Thẩm phán: 'Gia đình nên đưa 2 học sinh đi giám định thương tích'
Một thẩm phán ở miền Tây cho rằng những cảnh sát dùng bạo lực với 2 học sinh đã thể hiện rõ hành vi côn đồ. Gia đình người bị đánh cần làm đơn tố cáo những cảnh sát này.
Sáng 29/9, Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) họp kiểm điểm nhóm cảnh sát đánh 2 học sinh xảy ra tại xã Vĩnh Hải.
Trước đó, tối 28/9, đơn vị này đã đình chỉ công tác 2 tháng đối với 4 cảnh sát của Đội CSGT và Trật tự, gồm đại úy Châu Minh Trung, đại úy Trần Minh Đời, trung úy Nguyễn Quốc Thái và thượng úy Đoàn Tấn Phong.
Đánh học sinh bằng hung khí nguy hiểm
Trao đổi với Zing, một thẩm phán ở miền Tây nói rằng gia đình 2 nam sinh bị đánh nên sớm làm đơn tố cáo những cảnh sát đã đánh các em. Theo vị này, việc cảnh sát dùng gậy chỉ huy giao thông và mũ bảo hiểm đánh các em là thể hiện hành vi côn đồ.
“Gia đình nên đưa 2 học sinh đi giám định thương tích để làm cơ sở xử lý những cảnh sát theo quy định của pháp luật. Cảnh sát đánh các em thể hiện rõ 2 tình tiết định khung của hành vi cố ý gây thương tích là dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ”, vị thẩm phán nêu quan điểm.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Phó văn phòng Luật sư Vạn Lý, TP Cần Thơ), clip hơn 5 phút đã ghi lại toàn bộ sự việc liên quan nhóm cảnh sát đánh 2 học sinh. Hình ảnh trong clip này đã đủ chứng cứ để xử lý những cảnh sát liên quan theo quy định của pháp luật.
“Hai em học sinh có lỗi như thế nào trong việc tham gia giao thông, thì pháp luật áp dụng các biện pháp chế tài về hành chính đối với các em. Còn việc cảnh sát dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào vùng nguy hiểm đối với các em là không thể chấp nhận được”, luật sư Đức nói.
Luật sư Đức cho rằng mũ bảo hiểm là vật tày, đánh vào đầu các em có thể gây chấn thương sọ não, dẫn đến chết người. Vì vậy, nếu xử lý hành vi cố ý gây thương tích là có lợi cho nhóm cảnh sát đánh 2 học sinh.
“Hai học sinh nếu chưa đủ 18 tuổi, thì cha mẹ hoặc người giám hộ nên làm đơn tố cáo những cảnh sát. Trong trường hợp này, Công an thị xã Vĩnh Châu điều tra cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng của mình quản lý, thì có thể không vô tư khách quan. Vì vậy, Công an tỉnh Sóc Trăng có thể rút hồ sơ lên để điều tra cho đảm bảo khách quan”, luật sư Đức chia sẻ.
Tổ tuần tra có 5 cảnh sát
Chiều 25/9, tổ tuần tra của Đội CSGT và Trật tự Công an thị xã Vĩnh Châu làm việc trên tuyến đường Nam Sông Hậu gồm 5 người, do đội phó là đại úy Hứa Trường An làm tổ trưởng (lái xe tải). Bốn tổ viên đi môtô là đại úy Trung, trung úy Thái, đại úy Đời và thượng úy Phong.
Khi tuần tra đến phường Vĩnh Phước, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện N.H.Đ. (16 tuổi, ngụ xã Hòa Đông) chạy xe máy chở theo L.T.L. (15 tuổi). Khi tổ tuần tra ra tín hiệu dừng phương tiện, người cầm lái không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng qua nhiều tuyến đường với quãng đường khoảng 30 km.
Khi đến địa bàn ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, trung úy Thái và đại úy Trung dừng được xe của Đ. trước một nhà kho. Một lúc sau, đại úy Đời và thượng úy Phong cũng có mặt tại đây. Do quá bức xúc trước hành vi của nam sinh, 3 cảnh sát Trung, Thái và Phong đã đánh Đ. và L.
Trong đó, người đánh các em nhiều nhất là đại úy Trung. Sau khi đánh gãy gậy chỉ huy giao thông, ông Trung đã đấm, đá và dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu các em. Hành vi này đã bị camera của nhà kho ghi lại.
Theo đại úy Trung, học sinh cầm lái không có giấy phép lái xe, chạy xe trên 100 phân khối. “Em cầm lái chạy lạng lách, ép xe CSGT, nên chúng tôi nóng giận”, đại úy Trung nói với Zing.