Thảm kịch kinh hoàng và uẩn ức của người dân Guatemala
Guatemala chắc chắn không nằm trong trí nhớ của người hâm mộ bóng đá. Đội tuyển bóng đá của quốc gia Trung Mỹ này chưa từng vượt qua vòng loại World Cup. Trong khu vực, thành tích nổi bật nhất họ có được là chức vô địch giải bóng đá khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF Gold Cup) từ hơn nửa thế kỷ trước; còn từ năm 1971 đến nay, mới có 2 lần đứng thứ 4 và 2 lần vào đến tứ kết, còn hầu hết đều dừng bước ở vòng bảng hoặc không vượt qua được vòng loại.
Dấu giày trên sân cỏ
Thảm kịch trên SVĐ Mateo Flores
Thế nhưng, dù không mong muốn, lịch sử bóng đá thế giới vẫn phải nhắc đến quốc gia này ở một trong những sự kiện bi thảm bậc nhất, một “vết đen” ở môn “thể thao vua”.
Đó là sự việc xảy ra cách đây tròn 24 năm (tối 16-10-1996) trên sân vận động Mateo Flores ở thành phố Guatemala.
Hôm đó, Guatemala tiếp đón Costa Rica trong khuôn khổ vòng loại World Cup 1998. Đây là trận đấu được người hâm mộ nước chủ nhà mong đợi, bởi sau một thời gian dài thi đấu bết bát, đứng áp chót trên bảng xếp hạng của FIFA, đến đầu năm 1996, Guatemala đã nằm trong “tứ đại anh hào” của CONCACAF cùng với Mexico, Brazil và Mỹ.
“Máu” đam mê bóng đá của dân châu Mỹ cùng với niềm hy vọng được thắp lên, đã khiến không khí bóng đá trước trận đấu sôi sục, dòng người cứ thế đổ về Mateo Flores.
Sức chứa tối đa của sân Mateo Flores là 37.500 người, trước khi trận đấu diễn ra khoảng 30 phút đã trở nên quá tải với lượng khán giả vào sân ước tính khoảng 45.000 người. Khu vực VIP và khu dành cho truyền thông bị người hâm mộ mặc áo tuyển quốc gia lấn chiếm, ngồi kín trên nóc, các bức tường và cửa sân. Tình trạng trên buộc lực lượng an ninh phải đóng cửa trước sự tức giận của hàng nghìn người hâm mộ phải đứng ngoài sân dù trên tay vẫn có vé.
Những người này sau đó đã đạp đổ một cánh cửa phía nam để chen chúc vào sân; một số CĐV quá khích đã gây gỗ và xô đẩy nhau tạo nên cảnh hỗn loạn chưa từng có. Lớp lớp khán giải bị đùn đẩy rơi từ trên cao xuống như tuyết lở và bắt đầu giẫm đạp lên nhau để tháo chạy.
Sau sự việc, đã có 84 người thiệt mạng và 147 người bị thương. Hầu hết nạn nhân xấu số được xác định tử vong do ngạt thở và gãy xương. Thảm họa núi lửa Fuego phun trào ở quốc gia này hồi tháng 6-2018 khiến 1,7 triệu người đã bị ảnh hưởng và hơn 3.000 người phải sơ tán, nhưng cũng không cướp đi nhiều sinh mạng vô tội đến thế.
Nhân viên cứu hộ xếp một hàng dài những nạn nhân trên mặt sân, trong đó có nhiều trẻ em. Tiếng khóc than vang lên khắp nơi trên sân, từ các cầu thủ, từ các CĐV đang hoảng loạn; còn trong bệnh viện là những gương mặt hoảng hốt lao đi tìm người thân, những cái nhìn bàng hoàng, thất thần. Tờ New York Times dẫn lời một phụ nữ 24 tuổi may mắn thoát chết là Wendy Patricia Bonilla mô tả cảnh hỗn loạn dẫn đến thảm kịch: “Khi tôi đang cố tìm một chỗ ngồi thì bỗng nhiên nhiều người bắt đầu rơi trên đầu tôi khiến tôi bất tỉnh. Khi thức dậy tôi thấy mình nằm trong bệnh viện”.
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, Tổng thống Guatemala thời điểm đó là Alvaro Arzu Irigoyen (người cũng tham dự trận đấu) tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân. Các cuộc điều tra bắt đầu được tiến hành nhưng nguyên nhân dẫn đến thảm kịch vẫn không rõ ràng. 13 quan chức liên quan bị buộc tội nhưng sau đó không bị đưa ra xét xử. Chính phủ Guatemala muốn “lách” trách nhiệm khi cho rằng cuộc hỗn loạn bắt nguồn từ việc người hâm mộ cố gắng chạy thoát khỏi một cuộc ẩu đả của một số phần tử say rượu trên sân.
Tuy nhiên, theo báo cáo cuộc điều tra riêng biệt của chính quyền địa phương, FIFA cho biết thủ phạm chính dẫn đến thảm họa là vấn nạn vé giả. Trước trận đấu đã có gần 10.000 vé giả được in và bán ra cho người hâm mộ nhưng không bị kiểm soát trong khi lưu hành.
Sau thảm họa, sân Mateo Flores bị cấm cửa tổ chức các trận đấu quốc tế trong 2 năm, CĐV Guatemala cũng bị cấm vào sân cổ vũ cho đội tuyển quốc gia 2 năm. Sau khi mở cửa trở lại, sân Mateo Flores được điều chỉnh giảm sức chứa xuống 30.000 người.
Uẩn ức đọng lại với người dân Guatemala là không có câu trả lời chính xác cho nguyên nhân xảy ra thảm kịch và không một ai chịu trách nhiệm cho cái chết của 83 người vô tội. Sân vận động vốn là niềm tự hào của người dân Guatemala khi được đặt tên Mateo Flores (huyền thoại marathon) lại trở thành chứng nhân cho ký ức đau buồn nhất của quốc gia này và là một trong những “vết đen” trong lịch sử bóng đá thế giới.