Thẩm phán liên bang chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump
Ngày 23/1, một thẩm phán liên bang tại Mỹ đã ra phán quyết chặn tạm thời sắc lệnh hành pháp hạn chế quyền được cấp quốc tịch tự động cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ của Tổng thống Donald Trump.
Thẩm phán John Coughenour ở Seattle gọi sắc lệnh này là "vi phạm trắng trợn hiến pháp".
Thẩm phán Coughenour, người được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan, đã ra lệnh cấm tạm thời thực thi sắc lệnh của Trump theo yêu cầu của 4 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, bao gồm Washington, Arizona, Illinois và Oregon.
Ông Trump đã ký sắc lệnh này vào ngày 22/1, ngay ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump yêu cầu các cơ quan liên bang từ chối công nhận quốc tịch cho trẻ em sinh ra trên đất Mỹ nếu cả cha lẫn mẹ của chúng không phải là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp.
Phát biểu tại tòa, thẩm phán Coughenour cho rằng sắc lệnh này hoàn toàn vi phạm điều khoản quốc tịch trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, vốn quy định rằng bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ Mỹ đều được công nhận là công dân. Ông nhấn mạnh: “Trong suốt hơn 40 năm làm việc trên ghế thẩm phán, tôi chưa từng thấy vụ án nào mà câu hỏi đặt ra lại rõ ràng như thế này. Đây là một sắc lệnh vi phạm hiến pháp rõ ràng”.
Tổng thống Trump khẳng định chính quyền của ông sẽ kháng cáo phán quyết này. Brett Shumate, luật sư của Bộ Tư pháp, lập luận rằng sắc lệnh của ông Trump là hợp hiến và gọi phán quyết của tòa án là “không phù hợp”. Tuy nhiên, thẩm phán Coughenour đã ký lệnh cấm tạm thời ngay trong phiên tòa, trước khi luật sư Shumate kịp hoàn tất phần phản biện.
Phán quyết này sẽ ngăn chặn việc thực thi sắc lệnh trên toàn quốc trong vòng 14 ngày, trong khi tòa án xem xét liệu có nên ban hành lệnh cấm dài hạn hay không. Phiên điều trần tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 6/2 tới.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Trump, bất kỳ trẻ em nào sinh ra trên lãnh thổ Mỹ sau ngày 19/2 mà cha mẹ không phải là công dân hoặc thường trú nhân sẽ không được công nhận là công dân Mỹ. Những đứa trẻ này cũng sẽ không được cấp số an sinh xã hội, không đủ điều kiện nhận các phúc lợi chính phủ và không được phép làm việc hợp pháp khi trưởng thành.
Trợ lý Tổng chưởng lý bang Washington, Lane Polozola, lập luận rằng sắc lệnh này đi ngược lại với các quyền cơ bản được bảo vệ trong Hiến pháp. Ông nói: “Theo sắc lệnh này, những đứa trẻ sinh ra hôm nay sẽ không được tính là công dân Mỹ”.
Sắc lệnh của ông Trump đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội. Hơn 150.000 trẻ em sơ sinh mỗi năm sẽ bị từ chối quyền quốc tịch nếu sắc lệnh này được thực thi, theo ước tính từ các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo. Kể từ khi sắc lệnh được ký, ít nhất 6 vụ kiện đã được đệ trình, chủ yếu bởi các nhóm bảo vệ dân quyền và tổng chưởng lý các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo.
Luật sư Shumate của Bộ Tư pháp khẳng định sắc lệnh là một phần trong nỗ lực của ông Trump nhằm cải tổ hệ thống nhập cư và giải quyết khủng hoảng ở biên giới phía Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng sắc lệnh này đi ngược lại tiền lệ pháp lý đã được xác lập từ 127 năm trước, khi Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết rằng trẻ em sinh ra tại Mỹ từ cha mẹ không phải công dân vẫn có quyền được công nhận quốc tịch.
Tổng chưởng lý bang Washington, ông Nick Brown, tuyên bố: “Nếu bạn sinh ra trên đất Mỹ, bạn là công dân Mỹ, không có ngoại lệ. Tổng thống không thể thay đổi điều đó”.
Tranh cãi về sắc lệnh này không chỉ mang tính pháp lý mà còn làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh chính sách nhập cư tiếp tục là một vấn đề nhức nhối trong chính trị Mỹ.