'Tham nhũng vặt' diễn ra ở cả bổ nhiệm cán bộ, phong học hàm, học vị…
Tình trạng tham nhũng vặt với cái vòi bạch tuộc, vừa nhiều vòi, vừa đeo đẳng bám chặt đã gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, đã làm chùn bước nhà đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) khi thảo luận tại hội trường vào chiều 8-11 đã đề cập đến nạn tham nhũng vặt.
“Hình thức của tham nhũng vặt rất đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, làm kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, không khách quan...” - ông Trí mở đầu.
Ông phân tích: “Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp, biếu xén... Nhiều vụ việc còn đòi hỏi “phí bôi trơn”. Việc này ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp ở trong mọi lĩnh vực như khám chữa bệnh, làm các thủ tục hải quan, xây dựng, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án, phong học hàm, học vị, các kỳ thi âm nhạc...”
Theo ông Trí, những người tham nhũng vặt lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, tranh thủ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của công dân, tận dụng tối đa vị trí công tác họ đang nắm giữ để đòi hỏi “lót tay”, yêu cầu “bôi trơn”.
Tình trạng tham nhũng vặt với cái vòi bạch tuộc, vừa nhiều vòi, vừa đeo đẳng bám chặt đã gây bức xúc lớn cho người dân, doanh nghiệp, đã làm chùn bước nhà đầu tư nước ngoài, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ được coi là công bộc của dân.
Theo ông Trí, trong phiên chất vấn vừa qua, Tổng thanh tra Chính phủ đã thừa nhận có sự nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với người dân.
“Bởi vậy, tại diễn đàn này, tôi bày tỏ mong muốn của cử tri, nhân dân là Đảng, nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống tham nhũng vặt, chống tiêu cực trong xã hội ta” - đại biểu Trí nói.
Ông Trí đánh giá cao nỗ lực chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực góp phần ổn định xã hội của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao… và thấy được có sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật, từ khâu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn thời gian qua, nhất là vụ Việt Á làm rúng động dư luận xã hội.
“Tuy vậy, các hoạt động phòng chống tham nhũng vặt thì có vẻ chưa được nhiều” - ông Trí nhận xét.
Trích dẫn số liệu 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý, ông Trí nói “con số này còn quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra”.
"Tôi cũng biết chống tham nhũng vặt là rất khó vì tính phổ biến, có đôi khi rất mơ hồ, có khi chính người bị nhũng nhiễu cũng rộng lượng cho qua nên rất khó" - ông Trí nhìn nhận.
Đồng ý ba nguyên nhân của những hạn chế trong chống tham nhũng, tiêu cực mà Ủy ban Tư pháp chỉ ra, ông Trí nhấn mạnh: “Việc phòng chống tham nhũng vặt chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của quần chúng nhân dân”.
Từ đó, ông Trí đề nghị phổ biến pháp luật cho dân nhiều hơn để dân hiểu, tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn. “Chỉ khi Nhân dân vào cuộc, nói ra, phát hiện ra thì mới thấy được nhiều, khi đó phòng chống tham nhũng vặt mới hiệu quả" - ông nói thêm.
Ông Trí cũng đề nghị phát huy vai trò các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời, Chính phủ, ban ngành, các cơ quan cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng vặt.
Kiến nghị ngăn chặn hiệu quả “tham nhũng vặt”
Báo cáo về Phòng chống tham nhũng của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày cũng cho hay: Cục Phòng, Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ đã chủ động nắm tình hình, thông tin phản ánh về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”).
Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tư pháp cũng kiến nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước... tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...
Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm.
Sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.