Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Nhân Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra vào 2 ngày 9 - 10/12, đọc lại 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc', chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng 'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất' của Bác Hồ kính yêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua chống Mỹ, cứu nước tháng 12/1966. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua chống Mỹ, cứu nước tháng 12/1966. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cách đây 72 năm, ngày 11 - 6 - 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" nhằm động viên nhân dân ta “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” và thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ đề của Lời kêu gọi đã toát lên tinh thần: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Nội dung “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” được tóm lược là: Mở đầu, Hồ Chủ tịch viết: “Mục đích thi đua ái quốc là gì? Và Người trả lời: “Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm”. Về cách làm, phải dựa vào “Lực lượng của dân, tinh thần của dân” để đem lại “Hạnh phúc cho dân”. Về đối tượng và yêu cầu, Người viết: “Vì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”. Yêu cầu thi đua là phải: “Làm cho mau/Làm cho nhiều” và trong thi đua thì phải “Vừa kháng chiến/Vừa kiến quốc”. Khẩu hiệu thi đua: “Toàn dân kháng chiến/Toàn diện kháng chiến”. Kết quả của thi đua: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc/Toàn dân biết đọc, biết viết/Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm/Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Thế là chúng ta thực hiện được “Ba chủ nghĩa”: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc. Trên cơ sở đó, Người kêu gọi tất cả mọi đối tượng, mọi người “bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ…” sôi nổi tham gia phong trào thi đua yêu nước. “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” chỉ hơn 440 từ nhưng đã nêu lên đầy đủ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước, trong đó bao hàm cả nội dung, phương pháp tổ chức, đối tượng tham gia, khẩu hiệu hành động và kết quả cần đạt được.

Có thể nói, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, ác liệt, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam không ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc. Và từ đấy trở đi, phong trào thi đua yêu nước đã kích thích, động viên “ngành ngành thi đua, người người thi đua” cùng nhau đưa hết tài năng, sức lực nhằm đạt thành tích tốt nhất trong chiến đấu, sản xuất, công tác, học tập…; qua đó đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân được tôn vinh và nhân rộng, tạo sức lan tỏa cái đẹp - hành động tích cực, góp phần đẩy lùi những xấu xa, tiêu cực trong cuộc sống, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... gắn liền với những điển hình tiêu biểu như: “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Cờ Ba Nhất” trong quân đội, “Tiếng trống Bắc Lý” trong giáo dục … trước đây và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo” v.v… hiện nay là những minh chứng sinh động cho chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là 35 năm đổi mới luôn gắn liền và có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua ái quốc. Thực tiễn 72 năm qua cho thấy, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong các giai đoạn. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.

Soi vào tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy bên cạnh những thành tích và ưu điểm, phong trào thi đua có lúc, có nơi vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa đi vào thực chất, hiệu quả thấp. Nhận thức về thi đua, khen thưởng còn chưa thật đúng đắn, sâu sắc; hình thức và nội dung thi đua, khen thưởng còn chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, nhiều khi mang tính hình thức; việc đánh giá, bình xét thi đua chưa thật sự công bằng, chính xác; khen thưởng còn tràn lan, cào bằng, thậm chí còn có hiện tượng “chạy thi đua, khen thưởng” … Chính những yếu kém, bất cập đã làm giảm ý nghĩa, vai trò và động lực to lớn của công tác thi đua, khen thưởng, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội...

Bài học kinh nghiệm rút ra từ trào thi đua thời gian qua là: Cần nêu cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đúng như câu nói “cán bộ nào phong trào đó”; việc khen thưởng phải công bằng, kịp thời, đánh giá đúng thực chất; sự động viên, khích lệ đúng lúc sẽ tạo động lực thúc đẩy hoàn thành công việc tốt hơn; người làm công tác thi đua ngoài yêu cầu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cần có lòng nhiệt tình, hăng say, sâu sát trong công việc và phải có năng lực tổ chức thực hiện phong trào; công tác thi đua - khen thưởng cần phải duy trì thường xuyên, được diễn ra hàng ngày.

Để thi đua - khen thưởng thật sự “là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới” như Bác Hồ từng căn dặn, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp phải luôn chú trọng quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Luật thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn; phải làm cho mọi đối tượng, mọi người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước là: “Sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”, “là ích nước lợi nhà, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Hơn nữa, công tác thi đua - khen thưởng cần phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng về hình thức; phải trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hưởng ứng chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng.

Đọc lại “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” vào thời điểm diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, chúng ta càng nhận thức sâu sắc và thấm thía những lời dạy của Bác Hồ kính yêu về thi đua ái quốc. Từ đó, động viên, thôi thúc mọi người hãy bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực nhằm đạt được kết quả cao nhất trong các phong trào thi đua; tuyệt đối không chạy theo thành tích một cách hình thức, nói suông, hô hào chung chung. Mỗi khi làm được như vậy, phong trào thi đua sẽ quy tụ, động viên được mọi đối tượng hăng hái tham gia và trở thành động lực to lớn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VĂN NHÂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202012/tham-nhuan-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-thi-dua-yeu-nuoc-3034115/