Thám hoa Quách Đình Bảo: Người tổ chức dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu
82 tấm bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội đã được Unesco công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới năm 2010. Ngược dòng lịch sử, năm 1484, 10 tấm bia đầu tiên đã được dựng để vinh danh các tiến sĩ từ khoa thi 1442 đến 1484. Người vinh dự được vua Lê Thánh Tông sai trông nom, tổ chức khắc dựng bia là Thám hoa - Thượng thư bộ Lễ Quách Đình Bảo (1434 – 1508).
Anh em đỗ đạt, đồng triều
Trên quê hương thôn Phúc Tiền, xã Thái phúc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hiện nay, từ đường họ Quách thờ Thám hoa Quách Đình Bảo (1434 -1508) và em trai – Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm vẫn nghi ngút khói hương. Từ đường đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1989.
Quách Đình Bảo sinh ra trong một gia đình thư lại ở địa phương. Thân phụ ông là Quách Ý Trung và thân mẫu là Đào Thị Dung đã sinh ra 4 anh em ông, lần lượt là: Quách Đình Bảo (1434), Quách Đình Thực (1437), Quách Đình Quý (1439), Quách Hữu Nghiêm (1442).
Do có điều kiện gia đình có chút khá giả nên từ nhỏ, anh em Quách Đình Bảo đã được song thân cho đón vị quan từng dạy ở Quốc Tử giám là Nguyễn Thành (quê làng Kim Bôi xã Hoa Lư huyện Đông Hưng, Thái Bình) về dạy học. Khi trưởng thành, anh em Quách Đình Bảo lại được phụ thân cho về kinh đô học tập. Tương truyền, trong một lần Quách Đình Bảo về quê chuẩn bị cho kỳ thi Hương tại trường thi Sơn Nam thì có sĩ tử khác là Lương Thế Vinh (ở xã Cao Hương, Vụ Bản, Nam Định) tới thăm. Khi đến đầu thôn Phúc Tiền, Lương Thế Vinh ngồi nghỉ ở quán nước bên gốc cây đa đầu làng. Tiện thể hỏi thăm nhà Quách Đình Bảo. Khi thấy bà hàng nước nói Quách Đình Bảo ngày đêm miệt mài đèn sách dùi mài kinh sử thì Lương Thế Vinh mỉm cười đứng dậy, nói: Đến kỳ thi rồi mà vẫn học ư? Rồi bỏ về. Quách Đình Bảo nghe bà hàng nước kể lại bèn tìm về quê Lương Thế Vinh. Đến nơi thấy Lương Thế Vinh vẫn mải chơi diều ở ngoài đồng. Quách Đình Bảo bèn nói với người làng: “Người này thực có tài, ta không bì được”…
Kết quả, cả hai sĩ tử Quách Đình Bảo và Lương Thế Vinh đều vượt qua vòng thi Hương, thi Hội và vào thi Đình. Ngày 16 tháng 2 năm Quang Thuận thứ 4 (1463) vua Lê Thánh Tông mở thi Đình với đề “Đạo trị nước của các Vương”. Kết quả: Lương Thế Vinh đỗ Trạng Nguyên, Nguyễn Đức Trinh đỗ Bảng Nhãn, Quách Đình Bảo đỗ Thám hoa.
Sau khi đỗ Thám hoa, Quách Đình Bảo ra làm quan với chức Trực học sĩ trong viện Hàn lâm. Năm Canh Dần (1470), Quách Đình Bảo được cử đi sứ nhà Minh, cùng với Nguyễn Đình Mỹ, bàn về việc Chiêm Thành. Đi sứ thành công, về nước, ông được thăng chức Đông các hiệu thư, phó Đô ngự sử kiêm Tả xuân phường, Tả trung doãn (phẩm trật thuộc hàng chánh tam phẩm, có nhiệm vụ chỉ bảo Thái tử học hành). Năm 1483, ông lại được vua tin dùng thăng làm Thượng thư bộ Lễ.
Theo gương học hành của anh, Quách Hữu Nghiêm cũng đã đỗ Hoàng giáp ở khoa thi sau, năm 1466. Sau khi đỗ, được vào Hàn lâm viện. Khi vua đi đánh Chiêm Thành, Quách Hữu Nghiêm được giao làm thư ký quân vụ. Năm 1484, được thăng Phó đô ngự sử, rồi Đô ngự sử. Năm 1490 được giao làm giám thị kỳ thi Đình.
Cả hai anh em Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm đều được vua Lê Thánh Tông tuyển vào nhị thập bát tú trong hội Tao Đàn mà vua là chủ soái. Tao Đàn đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Hồng Đức quốc âm thi tập, Quỳnh uyển cửu ca, Cổ tâm bách vịnh, Xuân văn thi tập…
Bên cạnh việc đều làm quan đến chức thượng thư (tương đương bộ trưởng ngày nay), và đều tham gia làm giám thi kỳ thi Đình, cả hai anh em Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm đều có thời gian đi sứ nhà Minh, và đều lập công.
Tổ chức dựng bia
Năm 1484, khi đảm đương chức vụ Thượng thư bộ Lễ, Quách Đình Bảo được vua Lê Thánh Tông giao tổ chức, giám sát việc dựng 10 tấm bia đề danh tiến sĩ từ khoa thi 1442 đến 1484.
Với sự tổ chức quy củ, chặt chẽ và mau chóng nên đến ngày 15 tháng 8 năm 1484, 10 tấm bia đã được dựng. Để công việc được chuẩn xác, Quách Đình Bảo còn cẩn thận sai người đi các nơi thống kê, sưu tầm tiểu sử từng vị tiến sĩ đỗ đạt qua các kỳ thi. Sử sách ghi rõ công lao của Quách Đình Bảo đã đề nghị nhà vua cho thay đổi danh xưng các vị đỗ đạt cho phù hợp với tình hình mới. Các danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa được ông đề nghị đổi thành Tiến sĩ cập đệ; Chánh bảng thành Tiến sĩ xuất thân; Phụ bảng thành đồng Tiến sĩ xuất thân. Và nhà vua đã ưng thuận. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại như sau: “Ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 vua Thái Tông triều ta đến nay. Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ, việc dựng bia, đề tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông, khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 triều Nhân Tông, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất năm thứ 7, khoa Kỷ Sửu năm thứ 10, khoa Nhâm Thìn năm Hồng Đức thứ 3, khoa Ất Mùi năm thứ 6, khoa Mậu Tuất năm thứ 9, khoa Tân Sửu năm thứ 12 đến khoa Giáp Thìn năm nay, khắc vào bia đá.
Quách Đình Bảo nhân xin đổi trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa thành tiến sĩ cập đệ, chánh bảng thành tiến sĩ xuất thân, phụ bảng thành đồng tiến sĩ xuất thân để hợp với quy chế ngày nay. Vua y tờ tâu, sai Công bộ khởi công dựng tạc bia. Bọn từ thần là Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại thần học sĩ Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Ngô Luân, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Đôn Hậu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn, Hàn lâm viện thị độc kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Xung Xác chia nhau soạn văn bia. Bọn Trung thư giám chính tự Nguyễn Tủng và Thái Chúc Liêm cùng điển thư Phạm Lý vâng sắc chỉ viết chữ. Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngai vâng sắc chỉ viết chữ triện…”.
Tại sao lại chỉ khắc bia đề danh tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 chứ không phải khoa thi từ đời vua Lê Thái Tổ tổ chức năm Kỷ Dậu (1429) hoặc khoa Hoành từ năm Tân Hợi (1431)?. Bởi lẽ, những khoa thi thời vua Lê Thái Tổ tuy danh nghĩa là đại khoa nhưng do chưa khôi phục các khoa thi Hương nên việc tuyển lựa do cấp khu vực tiến cử. Đến thời vua Lê Thái Tông, kỳ thi Hương mới được tổ chức. Đại Việt sử ký toàn thư ghi năm Mậu Ngọ (1438) vua ban chiếu định phép thi Hương để năm sau thi Hội ở kinh đô. Và ai đỗ sẽ ban danh hiệu Tiến sĩ xuất thân. Tuy nhiên, vì lý do nào đó nên phải đến năm Nhâm Tuất (1442) khoa thi tiến sĩ đầu tiên của triều Lê mới được mở. Vì vậy, để cho chuẩn mực, vua Lê Thánh Tông mới chọn khắc bia từ khoa thi 1442.
Sau khi công việc hoàn thành, năm sau (1485) Thượng thư bộ Lễ Quách Đình Bảo được vua đổi sang chức Thượng thư bộ Hình.
Ông giữ chức này cho đến khi về trí sĩ.
Với kiến văn uyên bác, Quách Đình Bảo đã tham gia biên soạn Thiên nam dư hạ tập (100 quyển) ghi chép về chế độ, luật lệ, văn thư điển lệ, cáo sắc của Đại Việt từ các triều đại trước đến nhà hậu Lê. Hay tham gia viết Thân chinh ký sự ghi chép diễn biến cuộc nam chinh năm 1470 – 1471 của vua Lê Thánh Tông khi đi đánh Chiêm Thành. Và với tài văn chương, Quách Đình Bảo còn sáng tác tập Anh hoa hiếu trị thi tập.
Với trọng trách của người làm quan, Quách Đình Bảo luôn phò giúp, hiến cho vua kế sách giúp quốc gia thịnh vượng. Ông khuyên vua khuyến khích sản xuất buôn bán để kinh đô thêm phồn thịnh.
Làm quan thanh liêm, cống hiến nhiều cho quốc gia, khi già, cũng như những vị quan dương thời, Quách Đình Bảo xin về trí sĩ dạy học chứ không ở lại kinh thành. Ông mất ngày 1 tháng 7 năm 1508 tại quê nhà thọ 76 tuổi. Sau khi mất, ông được vua Lê truy phong làm Phúc thần làng Phúc Khê.