Thảm kịch kinh hoàng từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội
Đêm 12 rạng sáng 13/9/2023, vụ cháy kinh hoàng đã xảy ra tại chung cư mini cao 9 tầng, 1 tum tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến hiện trường thị sát, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang họp khẩn với chính quyền TP.Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
150 người nhồi nhét trong căn chung cư khoảng 200m2
23 giờ 50 ngày 12/9, tại căn chung cư (CC) mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ bất ngờ xảy ra cháy dữ dội. Thời điểm này, hầu hết những người sinh sống tại đây đã có mặt, đa số đang ngủ. Chung cư có diện tích khoảng 200m2, nằm trong ngõ nhỏ, sâu, cách phố Khương Hạ 400m, cao 10 tầng, kiểu nhà ống với 1 mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân, tầng 1 để xe, 8 tầng bố trí các căn hộ để ở và 1 tum, mỗi tầng được thiết kế 5 căn hộ từ 35 - 56m2, có khoảng 150 người, chủ yếu là sinh viên và hộ gia đình sinh sống. Ngõ hẹp, CC mini không có lối thoát hiểm và thời điểm cháy vào nửa đêm, là những điểm bất lợi khiến công tác chữa cháy - cứu nạn gặp không ít khó khăn.
Một số nhân chứng cho biết nhìn thấy có người tìm cách nhảy xuống từ trên cao. Do căn CC mini xảy ra hỏa hoạn nằm sâu trong ngõ nhỏ nên cảnh sát phòng cháy chữa cháy (CSPCCC) phải đỗ xe ngoài phố Khương Hạ cách đó khoảng 400m và dẫn vòi rồng vào bên trong để dập lửa. Đến 3 giờ 30 sáng 13/9, trời đổ mưa lớn, lực lượng chữa cháy vẫn tiếp tục phun nước làm mát, hàng chục cảnh sát đeo bình khí oxy, mang theo các thiết bị chuyên dụng liên tục tiến vào hiện trường cứu người gặp nạn. Trong ngày 13/9, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) vẫn nỗ lực tìm kiếm người mắc kẹt tại hiện trường, đưa tới bệnh viện (BV) cấp cứu, tiếp tục phun nước làm mát các tầng của CC.
Công an (CA) TP.Hà Nội đã điều động Phòng CSPCCC&CNCH, CA các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông và Đội Chữa cháy của Trường Đại học PCCC, cùng 15 xe chữa cháy, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương tới hiện trường phối hợp cùng chính quyền, người dân địa phương dập lửa, cứu nạn. Ngay sau đó, lãnh đạo Công an TP.Hà Nội đã báo cáo lãnh đạo Bộ CA, Cục CSPCCC&CNCH - Bộ CA và trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy, CNCH. Đến 0 giờ 30 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, các lực lượng đã giải cứu hơn 100 người bị kẹt lại.
Ngay khi nhận được thông tin về vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, sáng 13/9 Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội - Đinh Tiến Dũng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ CA - trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ cháy.
Trưa cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thị sát hiện trường vụ cháy, yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm công điện đã ban hành; biểu dương lực lượng CSPCCC đã có mặt ngay sau khi nhận được thông tin, khẩn trương triển khai công tác chữa cháy, khắc phục hậu quả; cảm ơn người dân trong khu vực (KV) tích cực tham gia chữa cháy, khắc phục hậu quả, cứu chữa, hỗ trợ những người gặp nạn. Thủ tướng nhắc lại, sau các vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội, công tác quản lý PCCC với các cơ sở (CS) này đã được siết chặt, nhờ đó tình hình an toàn cháy nổ tại các CS karaoke đã có chuyển biến.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, quy chế PCCC với các CC mini, những KV đông dân cư nhưng đường giao thông chật hẹp...; đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân về công tác PCCC và kỹ năng ứng phó với cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra các sự cố; cùng với đó, tăng cường bảo đảm trang thiết bị PCCC, công tác kiểm tra, giám sát... Thủ tướng mong người dân chấp hành nghiêm quy định về PCCC đồng thời tích cực nâng cao kỹ năng ứng phó, thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng phải xử lý ngay những vấn đề còn tồn tại, như hoàn cảnh gia đình các nạn nhân để hỗ trợ kịp thời về kinh tế cũng như tinh thần; với những người bị thương, phải huy động lực lượng cứu chữa bằng được; sau đó rà soát lại để hỗ trợ từng hộ gia đình, từng người. "Cái gì cần phải làm, làm được thì mình làm hết sức", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp đó, Thủ tướng đã tới BV Bạch Mai kiểm tra công tác cứu chữa những người gặp nạn, động viên y bác sĩ đang làm nhiệm vụ này; thăm các nạn nhân đang điều trị tại Khoa Cấp cứu A9 và Khoa Nhi. Thủ tướng mong các y bác sĩ làm hết sức mình để cứu chữa các nạn nhân, quan tâm động viên tinh thần nạn nhân và người nhà.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 796/CĐ-TTg gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và có ý kiến chỉ đạo Ủy ban nhân dân (UBND) TP.Hà Nội tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ CA chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật.
Bộ CA, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về công tác PCCC; thường xuyên kiểm tra, rà soát các CS có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là những CC mini, CS kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Hiện Bộ CA đang chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.
Để khắc phục hậu quả vụ cháy, bước đầu UBND TP.Hà Nội quyết định hỗ trợ 37 triệu đồng/người thiệt mạng và 12,4 triệu đồng/người bị thương. Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em TP.Hà Nội hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/trẻ tử vong và 10 triệu đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại BV. Hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác của thành phố, quận, phường và tổ chức đoàn thể - xã hội. Thành phố hỗ trợ đối với sinh viên, công nhân, người lao động thuê (hoặc ở ghép tại căn hộ) mỗi cá nhân 1,5 triệu đồng/người/tháng trong 6 tháng; hỗ trợ toàn bộ chi phí tại BV đối với người bị thương trong vụ hỏa hoạn phải điều trị tại đây; hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập đối với trẻ em của các gia đình trong vụ hỏa hoạn, mức 5 triệu đồng/em; đồng thời giao chính quyền địa phương có biện pháp ổn định chỗ ở, các điều kiện sinh hoạt thiết yếu bảo đảm cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường.
Liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, ngày 13/9 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh (SN 1979, hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, chủ của chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy), về tội "vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy" theo điều 313 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Nghiêm Quang Minh
Tính đến 19 giờ ngày 13/9, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương (trong đó xác định được danh tính của 39/56 người tử vong).
Hướng dẫn về biện pháp PCCC và thoát nạn đối với các công trình nhiều tầng
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo, để bảo đảm an toàn PCCC và thoát nạn khi xảy ra cháy, song song với việc chấp hành nghiêm các quy định an toàn PCCC, cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý công trình nhiều tầng cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy ra cháy.
2. Trong hoạt động phải sử dụng xăng, dầu, khí đốt và những chất nguy hiểm về cháy, nổ khác... phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC.
3. Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định bảo đảm an toàn PCCC và giải pháp ngăn cháy lan.
4. Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp bảo đảm an toàn PCCC khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện sinh nhiệt.
5. Xây tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các KV; cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy. Không sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm trần, mái, vách ngăn, cách âm... Rèm, phông màn, thảm phải được ngâm tẩm chất chống cháy.
6. Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống được làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín bằng vật liệu không cháy.
7. Bố trí các bộ phận không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm về cháy xen kẽ giữa các bộ phận nguy hiểm về cháy để chống cháy lan.
8. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động bảo đảm chữa cháy được trên toàn bộ diện tích.
9. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định.
10. Lối thoát nạn phải bảo đảm các yêu cầu: có đủ lối thoát nạn, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng; có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn; cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng; có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
11. Thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH cho lực lượng PCCC, bảo vệ công trình.
12. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước để chữa cháy.
13. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cứu người trong tình huống cháy phức tạp nhất.
14. Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC (số điện thoại 114), báo cho CA hoặc chính quyền nơi gần nhất đồng thời bằng mọi cách dập lửa và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.