Thầm lặng vì sức khỏe cộng đồng
Bất chấp ngày mưa hay ngày nắng, họ vẫn miệt mài đến từng nóc nhà của dân bản ở nơi lưng chừng núi. Nhờ có họ, khi có bệnh tật, người dân vùng cao mới biết đi khám bệnh ở cơ sở y tế, các hủ tục cúng tế bị đẩy lùi. Họ chính là đội ngũ y tế thôn đang cắm ở khắp các xã vùng cao.
Vượt qua mọi khó khăn
Bác sĩ Đinh Văn Lo- Trạm trưởng trạm y tế xã Sơn Linh (Sơn Hà) đã làm công việc này hơn 15 năm qua. Dù bây giờ đã là người đứng đầu của trạm y tế nhưng mỗi tuần anh vẫn cùng đồng nghiệp lặn lội đi khắp các nẻo đường trong xã.
Những áo trắng băng suối, vượt rừng để đến với dân làng.
Theo thông lệ, một ngày cuối tháng 2, anh Lo chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ bỏ vào chiếc túi họp có hình chữ thập đỏ, rà danh sách các gia đình có con nhỏ cần phải tiêm vắcxin. Rồi anh khẳng khái bước ra khỏi trạm: “Nhiệm vụ hôm nay là đi phát phiếu tiêm vắcxin cho khoảng 15 gia đình và đi thăm bệnh cho sản phụ và người già sức yếu không thể đến trạm!”
Xã Sơn Linh có 5 thôn, thôn xa nhất phải vượt rừng núi và 2 con suối mất 10km. Người khác thì thấy xa, nhưng với anh và những người trong trạm lại thấy bình thường.
Anh Lo kể, cực nhất là vào đợt lũ lịch sử cuối năm 2013 vừa qua. “Khủng khiếp lắm. Ngày xưa chưa có đường thì chúng tôi lội bộ để đem tờ rơi tới cho bà con, phổ biến để bà con hiểu biết hơn khi bị bệnh. Hồi đó có khi phải đi bộ ròng rã 4 tiếng đồng hồ. Nhưng nghĩ lại vẫn không bằng đợt lũ hồi cuối năm”- anh Lo nhớ lại.
Bác sĩ Đinh Văn Lo khám bệnh cho người dân tại nhà
Khắp nẻo đường về thôn ngập ngụa trong bùn đất. Giao thông ách tắc. Bùn cao đến tận thắt lưng. Khắp nơi đều hiện lên cảnh hoang tàn. Đó là những gì cơn lũ để lại. Thế nhưng, với nhiệm vụ còn oằn nặng trên vai, anh Lo và đồng nghiệp vẫn hăng hái lội bộ hàng tiếng đồng hồ để giúp bà con khử trùng nước giếng và làm sạch môi trường. Ròng rã suốt 1 tuần, dấu chân của anh Lo in khắp các thôn. Suốt hơn 15 năm làm việc, dường như từng nóc nhà hay từng con suối đều đã quá quen thuộc với người thầy thuốc này.
Góp phần đầy lùi những hủ tục
Người dân ở thôn Gò Ôn, xã Ba Thành (Ba Tơ) đến nay đã quen thuộc với dáng áo trắng của nữ nhân viên y tế Phạm Thị Tới. Mỗi lần đến với bà con, chị lại đem những điều hay, kiến thức cho các sản phụ, các bà mẹ để nuôi con khỏe mạnh.
Không chỉ là lý thuyết suông, chị Tới còn tận tình mang đồ thực hành đến để bà con có thể hình dung, hiểu tường tận. Dù địa hình hiểm trở, nhiều khi phải lội bộ đến 10km, nhưng chị vẫn bám bản trong 13 năm qua.
Đến tận nhà của dân bản để phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Niềm vui của chị là những đứa bé được chào đời an bình tại trạm y tế, là người dân rủ nhau đến trạm khám, chữa bệnh mỗi khi có bệnh tật. Đây còn là niềm vui chung của người dân trong thôn. Ông Phạm Văn Thành chia sẻ: Từ ngày có chị Tới, người dân không còn cúng bái mỗi khi có bệnh nữa. Chị Tới giải thích rằng, mỗi lần cúng là dân làng phải mất con trâu hay con heo. Vừa tốn tiền, bệnh lại chẳng chịu đi khỏi người. Phải đi trạm y tế mới khỏi bệnh được.
13 năm miệt mài với công việc thay đổi ý thức người dân, chị Tới đã nhận về kết quả là tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tại địa phương giảm xuống còn 50%; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tiêm chủng đạt trên 90%. Các bà mẹ cũng đã biết cách nấu ăn sao cho các em bé trong thôn có đủ chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.
Giờ đây, mỗi người dân thôn Gò Ôn, xã Ba Thành (Ba Tơ) đổi thay cả trong từng nếp nghĩ, trong cuộc sống vươn lên của bản làng nghèo khó, dần xóa các hủ tục vẫn vây quanh dân làng. Những thay đổi quý báu ấy góp thêm vào niềm vui lớn cho người dân nơi đây.
Có được những điều ấy, người dân nơi vùng cao lại nhắc đến công việc thầm lặng của các nhân viên y tế thôn- những người đã đưa văn minh đến với đồng bào. Với họ, nhân viên y tế thôn vừa là người thầy thuốc, vừa là người bạn đáng tin cậy để đẩy lùi những hủ tục không đáng có.