Tham mưu giải pháp quản lý và điều hành ngân sách

Năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch trên địa bàn suy giảm nghiêm trọng. Bám sát tình hình thực tiễn, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách trong quản lý và điều hành ngân sách, xây dựng các phương án điều hành thu, chi và cân đối ngân sách Nhà nước phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cán bộ, nhân viên Phòng Tài chính - Hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính) thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ, nhân viên Phòng Tài chính - Hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính) thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Sở Tài chính, thông tin: Sở đã chủ động tham mưu trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý tài chính, ban hành các văn bản thuộc nhóm các cơ chế chính sách trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác quản lý: Chính sách phát triển nông thôn mới; chính sách đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa... đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của địa phương, kinh phí thực hiện nhiệm vụ phát sinh theo chỉ đạo của tỉnh. Rà soát, đánh giá tác động đến nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước do dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu ngân sách trên địa bàn, xác định các nguồn thu tiềm năng, các lĩnh vực, hoạt động còn thất thu; phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành thu ngân sách trên địa bàn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức, thành phần kinh tế trong sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt chính sách bồi dưỡng nguồn thu ổn định, bền vững, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Năm 2020, Sở đã tham mưu xây dựng 11 cơ chế chính sách trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Nghị quyết số 135/2020/NQ-HĐND ngày 31/7/2020 quy định mức thu, miễn, giảm, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh; kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương sang năm 2021; đảm bảo kinh phí hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ... Cùng với đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thu ngân sách, thu nợ thuế trên địa bàn, do đó thu ngân sách hằng năm cơ bản sát với phát triển kinh tế của tỉnh và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo thu kịp thời các khoản thu phát sinh vào ngân sách Nhà nước. Năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.526 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương 15.362 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của tỉnh.

Công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương đã được Sở Tài chính tham mưu và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định của UBND tỉnh, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, dành nguồn lực cho công tác an sinh xã hội; phòng, chống ma túy; chương trình xây dựng nông thôn mới. Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế, tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách. Phối hợp với các ngành, huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt quy định của Luật Giá; thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, kê khai giá theo quy định và chế độ thông tin giá cả thị trường đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo của tỉnh. Công tác quản lý tài sản công được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm mua sắm, sửa chữa tài sản Nhà nước theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định về quản lý, điều hành ngân sách địa phương. Tài sản được đầu tư, mua sắm theo đúng định mức, tiêu chuẩn; hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Công tác quản lý tài chính doanh nghiệp được chỉ đạo thường xuyên, thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản, công tác quản lý giá của các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán; phối hợp đôn đốc thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Năm 2021, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Sở Tài chính đang tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan; chủ động tham mưu thể chế hóa các quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, kịp thời điều chỉnh một số vấn đề phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực tài chính ngân sách, cung cấp các thông tin, cơ sở dữ liệu về công tác tài chính đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, chính sách thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tham-muu-giai-phap-quan-ly-va-dieu-hanh-ngan-sach-38532