Thầm lặng mưu sinh giữa phố

Ngày nắng cũng như ngày mưa, dưới những mái hiên, góc phố ở chốn thị thành náo nhiệt, những người thợ sửa quần áo, giày dép, đồng hồ vẫn lặng lẽ mưu sinh. Mưu sinh bên mái hiên

Dưới mái hiên của một ngôi nhà trên đường Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi), tiếng máy may vang lên đều đặn mỗi ngày. Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Hòa, chủ nhân của chiếc máy may vẫn luôn tay sửa quần áo cho khách hàng.

"Tôi làm nghề sửa quần áo đã 7 năm. Nghề sửa quần áo không đơn giản chỉ sửa, may một vài đường kim mũi chỉ, mà phải có tay nghề thì mới sửa đẹp, làm vừa lòng khách. Quần áo của khách mang đến sửa rất đa dạng, từ quần tây, áo sơ mi, đồ công sở, đồ mặc ở nhà... Để tạo nên sản phẩm ưng ý, người thợ phải khéo tay, sửa phù hợp với dáng người của khách", chị Hòa chia sẻ.

 Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, vẫn còn nhiều người mải miết gắn bó với nghề may truyền trống. Ảnh: PV

Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, vẫn còn nhiều người mải miết gắn bó với nghề may truyền trống. Ảnh: PV

Trước đây, chị Hòa mở một tiệm may tại nhà ở huyện Nghĩa Hành, sau đó chị vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân may. Chị kết hôn rồi sinh con. Nhưng rồi, biến cố ập đến khi chồng chị không may qua đời, hai mẹ con chị về lại quê nhà sinh sống. Một người em họ đã để lại vị trí này cho chị làm nghề sửa quần áo, nhờ vậy, chị Hòa có thu nhập để trang trải các chi phí và có thời gian đưa đón con đi học.

"Nghề này đã nuôi sống mẹ con tôi suốt nhiều năm qua. Lúc con còn nhỏ, học bán trú ở trường, tôi có thời gian ngồi sửa đồ xuyên cả trưa. Bây giờ con học cấp 2, buổi trưa tôi tranh thủ về nhà ở đường Nguyễn Công Phương (TP.Quảng Ngãi) để lo cơm nước cho con. Đầu giờ chiều, tôi lại tiếp tục công việc sửa đồ cho khách", chị Hòa cho biết thêm.

Cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều người mua đồ mới thay vì đem đồ đi sửa như trước đây. Dẫu vậy, ở TP.Quảng Ngãi vẫn có không ít người làm nghề sửa quần áo. Không chỉ sửa quần áo cũ, mà nhiều khách hàng có nhu cầu sửa quần áo mới mua để vừa vặn với vóc dáng. Vậy là, bên những mái hiên, những người thợ sửa quần áo vẫn ngày qua ngày gắn bó với nghề để mưu sinh.

Hơn 20 năm sửa giày dép

Mùa nắng cũng như mùa mưa, nhiều người đã quen với hình ảnh một người đàn ông ngồi miệt mài may lại những chiếc giày ngay trước Bưu điện tỉnh. Đó là ông Nguyễn Lai, năm nay đã 65 tuổi và đã gắn bó công việc này hơn 20 năm. Ông Lai cho biết, trước đây, tôi làm đủ nghề, bôn ba khắp nơi. Sau khi về lại quê nhà, làm nghề xe thồ, thấy những người thợ sửa giày dép trên vỉa hè đường Hùng Vương và học theo. Từ đó, tôi chọn nghề sửa giày dép ở góc bưu điện để mưu sinh.

Bên một góc hiên của bưu điện tỉnh, ông Nguyễn Lai làm nghề may giày dép hơn 20 năm qua. Ảnh: BẢO HÒA

Bên một góc hiên của bưu điện tỉnh, ông Nguyễn Lai làm nghề may giày dép hơn 20 năm qua. Ảnh: BẢO HÒA

Đôi bàn tay ông Nguyễn Lai luồn từng đường kim, mũi chỉ để may lại giày cho khách. Ảnh: BẢO HÒA

Đôi bàn tay ông Nguyễn Lai luồn từng đường kim, mũi chỉ để may lại giày cho khách. Ảnh: BẢO HÒA

“Làm nghề gì cũng vậy, cần có sự kiên nhẫn, tình yêu nghề. Tôi luôn cố gắng sửa giày dép, đánh xi giày cho khách thật đẹp, như vậy khách mới đến với mình", ông Lai bộc bạch. Hơn 15 năm qua, vợ ông Lai bị tai biến nên ông là lao động chính trong gia đình. Ngoài ra, ông còn nuôi một cháu ngoại từ lúc mới 2 tuổi, đến nay đã 18 tuổi và chuẩn bị tham gia nghĩa vụ quân sự. Trung bình mỗi ngày thu nhập của ông khoảng vài trăm nghìn đồng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Ngoài sửa giày dép, ông Lai còn thu mua các đôi giày cũ. Thời gian rảnh, ông dán đế, may lại, đánh xi để làm mới các đôi giày bán cho công nhân đi công trình, lái xe, nhân viên bảo vệ... với giá tầm 150 nghìn đồng/đôi, phù hợp với túi tiền và công việc của họ.

Tỉ mỉ nghề sửa đồng hồ

Tại TP.Quảng Ngãi, dọc đường Quang Trung, đoạn từ ngã 3 Quang Trung - Trần Hưng Đạo, ngã tư Quang Trung - Lê Trung Đình - Hùng Vương... dễ dàng nhận thấy những người thợ làm nghề sửa đồng hồ ngồi bên chiếc tủ nhỏ đựng đồ nghề. Mặc cho dòng người qua lại hối hả, họ vẫn cần mẫn sửa từng chiếc đồng hồ. Khi cần sửa bên trong đồng hồ, họ phải đeo chiếc kính lúp để dễ dàng nhìn thấy các chi tiết nhỏ. Những người thợ sửa đồng hồ cho biết, nghề sửa đồng hồ từng một thời rất thịnh hành, nhất là những năm sau 1975. Thời đó, ở khu vực nói trên có từ 20 - 30 thợ sửa đồng hồ, bây giờ số thợ ít hơn nhiều.

Ông Minh Sơn, một chủ tiệm đồng hồ kiêm thợ sửa đồng hồ cho biết, tại TP.Quảng Ngãi có những người vừa mở tiệm bán, vừa sửa đồng hồ với thâm niên trên 50 năm như tiệm Thanh Trọng, Minh Sơn, Minh Tân, Huân... Trước đây, các dòng đồng hồ cơ, đồng hồ lên dây, khi hỏng hóc khách hàng mang đến thợ sửa. Để làm nghề sửa đồng hồ, người thợ phải chịu khó học hỏi, tìm tòi, rút kinh nghiệm. Quá trình sửa đồng hồ như một bác sĩ phải tìm ra nguyên nhân khiến đồng hồ không chạy được, rồi tìm cách "chữa lành bệnh". Nghề sửa đồng hồ phải tỉ mỉ và có thị lực tốt.

Bây giờ, thị trường đồng hồ thay đổi rất nhiều. Các tiệm đồng hồ truyền thống cạnh tranh với mặt hàng có giá rẻ trên mạng. Khách hàng chủ yếu dùng đồng hồ pin, khi bị hư thường mua cái mới để dùng. Thợ sửa đồng hồ cũng ít dần là vì vậy!

BẢO HÒA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/doi-song/202312/tham-lang-muu-sinh-giua-pho-5cf3c96/