Thẩm phán mặc áo choàng, hội thẩm cũng nên như thế
Nhiều ý kiến ủng hộ việc trang bị áo choàng cho hội thẩm để thể hiện quyền lực tư pháp; cũng nhiều ý kiến cho rằng trang phục của hội thẩm phải gần gũi và mang tính nhân dân.
Tại phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) diễn ra vào chiều 19-1, TAND Tối cao đã trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1214/2016 của Ủy ban Thường vụ QH.
Theo đó, TAND Tối cao đề xuất sửa đổi, thay thế trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân (HTND) từ bộ comple thành áo choàng và bổ sung phù hiệu HTND.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng do còn ý kiến khác nhau, Thường vụ QH thống nhất tiếp tục giao TAND Tối cao nghiên cứu thêm để trình lại vào một dịp khác.
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu quan điểm của các thẩm phán, giảng viên, luật sư, HTND xung quanh đề xuất này của TAND Tối cao.
TS ĐOÀN THỊPHƯƠNG DIỆP, Trưởng Phòng thanh tra - pháp chế Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM chế Trường ĐH:
Đồng bộ trang phục sẽ xa cách với nhân dân
Tính tôn nghiêm hay sự chuyên nghiệp của phiên tòa không đến từ trang phục mà đến từ việc HTND nắm được vấn đề tranh chấp, am hiểu vụ án, có kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, am hiểu dân sinh… đủ để đặt câu hỏi, làm rõ vấn đề, giải quyết vụ án một cách đúng đắn, hợp tình, hợp lý.
Sự am hiểu về mọi mặt của HTND đối với vấn đề được xét xử quyết định sự chuyên nghiệp cũng như tính tôn nghiêm của phiên tòa. Ngoài ra, cơ chế xét xử có sự tham gia của HTND còn hàm ý rằng tiếng nói của HTND là tiếng nói đại diện cho nhân dân.
Do vậy, việc đồng bộ trang phục của HTND sẽ tạo nên sự xa cách với nhân dân và việc này là không nên.
Thẩm phán ĐỖ QUỐC ĐẠT, Chánh án TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM:
Nâng cao chất lượng phiên tòa
Tôi đồng tình với đề xuất này, bởi ra phiên tòa, cùng một HĐXX, ngồi chung bàn trên bục xét xử mà thẩm phán mặc trang phục này, HTND mặc trang phục kia, nhìn không thống nhất.
Tại sao khi xét xử, thẩm phán và HTND ngang quyền mà thẩm phán mặc áo choàng còn HTND thì không? Nếu mặc áo choàng, HTND sẽ thể hiện sự đồng nhất với thẩm phán, chủ tọa; ngang quyền với thẩm phán.
Áo choàng cấp cho HTND có thể màu sắc, có đặc điểm… khác với áo choàng của thẩm phán nhưng nên là một kiểu chung với áo choàng của thẩm phán thì sẽ đẹp hơn, trang nghiêm hơn, tạo sự thống nhất.
Khi mặc áo choàng, HTND sẽ nhận thức được trách nhiệm, vai trò của mình ngày càng nâng lên. Điều này sẽ phục vụ cho quá trình cải cách tư pháp, ít nhất là về mặt hình thức.
Theo tôi, HTND có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác và sẽ ăn mặc phù hợp với công việc của họ. Nhưng khi đến tòa, khoác lên người bộ áo choàng, HTND sẽ toàn tâm, toàn ý cho việc xét xử, qua đó nâng cao chất lượng phiên tòa…
ThS VÕ VĂN TÀI, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM:
Thể hiện quyền lực tư pháp
Đề xuất trang bị áo choàng cho HTND là rất hợp lý; căn cứ Hiến pháp năm 2013, Điều 24 BLTTHS 2015 (tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số…). Cạnh đó, theo Điều 46 và Điều 326 BLTTHS 2015 thì HTND ngang quyền với thẩm phán, được biểu quyết tất cả vấn đề liên quan đến vụ án hình sự. Tương tự, với các vụ án dân sự, hành chính…, HTND ngang quyền với thẩm phán như đã nêu.
HTND là thành viên của HĐXX, về pháp luật tố tụng là ngang quyền với thẩm phán nên việc trang bị áo choàng cho HTND là điều nên làm. Việc này sẽ thể hiện tính trang nghiêm, đặc biệt là HTND mặc áo choàng sẽ thể hiện được quyền lực tư pháp, một người nhân danh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để đưa ra các phán quyết.
Tuy nhiên, áo choàng của HTND nên có sự khác biệt với thẩm phán, bởi thẩm phán là một chức danh tư pháp, được bổ nhiệm theo một quy trình chặt chẽ, hoạt động xét xử là hoạt động chuyên môn, suốt đời của thẩm phán.
Trong khi đó, HTND được bầu theo nhiệm kỳ của HĐND. Do vậy, khi thiết kế, áo choàng của HTND nên có những đặc trưng để phân biệt với áo choàng của thẩm phán.
Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai:
Tạo sự đồng bộ, thống nhất
HTND được bầu (hoặc cử) theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử. HTND là người đại diện cho tiếng nói của người dân tham gia HĐXX để xác định sự thật vụ án, đưa ra các phán quyết có tính chất ràng buộc pháp lý…
Khi xét xử, HTND ngang quyền với thẩm phán nên việc quy định thống nhất về trang phục của HĐXX trước hết là tạo sự đồng bộ, trang nghiêm của phiên tòa.
Đồng thời việc khoác lên người bộ áo choàng khi xét xử sẽ giúp HTND ý thức được vai trò, trách nhiệm quan trọng của mình. Điều này là phù hợp với công cuộc cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Áo choàng của hội thẩm nhân dân cần khác áo choàng của thẩm phán
Theo BLTTHS năm 2015 thì HTND cùng ngồi xét xử với thẩm phán. Khi nghị án, thẩm phán và HTND phải biểu quyết theo đa số về từng vấn đề của vụ án.
Vì vậy, nếu trang phục của thẩm phán và HTND khác nhau quá rõ ràng thì sẽ có cảm giác bị phân biệt và cũng không được đẹp mắt. Tuy nhiên, thực tế thì trang phục cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét xử của HTND.
Mặt khác, cũng nên lưu ý rằng thẩm phán và HTND có địa vị pháp lý khác nhau. HTND được HĐND cùng cấp bầu theo nhiệm kỳ, đại diện cho người dân thực hiện quyền tư pháp.
HTND đánh giá về vụ án với kiến thức, tâm lý, tình cảm của đa số dân chúng. Vì thế, đôi khi có sự khác biệt về quan điểm đánh giá, giải quyết vụ án giữa HTND và thẩm phán. Nhưng sự khác biệt đó là cần thiết để đảm bảo sự thấu tình, đạt lý trong bản án.
Do đó, cũng không nên cố gắng làm cho HTND giống như thẩm phán từ kiến thức, kỹ năng đến trang phục. Nếu “biến” HTND thành một thẩm phán sẽ mất ý nghĩa của chế độ xét xử có HTND tham gia.
Tóm lại, việc đề nghị trang phục áo choàng cho HTND cũng có ý nghĩa nhất định về mặt hình thức nhưng cần có điểm khác nhau nào đó để phân biệt với trang phục của thẩm phán, ví dụ khác nhau về màu sắc cổ áo, tay áo hoặc viền áo…
TS LÊ NGUYÊN THANH, HTND TAND TP.HCM, giảng viên Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/tham-phan-mac-ao-choang-hoi-tham-cung-nen-nhu-the-1040189.html