Nằm ở Tổ 26, phường An Cựu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, di tích An Lăng là nơi an táng của 3 vị vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.
So với những lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, An Lăng có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn.
An Lăng gồm có hai khu vực là Điện Long Ân và lăng mộ vua cùng Hoàng hậu.
Điện Long Ân là công trình được xây cất theo khuôn mẫu của các ngôi điện ở Huế. Bên trong có 3 án thờ, thờ bài vị của các vua Dục Đức và vợ, Thành Thái và Duy Tân. Phía sau điện Long Ân là nơi yên nghỉ của các vị vua Thành Thái và Duy Tân.
Vào năm 1997, Lăng Dục Đức đã được công nhận là di tích cấp quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 2890 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng ảnh hưởng của thời tiết “nắng lắm mưa nhiều” ở mảnh đất Cố đô, khu lăng mộ 3 vị vua triều Nguyễn dần trở nên xuống cấp.
Do đó, Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi lăng Dục Đức được hình thành nhằm bảo tồn di tích lịch sử văn hóa quốc gia, di sản văn hóa thế giới.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 51 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó chi phí xây dựng gần 40 tỷ đồng.
Thời gian trùng tu, tu bổ An Lăng diễn ra trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2023.
Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi lăng Dục Đức ở khu vực Điện Long Ân có diện tích xây dựng 557m2, được hạ giải toàn phần; tu bổ nền móng; tu bổ, gia cố, bảo toàn tối đa hệ khung, hệ mái và các cấu kiện gỗ trong điện. Đồng thời, thay thế, phục hồi các cấu kiện gỗ bị mục nát, bị mất bằng gỗ nhóm 2; phục hồi nền lát gạch Bát Tràng; xây, gia cố phục hồi tường bao; tu bổ, phục hồi phần sơn thếp...
Tại khu mộ được tu bổ, phục hồi cổng, cửa, tường thành xung quanh khu mộ, trụ biểu, mộ các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân... Ở nhà Huỳnh Ốc với diện tích nền 49,7m2 được hạ giải toàn phần; tu bổ nền móng; bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ khung, hệ mái...; phục hồi bờ nóc, bờ quyết, con giống, ô hộc...
Trong ngày đầu mở cửa sau thời gian dài trùng tu, An Lăng đã đón tiếp nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu về di tích.
Du khách trong và ngoài nước được chiêm ngưỡng vẻ đẹp khu lăng mộ, lưu lại những tấm ảnh của các công trình kiến trúc được tu bổ chỉn chu, tỉ mỉ...
Hình ảnh An Lăng sau thời gian trùng tu, tu bổ.
Lên ngôi vào năm 1883, vua Dục Đức là vị vua thứ 5 của triều Nguyễn. Vua Thành Thái là vị vua thứ 10 của triều Nguyễn, lên ngôi vào năm 1889, trị vì 19 năm. Còn vua Duy Tân là vị vua thứ 11 của triều Nguyễn, lên ngôi năm 1907, trị vì 9 năm.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong thời gian đầu mở cửa, du khách được miễn phí tham quan lăng Dục Đức. Đơn vị đang tiến hành thủ tục để trước kỳ họp HĐND sắp tới sẽ trình phương án thu vé tham quan và thực hiện thu vé sau khi được thông qua.
Nguyễn Hiệp