Tham ô, nhận hối lộ, sản xuất thuốc giả: Có nên bỏ hình phạt tử hình?

Bỏ hay không bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh cần căn cứ vào tính đặc thù, thực tiễn tình hình phòng, chống tội phạm tại Việt Nam.

Bản chất của pháp luật là công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mà quan hệ xã hội sẽ có sự thay đổi theo thời gian, từ đó đòi hỏi pháp luật cũng phải có sự thay đổi, nhằm đảm bảo tính phù hợp và phát huy hiệu quả.

Do đó, việc rà soát lại BLHS hiện hành, để từ đó xem xét, cân nhắc loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế chung và cũng là yêu cầu bắt buộc từ thực tiễn để tiệm cận với thông lệ thế giới.

Tuy nhiên, việc bỏ hình phạt tử hình của những tội danh nào, số lượng ra sao vẫn phải căn cứ vào tính đặc thù, thực tiễn tình hình phòng, chống tội phạm tại Việt Nam.

 Công an tỉnh Thanh Hóa mới đây đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn. Ảnh: CA

Công an tỉnh Thanh Hóa mới đây đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn. Ảnh: CA

Chỉ nên bỏ hình phạt tử hình với 6/18 tội danh

Cụ thể, BLHS hiện hành có tổng cộng 18 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong đó, Quốc hội đang bàn về đề xuất bỏ tử hình đối với tám tội danh và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, gồm các tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); gián điệp (Điều 110); phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 114); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tham ô tài sản (Điều 353); nhận hối lộ (Điều 354).

Cá nhân tôi cho rằng nên bỏ quy định hình phạt tử hình ở các Điều 109, 110, 114, 421. Có thể thấy đây là các tội danh nhằm đảm bảo tính tồn tại và ổn định của chính quyền bộ máy nhà nước thời kỳ đầu sau khi thống nhất đất nước. Nhưng hiện nay, bối cảnh xã hội đã thay đổi, mọi thứ đã ổn định và vững chắc, làm cho nhóm các tội phạm này khó có cơ hội để hoành hành như xưa. Vậy nên việc loại bỏ án tử hình đối với nhóm tội danh này sẽ giúp BLHS giảm số lượng các tội danh có án tử hình.

Bên cạnh đó, bỏ án tử hình đối với các tội tham ô tài sản (Điều 353) và nhận hối lộ (Điều 354) cũng là hợp lý. Đây là hai tội danh mà việc đề xuất bỏ hay giữ mức án tử hình vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Quan điểm không ủng hộ việc loại bỏ án tử hình đối với các tội danh này có nhiều lý do nhưng cơ bản có thể thấy là vì họ cho rằng đây là các tội gây phản cảm lớn trong dư luận xã hội, việc loại bỏ án tử hình sẽ làm giảm tính răn đe, có thể làm phát sinh hiện tượng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Công an và Chính phủ. Bởi suy cho cùng, về bản chất đây là các tội danh trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản (của cá nhân, tổ chức hoặc của Nhà nước) và ưu tiên hàng đầu khi xử lý người phạm tội nên là vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt để trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp, thay vì phải tử hình người phạm tội.

Hơn nữa, đối với các tội danh này, theo quy định tại Điều 40 BLHS 2015, người bị kết án tử hình mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ thì không thi hành án tử hình mà được chuyển thành tù chung thân.

Quan trọng hơn, pháp luật không quy định thời hạn cụ thể mà người bị kết án tử hình phải hoàn thành việc khắc phục hậu quả vụ án. Do đó, người bị kết án tử hình có quyền khắc phục hậu quả vụ án bất cứ khi nào họ có tài sản và trong thời gian họ thực hiện quyền này, không thể tiến hành thi hành án tử hình đối với họ.

Vì thế, việc duy trì án tử hình đối với các tội danh này sẽ không còn nhiều ý nghĩa và một khi người bị kết án đã được chuyển sang án tù chung thân thì cơ hội để họ có thể trở về với cộng đồng vẫn có.

Có thể đây cũng là lý do khiến một số người không ủng hộ việc bỏ án tử hình băn khoăn. Tuy nhiên, việc thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án - một hình phạt “trên chung thân, dưới tử hình” mà dự thảo đề xuất là giải pháp hoàn hảo để thay thế. Vì hình phạt này vừa đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật, có thể giúp thu hồi tối đa tài sản tham ô, nhận hối lộ nhưng cũng vừa đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.

 Luật sư TRƯƠNG NGỌC LIÊU, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư TRƯƠNG NGỌC LIÊU, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Sản xuất, buôn bán thuốc giả chưa nên bỏ án tử hình

Ngược lại, ở thời điểm hiện nay, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194) cần được xem xét thêm.

Bởi các tội phạm này không phải xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu, mà xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trực tiếp đến sự an toàn cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình chung của thế giới cho thấy hiện tượng sản xuất, buôn bán và vận chuyển ma túy vẫn đang vô cùng phức tạp. Đây là loại tội phạm nguồn dẫn đến rất nhiều các tội phạm khác như tội xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, tính mạng, sức khỏe, mua bán người…

Tại nhiều nơi, nhiều khu vực và trên thế giới, một bộ phận người dân xem việc sản xuất, buôn bán các loại ma túy là công việc chính, tạo ra thu nhập lo cho bản thân và gia đình. Do đó, nếu không mạnh tay đối với tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy thì hoạt động này có thể phát triển rất nhanh, biến Việt Nam trở thành điểm nóng trong việc trung chuyển ma túy từ nơi sản xuất đến tay người mua, với vô số các hệ lụy khó có thể lường trước.

Tương tự, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cũng là nhóm hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội rất cao. Bởi hiện tượng này đã và đang phát triển rất rầm rộ do lợi nhuận của việc sản xuất, buôn bán hàng giả là khủng khiếp. Đó là động lực để những người phạm tội có thể bất chấp thủ đoạn nhằm lôi kéo thật nhiều nạn nhân tin tưởng và mua thuốc chữa bệnh, phòng bệnh giả. Họ chấp nhận chi rất nhiều tiền để thuê những người nổi tiếng là các diễn viên, ca sĩ, KOLs, KOCs… quảng cáo nhằm tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận.

Vấn đề là không phải cứ sử dụng phải thuốc giả là có thể ngay lập tức dẫn đến hậu quả tử vong. Do đó, đối với ý kiến cho rằng có thể chuyển hóa hành vi sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh giả mà có hậu quả làm chết người sang tội giết người là chưa phù hợp.

Thứ nhất, nội hàm của thuốc giả rất rộng, bao gồm cả giả về nội dung và hình thức như thuốc không có dược chất, dược liệu; có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành… (khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016). Thứ hai, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả của hậu quả chết người và nguyên nhân gây ra cái chết là do việc sử dụng thuốc giả rất khó hoặc không thể chứng minh.

Do đó, tôi cho rằng không nên loại bỏ án tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194) nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phòng ngừa, răn đe đối với những cá nhân, tổ chức đã, đang và có ý định kinh doanh bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân. •

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Thu hồi tài sản tham ô hữu hiệu hơn tử hình mà không thu được gì

Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất và chỉ áp dụng đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy là một trong những tội phạm về ma túy đặc biệt nguy hiểm về tính chất, mức độ và hậu quả gây ra cho con người, trật tự, an ninh xã hội...

Đa số hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thường theo đường dây. Trong trường hợp khối lượng ma túy đặc biệt lớn được tuồn về Việt Nam sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, việc giữ án tử hình với loại tội phạm này vẫn thực sự cần thiết.

Song không phải đối với tất cả tội danh đều cần giữ mức án tử hình. Đối với tội tham ô tài sản, việc loại bỏ án tử hình có thể cân nhắc. Trong trường hợp người phạm tội tham ô tài sản thì mức hình phạt 20 năm hoặc chung thân không xét giảm án đã đủ răn đe trong khi đổi lại thu hồi được phần lớn giá trị tài sản đã tham ô. Như vậy, việc thu hồi được tài sản vẫn hữu hiệu hơn việc xử phạt ở mức án cao nhất là tử hình nhưng về phần tài sản thì không thu hồi được, tội phạm đã tìm cách tẩu tán...

Bên cạnh đó, việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản đã phù hợp xu thế những năm gần đây. Việc xét xử các vụ án tham nhũng không dừng lại ở mức hình phạt đủ sức răn đe mà còn nằm ở khối tài sản có thể thu hồi được.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Phó Chủ nhiệm
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Luật sư TRƯƠNG NGỌC LIÊU, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nguồn PLO: https://plo.vn/tham-o-nhan-hoi-lo-san-xuat-thuoc-gia-co-nen-bo-hinh-phat-tu-hinh-post851420.html