Thâm hụt thương mại năm 2022 của Hàn Quốc có thể đạt mức cao kỷ lục
Cán cân thương mại của Hàn Quốc trong cả năm 2022 được dự báo sẽ ghi nhận mức thâm hụt cao kỷ lục sau 14 năm (kể từ năm 2008, thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu) với 13,26 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) công bố ngày 13/12 cho biết, cán cân thương mại lũy kế từ đầu năm tới ngày 10/12 ghi nhận mức thâm hụt cao kỷ lục lên tới 47,46 tỷ USD, vượt xa mức thâm hụt kỷ lục trước đó là 20,62 tỷ USD của năm 1996.
Do đó, cán cân thương mại của Hàn Quốc trong cả năm 2022 sẽ ghi nhận mức thâm hụt cao kỷ lục sau 14 năm (kể từ năm 2008, thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu) với 13,26 tỷ USD.
Theo KCS, quy mô thâm hụt cả năm 2022 của Hàn Quốc được cho là sẽ gần bằng hoặc vượt mức dự báo mà các tổ chức tài chính lớn trong nước đưa ra, như Hiệp hội Thương mại Quốc tế (KITA) dự báo 45 tỷ USD, Viện nghiên cứu Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc (KIET) với 42,6 tỷ USD và Viện nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) với mức dự báo 48 tỷ USD.
Bên cạnh đó, có một số tổ chức còn đưa ra dự báo rằng quy mô thâm hụt của Hàn Quốc trong năm 2022 có thể đạt 50 tỷ USD nếu quy mô thâm hụt trong tháng 12/2022 vượt 7,5 tỷ USD.
Chỉ tính riêng 10 ngày đầu tháng 12 này, quy mô thâm hụt đã đạt 4,92 tỷ USD, tăng mạnh so với 10 ngày đầu tháng 10 vừa qua với 2,04 tỷ USD.
Cũng theo nhận định của KCS, cán cân thương mại năm 2022 của Hàn Quốc thâm hụt cao kỷ lục là do kim ngạch nhập khẩu tăng vọt với tác động ảnh hưởng từ việc giá nguyên vật liệu quốc tế leo thang sau khi nổ xung đột Nga-Ukraine.
Theo đó, kim ngạch nhập khẩu 3 mặt hàng năng lượng lớn của Hàn Quốc là dầu thô, khí đốt và than đá từ đầu năm tới ngày 10/12 vừa qua đạt 180,41 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu lại bị thu hẹp do nền kinh tế toàn cầu đình trệ càng khiến quy mô thâm hụt cán cân thương mại của Hàn Quốc tăng mạnh.
Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 10/2022 giảm 5,8%, tháng 11/2022 giảm 14% và 10 ngày đầu tháng 12/2022 giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, tính tới tháng 11/2022, xuất khẩu chíp bán dẫn (mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc) đã ghi nhận mức giảm bốn tháng liên tiếp.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, cũng giảm 6 tháng liên tiếp.
Giới chuyên gia nhận định cán cân thương mại của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đà thâm hụt trong năm 2023 do xuất khẩu sẽ tiếp tục giai đoạn đình trệ tương tự năm 2022.
KITA dự báo cán cân thương mại năm 2023 của Hàn Quốc sẽ thâm hụt ở mức 13,8 tỷ USD. Trong khi đó, KIET đưa ra mức dự báo thâm hụt cao gần gấp đôi, ở ngưỡng 26,6 tỷ USD./.