệnh viện bị mất điện và thiếu nước sạch” – ông nói.

Tiến sĩ Thushara cảnh báo rằng việc thiếu nước sạch và vệ sinh có thể làm bùng phát các bệnh truyền nhiễm rất nhanh “trừ khi chúng ta kiểm soát chúng”.

Tình hình y tế tồi tệ không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất mà người dân Myanmar phải đối mặt. Người phát ngôn của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Babar Baloch nhấn mạnh rằng nhiều cộng đồng tại Myanmar đang đối mặt nhiều thách thức để có thể phục hồi hoàn toàn.

Các cơ quan viện trợ cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn nhiệt độ quá cao và mưa lớn do mùa gió mùa gây ra, cũng có thể làm phức tạp thêm công tác cứu trợ.

Trong bối cảnh khó khăn này, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC) quốc tế đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp 100 triệu franc Thụy Sĩ (113 triệu USD) để hỗ trợ ở Myanmar trong 2 năm tới.

 Người dân ở Sagaing (Myanmar) đi ngang một khu vực bị hư hại nặng do động đất, vào ngày 3-4. Ảnh: AFP

Người dân ở Sagaing (Myanmar) đi ngang một khu vực bị hư hại nặng do động đất, vào ngày 3-4. Ảnh: AFP

Ông Alexander Matheou, giám đốc IFRC tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, lên tiếng: "Nhu cầu hỗ trợ là cấp thiết. Đây không chỉ là một thảm họa, mà là một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp chồng chất lên những điểm yếu hiện có”.

“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế ngay lập tức tăng cường nguồn tài trợ cực kỳ cần thiết để đối phó phù hợp với quy mô của cuộc khủng hoảng này. Tôi kêu gọi tiếp cận nhân đạo nhanh chóng, an toàn, bền vững và không bị cản trở để giúp những người bị ảnh hưởng” – Tổng thư ký LHQ António Guterres trao đổi với các phóng viên tại trụ sở LHQ hôm 2-4.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/tham-hoa-dong-dat-myanmar-the-gioi-can-chung-tay-hon-nua-post842775.html