Thâm hụt ngân sách Mỹ tăng cao kỷ lục

Vật lộn với đại dịch Covid-19 đã khiến thâm hụt ngân sách của nền kinh tế đứng đầu thế giới tăng cao kỷ lục trong năm tài khóa 2020. Đây là thông tin vừa được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 16-10.

Cụ thể, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa vừa qua (bắt đầu từ ngày 1-10-2019 và kết thúc vào ngày 30-9-2020) là 3.130 tỷ USD, gấp hơn 3 lần mức thâm hụt 984 tỷ USD của năm 2019 và gấp đôi mức kỷ lục trước đó là 1.400 tỷ USD vào năm 2009. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách cũng leo thang chóng mặt, lên tới 16,1%, con số lớn nhất kể từ năm 1945-thời kỳ mà nước Mỹ phải chi nhiều khoản khổng lồ cho các hoạt động quân sự nhằm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai.

 Một cửa hàng tại thành phố New York, Mỹ phải ngừng kinh doanh vì dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images

Một cửa hàng tại thành phố New York, Mỹ phải ngừng kinh doanh vì dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images

Theo các chuyên gia phân tích, nhân tố chủ yếu dẫn tới mức thâm hụt ngân sách khổng lồ này là các khoản chi tiêu mạnh tay của Chính phủ trong nỗ lực chống dịch và ngăn chặn những tác động của cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Điển hình phải kể tới là gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh kinh tế (CARES), vốn cung cấp các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung cho những người lao động phải tạm nghỉ việc trong thời kỳ đại dịch và các khoản vay mà có thể không phải trả dành cho doanh nghiệp để họ giữ lại lao động. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách lại giảm mạnh vì tình trạng đóng cửa nền kinh tế và thất nghiệp diện rộng.

Sự chênh lệch thu chi có thể thấy rõ từ những số liệu mà Bộ Tài chính Mỹ công bố. Theo đó, các khoản thu trong năm tài chính vừa kết thúc đạt 3.420 tỷ USD, so với các khoản chi là 6.550 tỷ USD. Mức chi lớn nhất diễn ra vào tháng 6, khi Chính phủ Mỹ chi tới 1.100 tỷ USD. Theo CNBC, những khoản chi cao hơn dự kiến dành cho các bộ: Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế và dịch vụ nhân sinh cũng đã góp phần làm gia tăng thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ trong năm tài khóa 2020.

Trước thực trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, phe Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ đã tỏ ra quan ngại, dẫn tới phản đối đề xuất của Nhà Trắng muốn chi 1.880 tỷ USD cho nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cho rằng, phục hồi tăng trưởng kinh tế phải là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới cần lo tới vấn đề thâm hụt ngân sách. Chuyên gia William Hoagland thuộc Trung tâm Chính sách lưỡng đảng phát biểu với tờ Wall Street Journal ngày 16-10 rằng, khi xảy ra những việc mà trước đây chưa từng xảy ra thì đương nhiên cũng dẫn tới mức thâm hụt ngân sách cao chưa từng có. Số liệu đó đã thể hiện đúng tình hình nước Mỹ phải vật lộn với đại dịch và nền kinh tế tê liệt suốt 6 tháng qua.

Thực tế, đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế Mỹ lún sâu vào khủng hoảng. Hàng chục triệu lao động mất việc làm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lao dốc tới 31,7% trong quý II vừa qua. Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu cho thấy việc phải chi những khoản cứu trợ lớn chưa từng thấy, ví dụ như gói cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD hồi tháng 3 đã giúp các doanh nghiệp và các gia đình Mỹ trụ vững qua những tháng đầu tiên khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, tăng thu nhập và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.

Những tuần gần đây, kinh tế Mỹ gần như đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi các chỉ số kinh tế vĩ mô, thị trường việc làm được cải thiện. Tuy nhiên, hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES nhằm giảm tác động của dịch bệnh đã hết hạn trong khi Mỹ lại đang rất cần một “đòn bẩy” đủ lực để duy trì đà phục hồi khả quan. Điều này khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, giữa bối cảnh 10 triệu người vẫn chưa có việc làm và rất nhiều doanh nghiệp đang phải “vật lộn” để mở cửa trở lại, sự phục hồi kinh tế Mỹ có thể chững lại vào cuối năm nay.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tham-hut-ngan-sach-my-tang-cao-ky-luc-641166