Thăm làng gốm hơn 500 năm tuổi - tìm về một dòng gốm riêng biệt

Nằm bên sông Thu Bồn, cách trung tâm thành phố Hội An khoảng 3km về phía Tây, làng gốm Thanh Hà có hơn 500 năm hình thành và phát triển, nơi đây sở hữu vẻ đẹp mộc mạc hiếm nơi nào có được.

Không gian trưng bày các sản phẩm mặt nạ gốm của cửa hàng Tuấn Pottery, làng gốm Thanh Hà, Hội An. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN

Không gian trưng bày các sản phẩm mặt nạ gốm của cửa hàng Tuấn Pottery, làng gốm Thanh Hà, Hội An. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN

Những lò gốm có tuổi đời hàng thế kỷ

Thanh Hà - làng gốm truyền thống lâu đời ở phố cổ Hội An - được hình thành từ thế kỷ XVI, bắt đầu từ làng Thanh Liêm, sau sang phường Thanh Hà như hiện nay. Thế kỷ XVI - XVII được xem là thời kỳ huy hoàng nhất của làng gốm, các sản phẩm gốm của làng được dùng để tiến vua.

Trải qua bao thăng trầm, đã từng có lúc nghĩ bị lụt nghề, nhờ sự tâm huyết và lòng yêu nghề, những nghệ nhân của làng đã gìn giữ hồn cốt và làm “sống lại” nét đẹp làng gốm. Làng gốm Thanh Hà Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Chỉ mất 35.000 đồng/người lớn và 15.000 đồng/trẻ em, du khách không chỉ được đi tham quan làng gốm mà còn có cơ hội trải nghiệm rất nhiều hoạt động thú vị khác như khám phá di tích Đình Xuân Mỹ, di tích tổ nghề, xem các nghệ nhân làng gốm làm việc hoặc tự tay tạo ra một món đồ gốm, cũng như được nhận một món quà lưu niệm nhỏ xinh bằng gốm.

Ở làng gốm lâu năm này, người dân sản xuất mọi sản phẩm từ đất nung như niêu cơm, đèn, bình hoa, ống tiết kiệm, tò he, mặt nạ… Nghệ nhân gốm đất nung lâu đời nhất ở Thanh Hà là cụ bà Nguyễn Thị Được, người đã về với đất cách đây 3 năm. Những ngày còn sống, dù đã 95 tuổi bà vẫn trình diễn nặn đất thành các sản phẩm cho mọi người.

Gốm làng Thanh Hà chủ yếu là gốm mộc, gốm thô với màu đỏ đặc trưng. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN

Gốm làng Thanh Hà chủ yếu là gốm mộc, gốm thô với màu đỏ đặc trưng. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN

Chị Nguyễn Thị Bích Tuyến, vợ của nghệ nhân Lê Văn Tuấn, chủ cửa hàng Tuấn Pottery, cho biết, gia đình chị có truyền thống làm gốm lâu đời, đến đời chồng chị là đời thứ tư. Nghề gốm được ông cố của chồng chị truyền lại. Thời đó, các thuyền nhân chủ yếu đi bán gốm trên các thương thuyền hoặc mang lên núi bán. Sản phẩm chủ yếu là nồi niêu xoong chảo.

Giờ đây, khi công nghiệp phát triển, du lịch cũng phát triển, sản phẩm gốm của nhà chị và của cả làng Thanh Hà không còn là nồi niêu xoong chảo nữa, mà là sản phẩm decor, trang trí chủ yếu phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn hoặc du khách.

"Cho nên vợ chồng tôi chuyển qua mặt hàng mỹ nghệ như mặt nạ, con thú, đồ trang trí và làm cho các resort lớn. Ví dụ như các lồng đèn Songkron cho resort Nam Hải được gia đình tui ký hợp đồng làm cả đời, hỏng là đổi".

Chị Tuyến cho biết, trước đây, người làng nghề đốt lò bằng củi dương liễu. Nhược điểm của đốt lò củi là màu gốm không đồng nhất, gốm thường bị cháy mặt dưới. Lò được đặt ven sông và khi nước lên có thể bị cuốn trôi. Khi các thế hệ trước dần ngừng việc, những người thợ thế hệ sau như vợ chồng chị Tuyến chuyển sang sử dụng lò điện nhằm cho ra những sản phẩm đều màu và hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo chị Tuyến, đầu tư cho lò điện tốn kém khoảng trên dưới 100 triệu đồng.

Bắt kịp xu thế tiêu dùng mới

Nét đặc trưng của gốm Thanh Hà là gốm giữ nguyên màu đỏ của đất nung, không có men màu phủ ở bên ngoài. Tuy nhiên, để bắt kịp nhu cầu của du khách, cơ sở Tuấn Pottery mua màu acrylics để tô lên các sản phẩm gốm mỹ nghệ, hoặc để du khách tự trải nghiệm.

Với đặc điểm bền màu, màu tươi, lâu phai, sau khi tô màu và xịt thêm một lớp sơn bóng, đồ mỹ nghệ gốm Thanh Hà đã trở thành một bức tranh bắt mắt, với giá bán từ 50.000 - 250.000 đồng/sản phẩm.

Chị Thúy, một người kinh doanh ở làng gốm Thanh Hà, cho biết: "Lớp trẻ tụi em bây giờ vẫn nỗ lực duy trì nghề của cha ông, chủ yếu là gốm mộc, gốm thô với màu đỏ đặc trưng. Kỹ thuật "vô lò" (đưa gốm vào lò) phải khéo léo để sản phẩm có chất lượng ổn định".

Theo phản ánh của người dân làng gốm, du lịch đã giúp họ có thu nhập ổn định, được chia khoảng 30% giá vé, cộng thêm tiền bán hàng thì cũng được một khoản đủ sống. Ngoài được chia tiền vé, làng gốm cũng được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như làm đường, xây dựng công viên đất nung Thanh Hà để thu hút du khách. Do đó, nhìn chung mức sống của người dân nơi đây khá ổn, có khi đạt tới 7 triệu đồng/tháng.

Khách du lịch nước ngoài thích thú trải nghiệm việc tự tay tạo nên một sản phẩm gốm. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN

Khách du lịch nước ngoài thích thú trải nghiệm việc tự tay tạo nên một sản phẩm gốm. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN

Melrio - một du khách từ Italy - cho biết: "Tôi rất thích thú khi được tham quan công viên đất nung Thanh Hà - công viên gốm lớn nhất của các bạn. Được biết, đây là nơi bảo tồn, lưu giữ những sản phẩm gốm của làng gốm Thanh Hà với những sản phẩm như một thế giới thu nhỏ bằng gốm như tháp nghiêng Pisa, nhà Trắng, Kim Tự Tháp, nhà thờ Đức Bà Pari và các công trình nổi tiếng của các bạn. Cùng với đó là ngắm ngôi làng thanh bình, tự tay làm gốm, mua đồ gốm với giá chỉ loanh quanh 10 USD/món. Người dân thì thân thiện, dễ mến".

Chị Nguyễn Thị Bích Tuyến cho biết, với cách làm du lịch hiện tại, gia đình chị đã được một số công ty du lịch chọn làm nơi thực hiện hoạt động trải nghiệm cho du khách, với tất cả các công đoạn của nghề gốm. Điều đó làm du khách cảm thấy vô cùng hứng thú, đồng thời cũng đảm bảo nguồn thu cho gia đình.

Hiện nay, điểm khác biệt lớn nhất của Làng gốm Thanh Hà Hội so với những làng gốm khác trên cả nước là các quy trình sản xuất đều được làm thủ công hoàn toàn. Tại đây, những người thợ làng nghề đã gửi tình yêu vào từng khối đất thông qua sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của mình.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tham-lang-gom-hon-500-nam-tuoi-tim-ve-mot-dong-gom-rieng-biet-post31647.html