Thăm nhà ông Sáu Dân tại di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Sáu Dân là bí danh của đồng chí Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 11.6.2008), nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Nam bộ thành đồng và là một trong những nhà lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1975.
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, sinh ra tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền. Trong ông đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước nên giác ngộ và tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông có nhiều năm tháng gắn bó với miền Nam, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Ủy viên xứ ủy Nam bộ và Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang; Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Khu ủy Khu 9; Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam…
Trong bất kỳ hoàn cảnh và trên bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng đồng bào, đồng chí.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là cơ quan cao nhất chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam, đã có nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng cao cấp làm việc tại đây như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phan Văn Đáng, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt… cùng góp phần đưa Trung ương Cục miền Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ năm 1973 đến 1974, trước những diễn biến mới của chiến trường miền Nam, Trung ương Cục tập trung vào công tác xây dựng và củng cố bộ máy tổ chức. Nhiều cán bộ cao cấp có năng lực và kinh nghiệm được tăng cường về cơ quan lãnh đạo. Trên cơ sở đó, tháng 9.1973, đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy Khu 9, kiêm Bí thư Quân khu ủy Quân khu 9 được điều động về Trung ương Cục phụ trách Khối Dân vận, Binh vận và Mặt trận.
Trong thời gian công tác tại đây, ông được nhóm “thợ mộc bất đắc dĩ” (bộ phận phục vụ Thường vụ Trung ương Cục miền Nam - C15) thiết kế, tạo dựng một ngôi nhà để ở và làm việc mà ông rất ưng ý từ nội thất đến ngoại cảnh.
Vị trí ngôi nhà ở bìa trảng tranh, rất thoáng mát, hưởng được đến 2/3 lượng ánh sáng mặt trời trong ngày chiếu đến nhưng bảo đảm kín đáo vì được bao bọc bởi một số cây rừng xung quanh. Ngôi nhà có thiết kế đơn sơ gồm vách, cửa sổ, có cổng trước, cổng sau đầy đủ. Toàn bộ cột, kèo, đòn tay đều làm bằng gỗ, mái được lợp bằng lá trung quân, một loại lá rừng có độ bền cao và chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt.
Phía trước nhà có một sàn gỗ (một khoảng nhỏ thường làm nơi hội ý, họp bàn công việc), bên trái tiếp nối trảng tranh, bên phải cách chừng 50m là nhà thư ký riêng của ông. Phía trước nhà có khuôn viên rộng, xung quanh trồng cây cảnh đẹp, mỗi gốc cây được tạo dáng bằng tre lồ ô như những chậu cây cảnh trong thời bình.
Vườn cây cảnh kết hợp với cây rừng là một cách ngụy trang cho ngôi nhà ở bìa trảng không bị lộ. Với những đặc điểm kể trên thì đây được xem là ngôi nhà độc đáo trong “xóm nhà” của mấy “ông già” (biệt danh của các đồng chí Thường vụ Trung ương Cục miền Nam lúc bấy giờ).
Ngày nay, khi đến di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng ta sẽ được tham quan ngôi nhà của ông Sáu Dân. Mặc dù ngôi nhà được phục dựng nhưng đã tái hiện sinh động về một thời sống và làm việc của ông trong thời kỳ chiến tranh gian khổ. Trong ngôi nhà, ngoài bàn thờ và di ảnh của ông để khách tham quan đến thắp hương tưởng nhớ, còn trưng bày một số hiện vật như cặp mắt kính, chiếc radio… vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử.
Trong những năm công tác tại đây, với trọng trách được Đảng giao phó, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn sát cánh cùng lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, đưa ra những quyết sách đúng đắn, chỉ đạo kịp thời, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong việc hành quân, lấn chiếm vùng giải phóng sau Hiệp định Paris, tạo đà cho sự phát triển của cách mạng miền Nam trong những năm từ 1973-1975.