Thấm nhuần bài học lịch sử vô giá
Lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân - bài học kinh nghiệm mà Ðảng ta đã đúc kết được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích làm sâu sắc thêm trong bài viết “Bài học lịch sử vô giá” (tập hợp trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu tại buổi gặp mặt ngày 26/11/2022. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1987 có ý nghĩa về công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thời điểm toàn Ðảng, toàn dân ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách. Ðến nay, đất nước đã trải qua gần 40 năm đổi mới, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, nhưng bài viết với những vấn đề nêu ra vẫn còn nguyên tính thời sự, đáng để chúng ta học tập, quán triệt.
Trong bài viết, tác giả phản ánh: Ðảng luôn coi việc bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân là trách nhiệm to lớn thường xuyên của mình. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng có những chính sách còn chưa thật đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng, trình độ của nhân dân; có những địa phương, những cơ sở chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp thật tích cực để phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân.
Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên, chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với nhân dân, nhẫn tâm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội...
Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của quần chúng, là điều quần chúng cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất. Tiếp đó, tác giả khẳng định: Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ tập thể của quần chúng cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục.
Liên hệ thực tiễn hiện nay, đất nước phải đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng địa chính trị trên thế giới, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp phải quyết liệt triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, thế nhưng lại có tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết, không dám làm, đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ.
Có nơi, có lúc ở cấp cơ sở xuất hiện những vấn đề cấp bách, sự việc ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân cần phải được khẩn trương xử lý, nhưng lãnh đạo địa phương không dám quyết định, mà chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, dẫn đến tiến độ công việc trì trệ, nhân dân bất bình. Có những khu vực, địa bàn tồn tại vấn đề bức xúc, nhưng lãnh đạo không sâu sát thực tiễn, không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, không quyết liệt chỉ đạo xem xét, giải quyết thấu đáo, triệt để dẫn đến những khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật; tình hình xử lý các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, tiêu cực nói riêng liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ðáng chú ý, gần đây, quần chúng nhân dân theo dõi quá trình xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” đều rất đau lòng trước một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, nhẫn tâm, vô cảm trước những khó khăn, mất mát của người dân trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp.
Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ diễn ra tháng 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác...
Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Ðảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Ðảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đọa, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu.
Trích bài viết “Bài học lịch sử vô giá”
Trở lại bài viết “Bài học lịch sử vô giá”, tác giả khẳng định: “Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Ðảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Ðảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đọa, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu”. Do vậy: “Một vấn đề hết sức quan trọng là phải khẩn trương làm trong sạch đội ngũ của Ðảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Ðảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Ðảng và quần chúng. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Ðảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên”.
Chúng ta có thể thấy tinh thần của quan điểm này trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Ðảng ta đang đẩy mạnh thực hiện dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có thể nói, bài viết với những lập luận sắc sảo, chặt chẽ, càng đọc càng thấy thấm thía trong bối cảnh hiện nay, rất cần được cán bộ, đảng viên nghiên cứu thấm nhuần trong quá trình rèn luyện và công tác.