Tham ô tài sản, nhóm cán bộ trả giá

Do không cân đối trong hoạt động thu chi ngân sách nên dẫn đến việc nợ tiền của một số cá nhân, đơn vị, địa phương. Để có nguồn tiền trả, nhóm cán bộ đã bàn bạc phương án, chỉ đạo chọn một số địa phương để yêu cầu thanh, quyết toán kinh phí gửi tiền về UBND huyện sử dụng.

Các bị cáo nghe tuyên án

Các bị cáo nghe tuyên án

Các xã này thực hiện trái công vụ trong các công trình và mua bán trái phép hóa đơn để quyết toán khống lấy tiền gửi cho UBND huyện Chợ Mới, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 3,4 tỷ đồng. Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2019 đến 2021, UBND huyện Chợ Mới còn nợ tiền tiếp khách gần 600 triệu đồng và tiền đã tạm ứng cho Phòng Tài chính - Kế hoạch chi hoạt động thăm hỏi, chúc Tết tổng cộng hơn 1,3 tỷ đồng.

Để có tiền trả nợ, Thường trực UBND huyện Chợ Mới tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của Ngô Hoàng Hiếu (đã chết do bệnh lý trong quá trình điều tra), Nguyễn Văn Ven (đã chết trong quá trình vụ án đang được điều tra), Vũ Minh Thao, Nguyễn Hồng Viễn, Lê Quốc Điền, Nguyễn Tuấn Minh để bàn phương án tìm nguồn tiền trả nợ.

Tại các cuộc họp, ông Hiếu chỉ đạo chọn xã để yêu cầu thanh, quyết toán kinh phí gửi tiền về cho UBND huyện. Sau các cuộc họp, Viễn trực tiếp hoặc phân công Ven, Điền hoặc Minh liên hệ với Chủ tịch UBND các xã Hòa An, Tấn Mỹ, Hòa Bình, Hội An để yêu cầu quyết toán lấy tiền gửi về UBND huyện.

Thực hiện ý kiến, các Chủ tịch UBND xã, gồm: Lưu Văn Khôn (xã Hòa An), Trần Hữu Đức (xã Tấn Mỹ), Nguyễn Thị Bích Liễu (xã Tấn Mỹ), Đặng Thanh Bình (xã Hòa Bình) và Bùi Minh Trí (xã Hội An) đã bàn bạc cùng các doanh nghiệp lập hồ sơ khống 13 công trình và giảm thi công một số hạng mục của 5 công trình đang thi công để quyết toán khống.

Cụ thể, liên quan đến sai phạm tại UBND xã Hòa Bình theo kết luận giám định của Sở Tài chính, tổng tiền sai phạm liên quan đến công trình sửa chữa cổng, hàng rào và sơn hàng rào nhà lưu niệm; công trình nâng cấp, cải tạo hội trường, trụ sở UBND xã hơn 750 triệu đồng (trong đó, phí xây dựng hơn 700 triệu đồng, phí tư vấn giám sát gần 50 triệu đồng).

Liên quan đến sai phạm tại UBND xã Hội An theo kết luận giám định của Sở Tài chính, tổng tiền bị thất thoát từ ngân sách Nhà nước liên quan đến công trình chống sạt lở tuyến đê Cựu Hội thuộc ấp An Phú là hơn 400 triệu đồng (chi phí xây dựng gần 380 triệu đồng, chi phí thiết kế - dự toán gần 15,5 triệu đồng; chi phí khảo sát và thẩm tra gần 15 triệu đồng). Liên quan đến sai phạm tại UBND xã Hòa An, theo kết luận giám định của Sở Tài chính, tổng số tiền đã thanh toán khống 3 công trình bê-tông đường hơn 1,4 tỷ đồng… Theo đó, từ ngày 16/2/2023 đến 4/8/2023, tất cả 24 bị can có liên quan bị khởi tố điều tra.

Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử xét hỏi các bị cáo liên quan đến các sai phạm xảy ra tại xã Hòa An. Đây cũng là nơi xảy ra sai phạm nhiều nhất với số tiền đến hơn 1,4 tỷ đồng. Theo đó, bị cáo Viễn cho rằng bị cáo chỉ thống nhất theo chủ trương là phải tìm tiền về để huyện đi chúc Tết, chứ không tham gia bàn bạc, không chọn xã để yêu cầu nộp tiền như cáo trạng nêu; số tiền liên quan đến nợ phòng kế hoạch - tài chính thì bị cáo không tham gia; vì vậy số tiền bị cáo gây thất thoát ít hơn cáo trạng truy tố. Bị cáo cho rằng, do bị cáo không chọn xã nên khi ký các đề nghị, thấy đầy đủ hồ sơ thì mới ký theo quy định.

Sau này khi cơ quan điều tra vào làm việc thì mới biết những hồ sơ đó là hồ sơ khống. Bị cáo cũng không hưởng lợi bởi các hành vi sai phạm. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh đối với bị cáo, có thể là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, chứ bị cáo không vụ lợi. Bên cạnh đó, bị cáo Thao cũng cho biết từ năm 2016 huyện đã nợ tiền, chủ trương tìm tiền trả nợ và chúc tết là do ông Hiếu đề xuất.

Trong các cuộc họp thì bị cáo và một số người khác không đồng ý việc lập chứng từ khống để rút tiền ngân sách nhưng không được; đồng thời cũng khuyên rút tiền ngân sách ít lại nhưng ông Hiếu không đồng ý. Bị cáo Thao cho rằng cũng chỉ thực hiện theo cấp trên.

Tương tự, bị cáo Khôn và Trang cũng cho rằng thực hiện hành vi phạm tội theo chủ trương của cấp trên. Hội đồng xét xử phân tích, giải thích và nhắc nhở những hành vi khi khai báo của các bị cáo chưa thành khẩn, lời khai của các bị cáo cũng nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm…

Mặc dù lời khai các bị cáo cho rằng làm theo ý kiến chỉ đạo nhưng bản thân của các bị cáo cũng có hưởng lợi nên mặc dù biết sai nhưng vẫn bất chấp thực hiện.

Sau nhiều ngày xét xử, thẩm vấn công khai và nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định xử tuyên phạt bị cáo Vũ Minh Thao và Nguyễn Hồng Viễn (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới), mỗi bị cáo 11 năm tù; Lê Quốc Điền (nguyên Phó chánh Văn phòng HĐND - UBND) 10 năm tù, Nguyễn Tuấn Minh (nguyên Phó chánh Văn phòng HĐND - UBND) 2 năm tù treo cùng về tội “Tham ô tài sản”. Cũng tội này, các bị cáo là cán bộ bị tuyên mức án từ 3 - 7 năm tù; riêng Nguyễn Thị Bích Liễu (nguyên Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ) bị tuyên phạt 2 năm tù treo.

Ngoài ra Hội đồng xét xử còn tuyên cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ có liên quan đến lĩnh vực vi phạm 1 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt. Đồng thời, buộc các bị cáo liên đới bồi thường lại số tiền chiếm đoạt. Ở tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo Nguyễn Thị Diễm Thúy, Lăng Thanh Phong và Nguyễn Thị Thêm bị tuyên phạt từ 2 - 3 năm tù treo. Còn các bị cáo nhóm doanh nghiệp, gồm: Huỳnh Thị Thương, Huỳnh Khải, mỗi bị cáo 2 năm tù treo tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

NGUYỄN HƯNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tham-o-tai-san-nhom-can-bo-tra-gia-a402452.html