Thảm họa mang tên thẩm mỹ viện chui - Bài 2: Ngang nhiên quảng cáo lừa dối, khách hàng sập bẫy

Không được phép hút mỡ, nâng ngực, song nhiều thẩm mỹ viện vẫn ngang nhiên quảng cáo rầm rộ các dịch vụ này với cam kết chắc nịch về hiệu quả khiến nhiều khách hàng đã bị 'sập bẫy'.

Mù mắt, hoại tử da, chảy mủ ở mặt, thậm chí là cả những cái chết bất đắc kỳ tử xảy ra do sốc thuốc… là những thảm họa kinh hoàng mà liên tiếp các nạn nhân của dịch vụ làm đẹp “chui” phải gánh chịu trong thời gian qua, song vẫn không ngăn cản được bước chân liều lĩnh của một số người có nhu cầu “tân trang” nhan sắc.

Tư vấn dịch vụ tại Thẩm mỹ viện D.H (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội).

Bài 2: Ngang nhiên quảng cáo lừa dối, khách hàng sập bẫy

Theo quy định của Bộ Y tế, các thẩm mỹ viện không được phép thực hiện các đại phẫu như nâng ngực, hút mỡ, gọt cằm…, song theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hầu như các cơ sở đều ngang nhiên quảng cáo những dịch vụ này. Đây đang là kỹ thuật hái ra tiền bởi chi phí khủng mà khách hàng bỏ ra.

Những chiêu trò câu khách

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, ngay cả những phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép cũng có nhiều vi phạm. Có trường hợp bác sỹ được cấp phép, theo hồ sơ thì chỉ được triển khai một số danh mục kỹ thuật nhất định, nhưng họ vẫn thực hiện quá phạm vi cho phép. Có những cơ sở chỉ được cấp phép hoạt động với 1 bác sỹ, nhưng khi kiểm tra, có đến 4-5 người hành nghề, thậm chí điều dưỡng viên cũng dám thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Thẩm mỹ viện S.T (Vũ Thạnh, Đống Đa, Hà Nội) quảng cáo dịch vụ hút mỡ bụng và nâng ngực trên Facebook và website chính thức với cam kết về hiệu quả và khả năng phục hồi nhanh chóng sau phẫu thuật. Nhân viên tư vấn của thẩm mỹ viện này cho biết, chi phí của dịch vụ từ 75-90 triệu đồng, tùy theo cơ địa từng người.

Khi được hỏi ai là người trực tiếp tiến hành phẫu thuật và địa điểm ở đâu, thì nhân viên tư vấn trả lời, khách hàng sẽ phẫu thuật tại bệnh viện, do các bác sỹ tại thẩm mỹ viện thực hiện. Hầu hết bác sỹ của thẩm mỹ viện đều có kinh nghiệm lâu năm. Thẩm mỹ viện chỉ “mượn phòng” của bệnh viện để phẫu thuật theo chỉ định của Bộ Y tế. Sau khi thực hiện phẫu thuật, khách hàng sẽ được về nghỉ ngơi tại phòng bệnh do thẩm mỹ viện thuê.

Thẩm mỹ viện H.T (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) thì quảng cáo dịch vụ nâng ngực bằng hàng loạt video quay lại cận cảnh bác sỹ phẫu thuật, hay sự thay đổi ngoạn mục của nhan sắc trước và sau khi phẫu thuật để tạo niềm tin với khách hàng.

Trong vai một khách hàng có nhu cầu hút mỡ, chúng tôi gọi điện đến Thẩm mỹ viện quốc tế D.H (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) để nhận tư vấn. Dù trên website chính thức thẩm mỹ viện này không công khai dịch vụ hút mỡ bụng, nhưng khi phóng viên ngỏ ý hỏi về dịch vụ hút mỡ bụng, nhân viên ngay lập tức trả lời cơ sở có thực hiện dịch vụ.

Gác điện thoại, chúng tôi tức tốc đến địa chỉ thẩm mỹ viện này theo lời nhân viên tư vấn. Tại đây, nhân viên tư vấn cho phóng viên cần phải hút mỡ hai bên eo, bụng dưới và bụng trên, giá cho từng dịch vụ này là 30 triệu đồng, tổng chi phí cho việc hút mỡ vùng bụng là 90 triệu đồng.

Sau khi được tư vấn cặn kẽ về lợi ích, chúng tôi đặt câu hỏi về quy trình hút mỡ thì nhân viên không trả lời và cho hay, việc hút mỡ sẽ được thực hiện tại Khoa phẫu thuật và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, do bác sỹ thực hiện, chứ không phải thực hiện tại Thẩm mỹ viện D.H.

Một thẩm mỹ viện khác mà chúng tôi đến tìm hiểu là V.Q (phố Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội). Trên website chính thức của V.Q, dịch vụ giảm béo được giới thiệu với những ngôn từ hấp dẫn như công nghệ Body jet hút mỡ bụng sử dụng tia nước hiện đại, hiệu quả nhanh chóng.

Một nhân viên kinh doanh tư vấn về hút mỡ bụng Body jet cam kết giảm nhanh mỡ bụng, chi phí dao động từ 70 đến 90 triệu đồng, tùy từng mức độ mỡ thừa nhiều hay ít.

Cũng như Thẩm mỹ viện D.H, do không được phép thực hiện đại phẫu liên quan tới hút mỡ bụng, nên thẩm mỹ viện này chỉ quảng cáo dịch vụ, tiếp nhận bệnh nhân và đưa tới bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện nhằm hưởng lợi.

Chưa kể, có thực tế hiện nay là nhiều cơ sở làm đẹp đã mạo danh bác sỹ tại các cơ sở lớn, hay núp bóng bệnh viện lớn để câu khách. Mới đây, một số bác sỹ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã bức xúc lên tiếng về vụ việc Thẩm mỹ viện 108 (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) cố tình đặt tên gần giống với Bệnh viện Trung ương quân đội 108, tự nhận là cơ sở trực thuộc Bệnh viện, mạo danh bác sỹ của Bệnh viện để thực hiện các dịch vụ xâm lấn, lừa dối người tiêu dùng.

Lập lờ đánh lận con đen

Nhiều cơ sở thẩm mỹ tuy không dám công khai quảng cáo những dịch vụ như hút mỡ bụng, nâng ngực (là những đại phẫu, chỉ các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ mới được phép làm) trên website vì sợ bị cơ quan quản lý “sờ gáy”, song họ biến tướng bằng cách tư vấn dịch vụ hút mỡ trực tiếp cho khách hàng.

Thẩm mỹ viện S.L (Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một cơ sở như vậy, khi thêm chữ tư vấn trước mỗi dịch vụ như “Tư vấn hút mỡ bụng công nghệ Vase Lipo”, “Tư vấn hút mỡ toàn thân”, “Tư vấn nâng ngực túi Sebbin”…

Cao tay hơn, các thẩm mỹ viện không thực hiện đại phẫu tại cơ sở, mà đưa khách hàng tới các bệnh viện có liên kết để thực hiện nhằm hưởng lợi. Kinh phí mà khách hàng phải chi trả cho các thẩm mỹ viện cao hơn rất nhiều lần so với thực hiện việc này tại khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại các bệnh viện.

Theo tìm hiểu, giá dịch vụ hút mỡ bụng tại các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ chỉ dao động từ 10 đến 15 triệu đồng/vùng. Nếu hút mỡ cả ba vùng là hai eo, bụng trên, bụng dưới, tổng kinh phí phải bỏ ra trong khoảng 30 - 45 triệu đồng, trong khi hiện nay hầu hết các thẩm mỹ viện đang quảng cáo dịch vụ này ở mức giá từ 75 đến 90 triệu đồng.

Kỹ thuật nâng ngực cũng vậy. Giá của dịch vụ này tại các bệnh viện công lập có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất cũng chỉ ở mức 60-70 triệu đồng, còn tại các thẩm mỹ viện, giá có thể lên tới 120-130 triệu đồng.

Đi sâu tìm hiểu hoạt động của các cơ sở làm đẹp, chúng tôi còn phát hiện một thực tế là sự “mập mờ” trong việc treo bảng tên, biển hiệu của các cơ sở nhằm đánh lừa khách hàng.

Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp thành 3 nhóm khác nhau, trong đó có nhóm không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Cụ thể, các cơ sở liên quan tới làm đẹp, thẩm mỹ gồm 3 nhóm là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

Cơ sở chăm sóc sắc đẹp là những cơ sở chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu, làm móng… Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện, hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp. Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định.

Riêng với phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, đây là cơ sở có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, nên ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, khi hoạt động bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định pháp luật.

Quy định là thế, nhưng nhiều thẩm mỹ viện mập mờ, chỉ trưng giấy phép kinh doanh ra là làm tất cả các dịch vụ, bỏ qua giấy phép hoạt động.

Phải chăng việc xử lý còn nhẹ?

Trước sự lộng hành của hàng loạt cơ sở thẩm mỹ “chui”, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do việc xử lý những sai phạm trong hoạt động thẩm mỹ còn nhẹ tay, khiến cho các cơ sở “nhờn thuốc”, hay do công tác quản lý của chính quyền địa phương còn nhiều lỗ hổng, việc hậu kiểm chưa sát sao?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay, qua thực tế công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở thẩm mỹ, spa, Thanh tra Sở phát hiện sai phạm chủ yếu là chủ cơ sở không xuất trình được chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở thường quảng cáo tràn lan nhằm thu hút người dân tìm đến thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, thực hiện những thủ thuật quá khả năng. Bản thân nhân lực tại các cơ sở này không có kinh nghiệm và không được tập huấn xử lý các trường hợp sốc phản vệ, không có hộp chống sốc và khi có sự cố thì khó cứu người bệnh.

Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở làm đẹp trên địa bàn, phát hiện và thu hồi đăng ký kinh doanh của không ít cơ sở sai phạm. Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra mỏng, trong khi số lượng cơ sở làm đẹp rất lớn, nên dù đã cố gắng, công tác kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đó là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả quản lý còn hạn chế.

Về biện pháp để dẹp loạn các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo chất lượng, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay, cơ quan này đã liên tục thống kê số lượng cơ sở làm đẹp để phối hợp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về pháp luật cho chủ cơ sở và nhân viên. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm soát việc quảng cáo của các cơ sở làm đẹp cũng được tăng cường nhằm loại bỏ dạng quảng cáo “thổi phồng”, đặc biệt là quảng cáo vượt quá phạm vi cho phép của các spa, cơ sở chăm sóc da.

(Còn tiếp)

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tham-hoa-mang-ten-tham-my-vien-chui---bai-2-ngang-nhien-quang-cao-lua-doi-khach-hang-sap-bay-d140507.html