Thầm lặng trợ giúp những người yếu thế

Những người làm nghề công tác xã hội ở Hà Tĩnh vẫn hàng ngày, hàng giờ cần mẫn chăm sóc, nuôi dạy và kết nối những tấm lòng hảo tâm để trợ giúp người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Gần 16 năm công tác tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh, chị Hoàng Thị Nhung là một trong những người điển hình gắn bó với nghề công tác xã hội (CTXH).

Hằng ngày, công việc của chị Nhung bắt đầu từ lúc sáng sớm đến tận chiều tối, chăm sóc cho người có công, đối tượng bảo trợ và đối tượng tự nguyện, tận tình từ miếng cơm, cốc nước.

 Chị Hoàng Thị Nhung chuẩn bị bữa ăn cho các đối tượng đang nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh.

Chị Hoàng Thị Nhung chuẩn bị bữa ăn cho các đối tượng đang nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh.

Chị Nhung luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên họ sống vui, sống khỏe; yêu thương và chăm sóc các cụ như người thân trong gia đình. Các đối tượng ốm nặng, nằm liệt giường thời gian dài, chị cùng các nhân viên ở trung tâm không ngại khó khăn, chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, đút từng miếng cơm, thìa cháo, giúp các cụ mau lành bệnh.

Chị Nhung chia sẻ: “Với những người làm nghề CTXH, nếu không có cái tâm và lòng yêu thương con người thì khó có thể cống hiến hết mình”.

 Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh luôn quan tâm chăm sóc từng bữa ăn cho người có công và đối tượng bảo trợ.

Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh luôn quan tâm chăm sóc từng bữa ăn cho người có công và đối tượng bảo trợ.

Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh là mái ấm của những người có công, thân nhân người có công, những mảnh đời neo đơn và hoàn cảnh tật nguyền khó khăn. Từ nhiều năm nay, công tác chăm lo đời sống tinh thần cho các đối tượng luôn được đơn vị quan tâm, chú trọng.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa (85 tuổi), người đã có gần 20 gắn bó với trung tâm cho biết: "Được chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ, tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp nơi mái nhà chung của những người yếu thế. Tại đây, các cán bộ luôn tận tình giúp đỡ, chăm sóc, giúp chúng tôi được sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

 Chị Võ Thị Trâm - giáo viên Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh tận tâm dạy nghề cho học viên.

Chị Võ Thị Trâm - giáo viên Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh tận tâm dạy nghề cho học viên.

Dạy nghề cho những người khuyết tật luôn hết sức khó khăn nhưng bằng tình thương và lòng yêu nghề, những cán bộ, giáo viên ở Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh vẫn luôn gắn bó với nghề. Với các học viên ở trung tâm, các thầy giáo, cô giáo như người mẹ, người chị và người bạn lớn; là điểm tựa tinh thần mang đến sự vui tươi, phấn khởi cho các em sau những giờ học chính khóa.

Cô Võ Thị Trâm – giáo viên tại trung tâm chia sẻ: “Việc dạy nghề cho người khuyết tật đòi hỏi người giáo viên phải có sự tỉ mỉ, khéo léo vì người khuyết tật khó học nghề. Do đó, mỗi giáo viên càng phải có tấm lòng yêu thương học sinh, sự bao dung, nhẫn nại và hy sinh rất nhiều thì mới có thể bám trụ với công việc. Nhìn thấy các em tiến bộ dần dần, ngày càng có ý chí nỗ lực học tập, tích cực tham gia phong trào, sống vui tươi khỏe mạnh... chúng tôi rất hạnh phúc và đó cũng là động lực để thầy, cô ở đây gắn bó với nghề”.

 Chị Nguyễn Thị Cẩm Ly dạy học theo chương trình giáo dục trẻ khuyết tật, đặc biệt ở Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Ly dạy học theo chương trình giáo dục trẻ khuyết tật, đặc biệt ở Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh.

Cũng như chị Nhung và cô giáo Trâm, với tình yêu thương những mảnh đời bất hạnh, hằng ngày chị Nguyễn Thị Cẩm Ly - giáo viên chuyên biệt ở Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh vẫn cần mẫn truyền dạy kiến thức và tình yêu, nghị lực sống cho những em nhỏ ở đây.

Nói về công việc của mình, chị Ly chia sẻ: “Nghề của tôi tuy dễ mà khó, phải là người thực sự có tình yêu thương và kiên nhẫn mới có thể làm được. Để dạy dỗ và chăm sóc các em, các con được tốt đầu tiên phải tâm huyết với nghề.

Phải có sự đồng cảm, yêu thương và nghĩ đến tương lai của các em, các con thì khi đó mới thực sự dành hết tình yêu cho trẻ”.

 Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tặng quà cho bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tặng quà cho bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện.

Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là một trong những địa chỉ quen thuộc và tin cậy của nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn.

Từ nhiều năm nay, hằng năm, có hàng trăm người bệnh gặp hoàn cảnh khó khăn, không có chi phí điều trị được hỗ trợ tìm nguồn kinh phí, động viên cả về vật chất và tinh thần thông qua hoạt động công tác xã hội. Bên cạnh đó, Phòng Công tác xã hội còn phát phiếu ăn miễn phí cho hơn 1.000 lượt bệnh nhân nghèo mỗi tháng.

Chị Nguyễn Thị Như Trang - Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Mỗi khi có một bệnh nhân khó khăn được giúp đỡ, là một lần chúng tôi có được niềm vui, đó cũng là động lực để những người làm công tác xã hội ở bệnh viện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được phân công, đóng góp nhiều hơn cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh...".

Dẫu thầm lặng, song nhưng những người làm CTXH ở Hà Tĩnh luôn tự hào, hạnh phúc với nghề của mình bởi họ đã và đang hàng ngày chăm sóc, giúp đỡ người yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Họ là chiếc cầu nối đầy yêu thương, trách nhiệm giữa cộng đồng xã hội với những mảnh đời cần được giúp đỡ, chở che...

Ninh Hà - Thu Cúc

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tham-lang-tro-giup-nhung-nguoi-yeu-the-post263749.html