Thầm lặng công việc giám định tư pháp lĩnh vực lâm nghiệp

Suốt 7 năm qua, đội ngũ giám định tư pháp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở NN-PTNT) đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần giúp hoạt động điều tra, truy tố, xét xử xác định đúng người, đúng tội trong các vụ án liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.

Các giám định viên tư pháp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện nhiệm vụ trưng cầu giám định. Ảnh: A.NHƠN

Các giám định viên tư pháp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện nhiệm vụ trưng cầu giám định. Ảnh: A.NHƠN

Công việc giám định tư pháp lĩnh vực lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, áp lực vì vụ việc thường xảy ra trong rừng sâu và có sự cản trở, chống đối của các đối tượng manh động. Tuy nhiên, đội ngũ giám định viên tư pháp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

* Không ngại trước những khó khăn, áp lực

Anh Nguyễn Ngọc Phượng cho biết, anh tham gia vào Tổ Giám định tư pháp ngay từ những ngày đầu mới thành lập (năm 2017). Sau khi nhận quyết định trở thành giám định viên tư pháp, anh được lãnh đạo giao ngay nhiệm vụ giám định tư pháp vụ săn bắn động vật hoang dã ở rừng Cát Tiên (thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, H.Tân Phú). Anh đã lo lắng đến mức “mất ăn, mất ngủ” trong nhiều ngày liền vì công việc hoàn toàn mới mẻ và chưa biết phải bắt đầu từ đâu cho phù hợp. Tuy nhiên, anh đã luôn nỗ lực tìm cách làm bằng được để không phụ lòng cấp trên tin tưởng giao phó.

“Tôi đã chủ động liên hệ các cơ quan, đơn vị liên quan để nắm rõ tính chất vụ việc cũng như các nội dung cần trưng cầu giám định. Đồng thời, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu các thông tin, quy định liên quan đến việc giám định tư pháp về động vật rừng. Tôi còn được Sở Tư pháp tận tình hướng dẫn các bước trình tự thực hiện giám định tư pháp… Nhờ áp dụng nhiều phương án hợp lý, tôi thực hiện thành công vụ án đầu tiên” - anh Phượng bộc bạch.

Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, công việc của giám định viên tư pháp thầm lặng và vô cùng vất vả. Họ phải vào trong rừng sâu để làm nhiều công việc, từ bảo vệ hiện trường cho đến giám định tư pháp và thường xuyên đối diện với nhiều áp lực, hiểm nguy... Tuy nhiên, kinh phí để chi trả cho mỗi giám định viên chỉ 150 ngàn đồng/ngày là chưa tương xứng. Vấn đề này cần được xem xét và có sự điều chỉnh phù hợp.

Từ thành công vụ đầu tiên, anh Phượng tự tin vào năng lực của mình và tích cực tham gia vào công việc giám định tư pháp trong những vụ tiếp theo. Anh thực hiện trung bình mỗi năm khoảng 10 vụ giám định tư pháp và tất cả đều thành công. Những nội dung kết luận giám định tư pháp của anh đều chuẩn xác khiến cho các đối tượng liên quan phải “tâm phục, khẩu phục”.

Theo anh Phượng, bên cạnh vụ việc đơn giản thì cũng có những vụ việc phức tạp, gây nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu giám định viên tư pháp không yêu nghề, không nỗ lực, quyết tâm thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điển hình là vụ chặt cây rừng trái phép xảy ra vào năm 2021 trên địa bàn H.Định Quán. Đối tượng A. đã tự ý khai thác cây rừng mà chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước rồi đem bán cho một gia đình B. Sau khi phát hiện, nhiệm vụ của đội ngũ giám định viên phải chứng minh được mặt cắt của gốc cây trong rừng trùng với mặt cắt của thân cây ở tại nhà dân. Việc này gặp muôn vàn khó khăn và chẳng khác nào “mò kim đáy biển”, bởi sự việc đã xảy ra nhiều ngày, các dấu vết đã cũ và có nhiều sự thay đổi. Hơn nữa, đối tượng đã cưa, cắt cây ra thành nhiều khúc ngắn khiến việc lắp ghép cây cho chính xác rất khó khăn.

Tuy nhiên, anh Phượng cùng các thành viên đã vận dụng những kiến thức học được cũng như kinh nghiệm nhiều năm làm lâm nghiệp vào công việc. Sau nhiều ngày nỗ lực, cuối cùng các anh đã cho ra kết luận giám định tư pháp chuẩn xác, giúp cho cơ quan điều tra có căn cứ buộc các đối tượng phải thừa nhận sai phạm.

Anh Nguyễn Đức Lợi, thành viên Tổ Giám định tư pháp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, anh tham gia công việc giám định tư pháp hơn 1 năm nay và trở thành 1 trong những thành viên mới của Tổ Giám định tư pháp. Anh gặp nhiều thuận lợi vì luôn được “đàn anh” có nhiều kinh nghiệm tận tình hỗ trợ, hướng dẫn trong công việc.

“Thời gian đầu, tôi chủ yếu tham gia thực hiện những vụ việc có tính chất đơn giản, nhẹ nhàng để làm quen và học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Đến nay, tay nghề của tôi ngày càng nâng lên và hoàn toàn tự tin có thể tham gia những vụ việc phức tạp hơn trong thời gian tới” - anh Lợi bộc bạch.

Để câu chuyện không bị gián đoạn, anh Phượng chia sẻ thêm, công việc giám định tư pháp không những khó khăn mà còn chịu nhiều áp lực, nguy hiểm bởi sự ngăn cản, chống đối của các đối tượng manh động. Chẳng hạn như vụ khai thác cây rừng trái pháp luật tại Phân trường Trảng Táo (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, H.Xuân Lộc) vào năm 2022. Khi đội ngũ giám định viên đến làm nhiệm vụ thì người dân kéo đến “kiếm chuyện”, xua đuổi, khiến việc giám định không thể thực hiện nhiệm vụ.

“Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động không thành, các cơ quan chức năng đã tăng cường lực lượng để thực hiện biện pháp cứng rắn thì việc giám định tư pháp mới thực hiện xong” - anh Phượng cho hay.

* Làm tròn trách nhiệm được giao

Anh Nguyễn Văn Dự (Phụ trách Tổ Giám định tư pháp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết, năm 2017, Tổ Giám định tư pháp được thành lập với 4 thành viên và sau 7 năm đưa vào hoạt động thì hiện số thành viên đã tăng lên 9 người.

Thời gian đầu đưa mô hình đi vào hoạt động, công tác giám định tư pháp gặp nhiều khó khăn vì hầu hết các thành viên đều kiêm nhiệm và được phân bổ công tác tại các phòng, ban, đơn vị trực thuộc chứ không tập trung. Mỗi khi có vấn đề liên quan đến giám định thì việc triệu tập các giám định viên rất khó khăn vì họ còn phải đảm bảo công việc chuyên môn. Hơn nữa, đa phần giám định viên mới được bổ nhiệm còn ít kinh nghiệm khi giám định các vụ việc có tính chất phức tạp hoặc vụ việc mới phát sinh chưa từng giám định nên quá trình giám định còn lúng túng về phương pháp thực hiện…

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN-PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tổ Giám định tư pháp hoạt động. Chẳng hạn, tạo điều kiện cho các giám định viên tư pháp được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Tư pháp tổ chức; chủ động và tạo điều kiện cử giám định viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp do các bộ, ngành tổ chức từ đó góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên tư pháp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động giám định…

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giám định tư pháp đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Cho đến nay, tổng số vụ trưng cầu giám định của tập thể giám định viên tư pháp đã tiếp nhận là 65 vụ; trong đó, đã giải quyết xong 64 vụ và 1 vụ đang thực hiện với tỷ lệ đạt trên 80%” - anh Dự chia sẻ.

Để công tác giám định tư pháp ngày càng tốt hơn, tập thể giám định viên tư pháp Chi cục Kiểm lâm tỉnh mong muốn được cấp kinh phí để mua sắm thêm các phương tiện phục vụ cho công tác giám định như: kính hiển vi, kính lúp, thước đo chiều cao hồng ngoại, cân điện tử, bộ mẫu gỗ, mẫu lá cây; cần xây dựng Nhà bảo quản mẫu vật, nhà thực hành thí nghiệm, phân tích và nhà để giám định riêng; kiến nghị Bộ NN-PTNT mở những lớp tập huấn chuyên sâu về chuyên môn đối với lĩnh vực lâm nghiệp cho đội ngũ giám định viên tư pháp; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành cụ thể hơn để làm căn cứ cho việc giám định.

“Nếu những đề xuất, kiến nghị trên được giải quyết thì công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực lâm nghiệp ngày càng nâng cao, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn” - anh Dự tâm sự.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/tham-lang-cong-viec-giam-dinh-tu-phap-linh-vuc-lam-nghiep-8de4746/