Thầm lặng làm đẹp cho Phố núi trước thềm năm mới

Những ngày cuối năm, mặc cho dòng người hối hả sắm sửa, chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất, những công nhân thuộc Đội Vệ sinh môi trường (Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai) vẫn âm thầm, lặng lẽ quét dọn, thu gom rác thải. Với họ, mong muốn lớn nhất là làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ để người dân được đón một cái Tết trong không gian sạch sẽ, trong lành.

12 giờ đêm 29 Tết, đường Hùng Vương đã vắng vẻ người qua lại nhưng chị Vũ Thị Quyên (nhóm 3, tổ 3) vẫn lầm lũi với công việc thu gom rác thải. Chị vừa nhanh tay đưa chổi quét, vừa hốt rác lên xe rồi đẩy xe di chuyển về phía trước.

Nhìn một lượt xem đoạn đường đã sạch sẽ chưa, chị Quyên quay lại nói với tôi: “Để sạch hẳn rác thải, mỗi con hẻm, tuyến đường đều được chúng tôi quét và thu gom 2 lần”.

Các công nhân thu gom rác chất lên xe để chở về nơi xử lý. Ảnh: Hồng Thương

Các công nhân thu gom rác chất lên xe để chở về nơi xử lý. Ảnh: Hồng Thương

Chị Quyên gắn bó với công việc quét rác đã hơn 14 năm nay. Ngày thường, chị làm từ 6 giờ 30 chiều cho tới 12 giờ đêm là đã xong việc. Những ngày cận Tết, lượng rác nhiều, chị thường làm tới hơn 1 giờ sáng. Riêng đêm Giao thừa, ngoài thu gom rác thải tại các tuyến đường phụ trách, chị và đồng nghiệp còn phải phụ dọn dẹp vệ sinh tại các chợ hoa. Có năm, các chị hoàn thành công việc là đã hơn 5 giờ sáng.

“Nhiều lúc về đến nhà, người rệu rã, tôi chỉ muốn ngủ để lấy lại sức nhưng vì cả năm mới được dịp đoàn viên nên lại phải ráng đi chúc Tết anh em, họ hàng”-chị Quyên bày tỏ. Cũng theo chị Quyên, may mắn của chị là chồng làm khác nghề nên những dịp Tết, anh đã thay chị chuẩn bị các mâm cúng, đặc biệt là vào đêm Giao thừa.

Các công nhân phân loại rác để tiện xử lý, đảm bảo môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Các công nhân phân loại rác để tiện xử lý, đảm bảo môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Trên đường Trường Chinh, bóng chị Ngô Thị Lan (nhóm trưởng nhóm 4, tổ 1) cùng chiếc chổi in rõ mồn một trên nền đường bởi ánh điện đường vàng vọt. Đã quen với công việc quét rác nhiều năm, chị Lan không hề mảy may than vãn khi được chúng tôi đề cập về những vất vả trong nghề, nhất là mỗi dịp Tết đến.

Chị bảo, ngày mới vào nghề, do chưa quen việc, tay chân chị thường hay bỏng rộp, đau nhức. Lâu dần, đôi tay, đôi chân chai sần nên không còn đau nhức thường xuyên nữa và chị cũng quen dần với việc phải dồn sức tăng ca thu gom rác vào các đợt ảnh hưởng của bão hay các dịp lễ, Tết.

Vừa trò chuyện, chị Lan vừa sửa lại khẩu trang rồi nói: “Những ngày này, lượng rác xả ra nhiều nên chúng tôi phải làm việc cật lực hơn. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rác thải cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nếu có mầm bệnh, đặc biệt là khẩu trang y tế thải ra. Để đảm bảo an toàn cho mình và người thân, chúng tôi hạn chế tiếp xúc với người dân khi thu gom rác và đeo một lúc 2 đôi bao tay, 2 khẩu trang”.

Ngày cuối năm, rác thải nhiều khiến cho các công nhân vệ sinh môi trường vất vả hơn. Ảnh: Hồng Thương

Ngày cuối năm, rác thải nhiều khiến cho các công nhân vệ sinh môi trường vất vả hơn. Ảnh: Hồng Thương

Rời đường Trường Chinh, chúng tôi có mặt ở đường Nguyễn Văn Trỗi khi kim đồng hồ đã điểm sang 1 giờ sáng. Mặc dù vậy, 8 công nhân nhóm 5 (tổ 3) vẫn đang cặm cụi thu gom số rác thải còn sót lại trên đường trước khi trở về nhà.

Chị Trịnh Thị Thịnh cho biết, cuối năm, nhiều nhà tranh thủ dọn dẹp nên lượng rác nhiều nhưng không được phân loại. Từ ngày 26 Tết, các chị thường phải tăng ca và chỉ hoàn thành công việc khi trời đã chuyển sang ngày mới.

“Công việc thu gom rác thải vốn rất khó nhọc còn nhiều nguy hiểm. Dịp Tết, ngoài cật lực thu gom rác, chúng tôi cũng chỉ được nghỉ ngày mùng 1 Tết, sau đó, sáng mùng 2 và mùng 3 phải đi làm lại, mỗi ngày khoảng 4 giờ đồng hồ. Mùng 4 lại tăng ca vì lượng rác xả ra trong những ngày Tết rất nhiều. Vì thế, chúng tôi mong người dân có ý thức phân loại để giảm lượng rác thải ra môi trường; bỏ rác đúng quy định để công việc thu gom rác thải của chúng tôi đỡ vất vả hơn”-chị Thịnh bày tỏ.

Dù đã khuya nhưng chị Vũ ThỊ Quyên vẫn đi lại một lượt các tuyến đường phụ trách để thu gom sạch sẽ rác thải rồi mới trở về nhà. Ảnh: Hồng Thương

Dù đã khuya nhưng chị Vũ ThỊ Quyên vẫn đi lại một lượt các tuyến đường phụ trách để thu gom sạch sẽ rác thải rồi mới trở về nhà. Ảnh: Hồng Thương

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Minh-Giám đốc Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai-cho biết: Mỗi dịp Tết, lượng rác tăng gấp nhiều lần nên cường độ làm việc của các công nhân cao hơn và tất cả họ đều phải tăng ca. Để đảm bảo an toàn cho công nhân thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, đặc biệt là trang bị thêm nhiều găng tay, khẩu trang khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chúng tôi cũng có phần thưởng để tạo điều kiện cho công nhân đón Tết đầy đủ hơn và qua đó, động viên họ khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ nhằm đem lại cho Phố núi Pleiku những ngày Tết trong lành, sạch sẽ.

Chúng tôi cũng mong chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức thu gom, phân loại rác thải và không vứt rác bừa bãi. Đây cũng là chung tay hạn chế lượng rác thải ra nhằm góp phần bảo vệ môi trường cũng như để công nhân vệ sinh môi trường bớt vất vả hơn và sớm hoàn thành nhiệm vụ để kịp về đón một cái Tết ấm áp cùng gia đình…

HỒNG THƯƠNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12512/202102/tham-lang-lam-dep-cho-pho-nui-truoc-them-nam-moi-5723102/