Thăm Khu lưu niệm và Nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Một lần về với quê hương Quan Họ, chúng tôi được nhà báo Ngô Hồng Giang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh mời về thăm Khu lưu niệm và Nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Du khách tham quan Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Du khách tham quan Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Một khoảng không gian rộng mở, những nếp nhà xưa được tái hiện, một tượng đài của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được xây dựng vững chãi. Tôi đi theo sự hướng dẫn của cô thuyết minh, càng hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng trẻ tuổi mà sớm có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ít ai biết rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Mảnh đất quê hương, con người, dòng họ ở xứ Kinh Bắc cùng với phẩm chất cách mạng anh hùng, bất khuất, thông minh, trí tuệ của bản thân đã hình thành sớm trong đồng chí tinh thần yêu nước đặc biệt. Năm 17 tuổi, ông đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến. Đã từng trải qua và được tôi luyện trong những nhà tù thảm khốc man rợ của Côn Đảo, Hỏa Lò… đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí cộng sản của mình đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tự trang bị cho mình lý luận cách mạng, trưởng thành về mọi mặt và giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi mới 26 tuổi đời.

Trong những năm 1938 - 1939, thời kỳ thế giới có những biến động lớn; chủ nghĩa phát xít đang điên cuồng chuẩn bị chiến tranh; chủ nghĩa đế quốc tận lực khai thác, bóc lột các thuộc địa, đàn áp dã man phong trào cách mạng; trong nội bộ Đảng xuất hiện một số xu hướng cơ hội “tả khuynh” và “hữu khuynh” cần kiên quyết khắc phục. Với cương vị là người đứng đầu của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (6/11/1939) tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, vạch ra sự chuyển hướng cực kỳ quan trọng trong chiến lược và sách lược cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên cao trào trong những năm về sau.

Những vấn đề cấp thiết và cần kíp, bằng tư duy khoa học, sáng tạo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã góp phần quyết định vào bản nghị quyết lịch sử, phân tích tình hình thế giới, trong nước và bám sát thực tiễn phong trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam theo quỹ đạo của tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, ưu tiên đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lấy độc lập tự do cho dân tộc là trên hết. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng sớm nhận ra những nguy cơ của chủ nghĩa cơ hội có thể sẽ len lỏi, chia rẽ, phân liệt trong nội bộ Đảng vì vậy đồng chí đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” làm tài liệu giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nêu cao vũ khí tự phê bình, phê bình, chống lại chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội. Tác phẩm “Tự chỉ trích” vẫn còn tính thời sự cho đến hôm nay. Tác phẩm đã được lưu lại trong Khu lưu niệm của đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở quê nhà. Khách tham quan có dịp nhìn lại những tư liệu, bài báo, tác phẩm của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong Khu lưu niệm này, để hiểu thêm về một người cộng sản chân chính, quyết tâm đi đến cùng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Khu lưu niệm và Nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được xây dựng tại xã Phù Khê, huyện Từ Sơn - nơi đồng chí được sinh ra và lớn lên của tuổi niên thiếu. Hình ảnh về ngôi nhà tranh vách đất được dựng lại, hàng cau bên hè nhà xanh mát, những trái bưởi đong đưa, những khóm tre xanh ngắt một màu. Bên trong trưng bày một cối xay lúa và cối giã gạo, khung dệt cửi, chiếc hòm cáng (còn gọi là hòm chân) của gia đình. Tái hiện lại nơi đặt bàn thờ gia tiên thật tôn nghiêm với bảng Tổng đồ thế thứ họ Nguyễn Phù Khê - Cành trưởng còn ghi tạc đời thứ nhất Bình Ngô khai quốc: Tế Văn hầu Nguyễn Trãi (1380 - 1442). Một bàn thờ được làm mới có tượng bán thân của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

Khu lưu niệm và Nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ còn trưng bày trang trọng một số hình ảnh các đồng chí cộng sản từng chiến đấu một thời với đồng chí Nguyễn Văn Cừ; trưng bày bằng sơ đẳng tiểu học năm 1925 của đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với hình ảnh của người cha - cụ ông Nguyễn Văn Quán và người mẹ - cụ bà Nguyễn Thị Khuyến… Nơi đây, cũng trưng bày cuốn hồi ký “Nguyện Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2002 với các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… góp phần làm rõ hơn vai trò lãnh đạo và thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

Trong khí thế đang lên của cách mạng những năm 1940 - 1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của mình bị Pháp bắt. Không khuất phục được khí tiết cách mạng kiên trung của người cộng sản Nguyễn Văn Cừ, sáng ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã đưa đồng chí cùng với các chiến sĩ cộng sản Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… ra trường bắn Hóc Môn, Gia Định.

Ra đi anh dũng giữa tuổi thanh xuân biết bao nhiệt huyết, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ hôm qua, hôm nay và về sau.

TRỌNG VĂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202207/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-nguyen-van-cu-971912-972022-tham-khu-luu-niem-va-nha-trung-bay-than-the-su-nghiep-tong-bi-thu-nguyen-van-cu-3124340/