Thăm mộ ông nội ngày giỗ

Nhân kỷ niệm 05 năm ngày Húy nhật (ngày giỗ) của ông nội, mồng 03 tháng 6 âm lịch, thay mặt gia đình, cháu ra 'thăm' và mời ông cùng các bậc tiên tổ về nhà 'xơi cơm' cùng con cháu.

Thăm mộ ông nội ngày giỗ

Thăm mộ ông nội ngày giỗ

Ngày giỗ là ngày tưởng nhớ người đã khuất, con cháu phải có trách nhiệm ghi nhớ, vì điều này thể hiện sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn. Thắp nén hương thơm, tỏ lòng thành kính, nấu mâm cơm đạm bạc thôi cũng được, nhưng phải đong đầy tình cảm, dâng lên ông bà tổ tiên, như một lời tri ân ơn đức sinh thành, dưỡng dục cao dày của các bậc tiên tổ. Qua đó, giáo dục con cháu phải biết yêu thương kính trọng, chăm sóc ông bà, bố mẹ ngay từ khi còn sống. Mọi thành viên trong gia đình một mực đoàn kết, keo sơn. Luôn ghi nhớ công ơn này dù khi ông bà, bố mẹ đã nhắm mắt xuôi tay.

Cây có gốc nở ngành xanh ngọn

Nước có nguồn bể cả sông sâu

Người ta sinh trưởng bởi đâu

Gốc là tiên tổ ân sâu rõ ràng

(Trích – Dâng văn chầu tổ)

Thời nay, khi nhà có giỗ, thường sẽ dồn vào ngày chủ nhật gần nhất, là ngày nghỉ để con cháu quây quần ăn uống được đông vui. Nghe đến đây, thì có vẻ đặt nặng việc ăn uống. Nhưng gia đình tôi thì không, giỗ là phải tổ chức đúng ngày, vì cả năm mới có một. Con cháu nghỉ được là cái quý, không được thì có thể tranh thủ đến thắp nén hương cho ông bà tổ tiên, mà bận nữa thì về thăm các cụ sau cũng được. Miễn sao đó là lòng thành kính, sống thật tâm thì không cụ nào trách con cháu cả.

Ông bà nội chụp ảnh cùng một số con cháu, 20 năm về trước

Ông bà nội chụp ảnh cùng một số con cháu, 20 năm về trước

Bên mâm cơm gia đình, mọi người kể nhau nghe những câu chuyện cũ, về ông. Thời điểm ông sắp mất, ông là cụ nhất trong làng, 86 tuổi cũng là độ tuổi xưa nay hiếm. Nói chung ngày còn sống ông là một người tốt, sống nhân đức và được người đời kính nể. Chẳng thế mà ngày ông mất, bao dòng người tiễn đưa và thương tiếc. Và đặc biệt đến lạ kỳ, từ bấy đến giờ vào những ngày giỗ ông, tiết trời đều mát mẻ.

Mộ của ông bây giờ, là do người con trai thứ hai của ông (bố tôi) chọn vị trí, tự thiết kế và nhờ người xây. Tuy không to nhưng “Đầu tựa sơn - chân đạp thủy”. Luận về phong thủy thì tôi không rành cho lắm, chỉ thấy mọi người nói đó là hướng tốt. Chưa kể bia mộ hướng về phía cửa chùa làng bên - tức quay về bên cửa Phật, cõi cực lạc, an yên. Gia đình cũng không quên “phần riêng” một góc trống bên cạnh cho bà (vợ ông), vì đó là tâm nguyện của bà. Các cụ thời xưa hay thật, chưa mất đã tính “xí phần mộ” cho mình. Thế mới thấy, tình nghĩa vợ chồng thời bấy như thế nào, sướng cũng như khổ, đến khi nhắm mắt xuôi tay, vẫn còn muốn là vợ chồng của nhau dưới suối vàng, nào như một số bạn trẻ ngày nay.

Video lễ tạ mộ cụ Nguyễn Văn Mộc (ông nội tôi)

Bình An

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tham-mo-ong-noi-ngay-gio-a13670.html