Thâm nhập 'tọa độ nóng' phá rừng đầu nguồn sông Ví (Kỳ cuối: Cơ quan chức năng nói gì?)

Theo tìm hiểu, khu vực rừng bị phá ở những địa phương khác mà chúng tôi tiếp cận đều có những lán trại được dựng lên để phục vụ cho việc ăn ở, nghỉ ngơi của “lâm tặc”. Tuy nhiên tại khu vực đầu nguồn sông Ví này, quy mô cây rừng bị triệt hạ rất lớn nhưng không thấy có lán trại nào. Điều đó cho thấy những “lâm tặc” ở đây có thể là người dân địa phương, do gần nhà nên sáng lên cưa xẻ cây, chiều lại kéo gỗ về...

Ông Huỳnh Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND xã Trà Kót xem những hình ảnh vụ phá rừng đầu nguồn sông Ví do P.V cung cấp.

Ông Huỳnh Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND xã Trà Kót xem những hình ảnh vụ phá rừng đầu nguồn sông Ví do P.V cung cấp.

Trước sự việc trên, ngày 5-8, chúng tôi có buổi làm việc với ông Huỳnh Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND xã Trà Kót và vị lãnh đạo xã này cho rằng chính quyền không biết tình trạng phá rừng xảy ra ở địa phương. Khi chúng tôi đưa những hình ảnh ghi tại hiện trường vụ phá rừng cho ông Chiến xem và ông cho rằng đó là do dân tự ý cưa xẻ về làm nhà, tuyệt đối không có chuyện cưa gỗ rừng để bán.

“Vừa qua có một số hộ dân thôn 1 cũ có xin cưa hạ một số cây về làm nhà nhưng xã không cho. Cách đây khoảng 2 tháng, tôi có lên đó kiểm tra phát hiện có 3 cây gỗ bị cưa hạ. Trong khoảng 2 tuần trở lại đây không kiểm tra khu vực đó nên không biết được có phá rừng hay không? Chúng tôi cũng không nghe thôn báo lên nên không biết. Rừng bị cưa hạ là do dân lấy gỗ làm nhà thôi, không có chuyện đem gỗ đi tiêu thụ, buôn bán, bởi xã quản lý rất chặt chẽ. Tôi khẳng định không có sự tiếp tay của cán bộ địa phương hay kiểm lâm gì cả”, ông Chiến khẳng định.

Cũng theo ông Chiến, xã Trà Kót hiện có khoảng 4.000ha rừng tự nhiên, trong đó hơn 1.300ha thuộc dự án khu 10 và khoảng 2.700ha giao khoán cho những hộ dân quản lý bảo vệ rừng. “Từ năm 2017 trở về trước thì tình trạng phá rừng ở địa phương thỉnh thoảng có xảy ra. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, chính quyền địa phương tăng cường quản lý nên rừng tự nhiên không bị xâm hại. Sự việc xảy ra do người dân ở thôn 1 cũ cưa hạ về làm nhà thôi. Tôi sẽ lên đó để kiểm tra. Trách nhiệm để xảy ra vụ việc thuộc về các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng và cán bộ thôn”, ông Chiến nói.

Một cây gỗ lớn đầu nguồn sông Ví bị “lâm tặc” đánh dấu để chuẩn bị cưa hạ.

Một cây gỗ lớn đầu nguồn sông Ví bị “lâm tặc” đánh dấu để chuẩn bị cưa hạ.

Theo ông Chiến thì vụ phá rừng trên do người dân thôn 1 (cũ) lấy gỗ về làm nhà. Tuy nhiên qua xác minh của chúng tôi, thôn 1 này có tổng cộng 31 hộ dân sinh sống thì người dân đã có nhà ở. Trong thôn hiện có hai hộ dân làm nhà mới, trong đó một hộ dân đã làm nhà xây hai tầng bằng gạch gần xong; một hộ khác đào móng chuẩn bị xây dựng bằng vật liệu xi-măng, gạch, sắt thép... Chúng tôi đi vào thôn này để xác minh, tìm kiếm số gỗ trong rừng bị đốn hạ đưa về đây làm nhà như lời vị chủ tịch xã Trà Kót nói, tuy nhiên đi khắp thôn cũng không thấy đống gỗ nào (!?).

Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Trường - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My, cho rằng: “Việc chính quyền xã Trà Kót nói người dân chặt gỗ về làm nhà là không đúng, để xảy ra phá rừng là do quản lý nhà nước lỏng lẻo. Diện tích rừng tự nhiên trên đã giao cho địa phương quản lý nên địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ. Tại xã Trà Kót năm 2016 cũng xảy ra một vụ phá rừng quy mô lớn, sau khi phát hiện chính quyền huyện đã tiến hành kỷ luật hàng loạt cán bộ xã này”- ông Trường nói.

Nhiều cây gỗ bị cưa hạ từ nhiều tháng trước cho thấy rừng nơi đây bị tàn phá trong thời gian dài.

Nhiều cây gỗ bị cưa hạ từ nhiều tháng trước cho thấy rừng nơi đây bị tàn phá trong thời gian dài.

Ông Trường cũng thông tin thêm, trước đây nhằm tạo điều kiện cho đồng bào miền núi nên tỉnh Quảng Nam có chủ trương cho người dân khai thác một số gỗ nhất định để về làm nhà. Tuy nhiên hiện nay cơ chế đó đã không còn, nghiêm cấm mọi hành vi đốn hạ cây rừng. “Từ thông tin của phóng viên cung cấp, chúng tôi sẽ cử lực lượng kiểm lâm vào xác định vị trí, tọa độ, số lượng chủng loại cây rừng bị phá để có hướng điều tra, xử lý theo quy định”, ông Trường nói thêm.

Tiếp tục tìm hiểu, người dân địa phương cho chúng tôi biết, nhóm “lâm tặc” phá rừng đầu nguồn sông Ví trên do một số đối tượng ở thôn 1, xã Trà Kót làm. “Họ móc nối với một số người, trong đó có các chủ xưởng cưa trong và ngoài xã. Những cái tên cầm đầu trực tiếp khai thác như: Lâm, Phương, Hội, Du... ở thôn 1. Nhóm này sau khi cưa hạ xẻ gỗ đem ra khỏi rừng bán cho một số xưởng cưa trên địa bàn xã Trà Kót, Trà Nú, Trà Đông và một số nơi khác”. một người dân tiết lộ.

TRẦN TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_210625_tham-nhap-toa-do-nong-pha-rung-dau-nguon-song-vi-ky-cuoi-co-quan-chuc-nang-noi-gi-.aspx