Thăm phim trường của Người đẹp Tây Đô và Người tình

Nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ) có lẽ không còn quá xa lạ đối với nhiều du khách khi đến với miệt vườn sông nước (Đồng bằng sông Cửu Long). Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đây chính lại là 'phim trường' của rất nhiều bộ phim nổi tiếng, trong số đó có Người đẹp Tây Đô và Người tình.

Nhà Cổ Bình Thủy thuộc gia tộc họ Dương (vốn là người gốc Bắc), được xây vào năm 1870, chủ sở hữu hiện nay là ông Dương Minh Hiển và bà Ngô Thị Ngọc Liên - hậu duệ đời thứ 6.

Tòa nhà được xây theo kiến trúc kiểu Pháp gồm 5 gian. Nền nhà được bó vỉa bằng đá xanh. Có 4 lối dẫn lên nhà chính. Hai lối từ bên hông nhà lên thẳng 2 gian ngoài cùng; hai lối còn lại kiểu Gotique với 4 bậc thang hình cánh cung tao nhã kết nối với khoảng sân rộng dẫn vào gian giữa.

Mặt trước, ngôi nhà có năm gian, cửa gỗ lá sách theo phong cách Art Nouveau (một loại hình nghệ thuật trang trí châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX), cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn dây lá nho. Gạch lát nền nhà hình hoa hồng đỏ đen được chủ nhân đặt từ Pháp.

Theo yêu cầu của gia chủ, mặc dù trông bên ngoài, tòa nhà mang dáng dấp của kiến trúc Pháp nhưng lại được bài trí theo đặc trưng của một gia đình người Việt. Theo đó, mái lợp 3 lớp ngói: Hai lớp dưới hình lòng máng, một lớp nhúng vôi bột trắng. Do đó, khi nhìn lên trần, người xem có cảm giác thoáng đãng, sáng sủa. Lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Toàn bộ hệ thống kèo, bao lơn cùng 16 cây cột lớn cao 4 - 6m được nối kết bằng mộng ngàm tinh tế đến hoàn mỹ.

Điểm khác biệt của nhà cổ Bình Thủy là dưới nền nhà (dưới mặt đá hoa) được lót (dải) bằng một lớp muối hột dày chừng 10cm; công dụng của lớp muối này là nhằm chống mối mọt, côn trùng; trong nhà cũng có rất nhiều cột gỗ, tất cả đều được đặt trên những chân bệ đá, có lẽ vì vậy mà những chi tiết bằng gỗ trong nhà vẫn được bảo toàn nguyên vẹn qua thời gian đến bây giờ. Ngoài tác dụng chống mối mọt, lớp muối dày dưới sàn nhà cũng chính là lý do giúp căn nhà luôn thông thoáng, mát mẻ và khô ráo.

Toàn bộ gạch bông lát nền nhà, hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên và nhiều vật dụng khác trong nhà đều được đặt mang từ Pháp sang.

Có nhiều giai thoại ly kỳ liên quan đến việc xây dựng ngôi nhà này. Theo đó, khi quyết định xây nhà, dòng họ này cũng gặp những khó khăn trong việc khởi công vì không thể tìm thầy thợ để có thể dựng nhà theo yêu cầu. Ông Hội đồng Ba yêu cầu cánh thợ phải xây dựng được một cơ ngơi hoa lệ vừa mang dáng dấp Tây phương vừa giữ được nét truyền thống. Quan trọng hơn, ông yêu cầu sau khi xây xong nhà, "ông Hội đồng phải giàu lên".

Chạy vạy, tìm kiếm mãi, người nhà mới tìm được ông thầy tên Ba Nghĩa, dân trong vùng quen gọi là thầy Lỗ Ban. Ông này nổi tiếng xây cất nhà đẹp trong vùng. Sau khi gặp và nghe yêu cầu của ông Hội đồng Ba, người này cho biết:

"Cất nhà đẹp hơn người cho ông thì không khó. Ngặt nỗi cái nghề này, gia chủ giàu thì phần số tôi phải mạt". Nghe vậy, ông hội đồng không ngần ngại cam kết sẽ nuôi thầy Lỗ Ban đến mãn đời. Cuối cùng, căn nhà được xây trong hơn 20 năm, trở thành chuẩn mực của cái đẹp một thời và còn làm say lòng bao nhiêu người khác trong nhiều thế kỷ về sau.

Với sự độc đáo, những giá trị kiến trúc của mình, nhà cổ Bình Thủy đã được nhiều đạo diễn trong và ngoài nước tìm đến để lấy bối cảnh cho những bộ phim của mình. Theo đó, nhà cổ Bình Thủy từng là phim trường cho nhiều bộ phim nổi tiếng như: Người tình, Người đẹp Tây Đô, Bão U Minh, Bẫy ngầm, Đội nữ biệt động mùa thu, Dòng sông hoa trắng, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Câu chuyện tình dòng kinh Phán, Vòng hoa Chôm pay,...

Nhà cổ Bình Thủy đã được Bộ VHTTDL công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia./.

Vi Phong

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tham-phim-truong-cua-nguoi-dep-tay-do-va-nguoi-tinh-20190921094013812.htm