Tham mưu hiệu quả công tác hậu cần trong tình hình mới
Công tác tham mưu hậu cần (TMHC) có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác hậu cần (CTHC), bảo đảm cho Quân đội thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và các nhiệm vụ khác.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Hoàng Nam, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu, Phó tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần (TCHC) về nội dung này.
Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá vai trò của công tác TMHC đối với CTHC như thế nào?
Đại tá Nguyễn Hoàng Nam: Công tác TMHC là nội dung quan trọng của CTHC, bộ phận của công tác tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, do cơ quan (cán bộ) TMHC các cấp tiến hành. Với chức năng tham mưu, hiệp đồng, phối hợp các hoạt động bảo đảm, công tác TMHC liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng cả trong và ngoài Quân đội; tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả các mặt CTHC cả về tổ chức bảo đảm, quản lý, xây dựng ngành và các hoạt động khác, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng SSCĐ của toàn quân, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành TMHC đã phát huy tốt tinh thần tự lực, tự cường, chủ động tham mưu, chủ trì, phối hợp hiệp đồng triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mặt công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Cùng với đó, ngành cũng đã tích cực triển khai các chương trình, đề án, dự án ngành hậu cần; tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính; triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tốt những quy định về quản lý chất lượng vật chất hậu cần tạo nguồn mua sắm từ ngân sách được phân cấp, bảo đảm kịp thời cho các nhiệm vụ...
Ngành cũng đã tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về CTHC Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo, bảo đảm chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả ở tất cả các cấp. Thực hiện chặt chẽ việc điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng hậu cần theo nghị quyết, kế hoạch của các cấp, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành hậu cần Quân đội tinh, gọn, mạnh...
PV: Trước yêu cầu ngày càng cao của CTHC, theo đồng chí, công tác TMHC cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào?
Đại tá Nguyễn Hoàng Nam: Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ CTHC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới, công tác TMHC cần tập trung thực hiện tốt việc điều chỉnh tổ chức biên chế hậu cần các cấp; chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTHC; nghiên cứu, đề xuất xây dựng hoàn chỉnh hệ thống điều lệ, chuẩn hóa giáo trình, tài liệu các chuyên ngành hậu cần; tích cực khai thác các nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong CTHC...
Cùng với đó, phát huy tốt vai trò tham mưu của cơ quan hậu cần các cấp; đẩy mạnh nghiên cứu dự báo, đánh giá tình hình, các nguy cơ, thách thức, tình huống tác động đến CTHC để xác định mục tiêu và đề xuất giải pháp phù hợp. Hoàn thiện cơ chế, phương thức bảo đảm xây dựng và hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận hậu cần Quân đội gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, tạo thế liên hoàn, vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc...
PV: Đồng chí có thể cho biết một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ TMHC trong thời gian tới?
Đại tá Nguyễn Hoàng Nam: Đội ngũ cán bộ các cấp trong Bộ Tham mưu TCHC nói riêng, ngành TMHC nói chung hiện nay luôn có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng; 100% cán bộ được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm qua thực tế công tác; có trách nhiệm cao, nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy với công việc; đa số cán bộ đầu ngành đều trưởng thành từ đơn vị cơ sở; chất lượng đội ngũ cán bộ toàn ngành ngày càng được nâng cao.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong Bộ Tham mưu và tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ TMHC các cấp, thời gian tới, toàn ngành tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ. Tăng cường quản lý toàn diện, quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn, phương pháp, tác phong công tác gắn với phát huy trách nhiệm nêu gương đối với đội ngũ cán bộ các cấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá, nhận xét cán bộ, bảo đảm công tâm, khách quan, dân chủ, thực chất, lấy chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín của cán bộ làm thước đo chủ yếu. Cùng với đó, từng bước giải quyết số lượng, điều chỉnh cơ cấu hợp lý đối với cơ quan hậu cần ở từng cấp; quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ ngành TMHC cả về số lượng và chất lượng...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
CHIẾN VĂN (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.