Tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La bằng công nghệ thực tế ảo

Bảo tàng tỉnh Sơn La đã cho ra mắt ứng dụng tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La bằng công nghệ VR, cho thấy hiệu quả về bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời đại công nghệ số.

Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La hiện nay.

Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La hiện nay.

Đề tài khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ VR (công nghệ thực tế ảo) xây dựng mô hình tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La” được triển khai từ tháng 5/2022 đến tháng 12/2023. Đề tài được thực hiện bởi Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên.

Toàn bộ cảnh quan của Nhà tù Sơn La, các chứng tích, hiện vật, tư liệu, nhân vật lịch sử, tù binh, lính cai ngục, các công trình, tòa nhà trại giam, chòi canh góc.. đều được mô hình hóa 3D. Mô hình giúp tái hiện, phục dựng di tích của thời kháng chiến chống Pháp qua 4 giai đoạn: Từ khi bắt đầu xây dựng (1907-1908), giai đoạn mở rộng, bị thực dân Pháp bắn phá và giai đoạn phục hồi, tu bổ hiện nay.

Giao diện tham quan di tích bằng công nghệ VR trên trang thông tin điện tử của Bảo tàng tỉnh.

Giao diện tham quan di tích bằng công nghệ VR trên trang thông tin điện tử của Bảo tàng tỉnh.

Anh Nguyễn Đình Khương, phụ trách công nghệ thông tin của Bảo tàng tỉnh, thành viên ban chủ nhiệm đề tài, cho biết: Mô hình 3D giúp tái hiện toàn bộ hình ảnh nguyên vẹn của công trình từ khi bắt đầu xây dựng cho đến nay và cả các hoạt động sinh hoạt, giam giữ, tra tấn tù nhân chính trị tại tại Nhà tù Sơn La.

Quy mô thực hiện của đề tài gồm 1 phần mềm tham quan ảo di tích với 2 nhóm chức năng: Tham quan ảo trên PC và tham quan ảo thông qua hiển thị, tương tác hiện vật trên web 3D. Quá trình tham quan được xây dựng trình tự theo giai đoạn, hình ảnh 3D có màu sắc và chuyển động sống động, có thuyết minh tự động, giúp người xem hình dung cụ thể về công trình lúc còn nguyên vẹn, các hoạt động từng diễn ra tại đây, quá trình tu bổ để hiểu rõ hơn về di tích lịch sử này.

Hình ảnh 3D tái hiện hoạt động diễn ra tại Nhà tù Sơn La.

Hình ảnh 3D tái hiện hoạt động diễn ra tại Nhà tù Sơn La.

Trong quá trình thực hiện, ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp tổ chức 2 cuộc hội thảo tiếp nhận ý kiến đánh giá, góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý, nhân chứng lịch sử, cán bộ Bảo tàng tỉnh. Ban chủ nhiệm đề tài thực hiện lấy phiếu khảo sát cán bộ, du khách, học sinh, sinh viên… về đánh giá, nhận xét thử nghiệm phần mềm. Đa số ý kiến đánh giá cao về các tính năng sử dụng, giao diện thân thiện, thông tin, hình ảnh rõ ràng, đầy đủ và logic; các mô hình hiện vật, cảnh tái hiện đảm bảo chất lượng đồ họa.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nói: Phần mềm ứng dụng tham quan di tích bằng công nghệ thực tế ảo là một trong những hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, số hóa di sản của Bảo tàng tỉnh. Phần mềm là nguồn cung cấp thông tin, dữ liệu lịch sử đầy đủ, chính thống cho du khách tham quan, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử của Sơn La và phục vụ cho du khách tham quan, trải nghiệm khi đến Bảo tàng tỉnh trong thời gian tới.

Cảnh sinh hoạt của tù nhân chính trị.

Cảnh sinh hoạt của tù nhân chính trị.

Cuối năm 2023, đề tài hoàn thành, được nghiệm thu và chạy thử nghiệm. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ Bảo tàng tỉnh về cách khai thác, sử dụng và vận hành phần mềm tham quan di tích. Hiện nay, phần mềm đang được hoạt động tích hợp trên trang thông tin của Bảo tàng tỉnh tại địa chỉ http://baotangsonla.vn/ dưới dạng banner “Số hóa di tích Nhà tù Sơn La”. (Bạn đọc muốn trải nghiệm chỉ cần click vào đường link: https://baotangsonla.vn/3dnhatusonla/index.html > nhấn mục chức năng “tham quan ảo” để bắt đầu hành trình tham quan di tích bằng công nghệ thực tế ảo).

Du khách có thể trải nghiệm tham quan di tích với những hình ảnh 3 chiều về không gian, kiến trúc, hiện vật của công trình cùng một số video 3D tái hiện các hoạt động của nhà tù trước đây. Phần mềm đưa vào hoạt động trên web 3D đã giúp gia tăng lượt truy cập trang thông tin điện tử của Bảo tàng tỉnh. Tính bình quân từ đầu năm đến nay, mỗi tháng có gần 20.000 lượt truy cập trang thông tin điện tử này.

Em Quàng Văn Duy, phường Chiềng An, Thành phố, chia sẻ: Nhà tù Sơn La hiện nay có nhiều hạng mục đã bị bom đạn tàn phá. Khi tham quan thực tế chúng em khó hình dung được về kiến trúc của công trình lúc còn nguyên vẹn. Nên khi tham quan ảo bằng mô hình 3D trên trang website của Bảo tàng tỉnh, chúng em có hình dung đầy đủ hơn. Nhất là các video về giam cầm, tra tấn chiến sĩ cách mạng rất xúc động. Chúng em mong muốn sắp tới được trải nghiệm trọn vẹn mô hình tham quan này khi có phòng chiếu 3D để hiểu rõ hơn về lịch sử liên quan đến di tích.

Qua quá trình hoạt động thử nghiệm, Bảo tàng tỉnh hiện đang tiếp tục phối hợp với đơn vị thực hiện đề tài để cài đặt và vận hành phần mềm, bổ sung các chức năng mới phù hợp với yêu cầu thực tế. Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ thêm: Đây là phần mềm ứng dụng có giá trị và mang nhiều ý nghĩa, lợi ích thiết thực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời đại công nghệ số hiện nay. Bởi vậy, mong muốn sớm được tỉnh cho chủ trương đầu tư phòng trình chiếu công nghệ thực tế ảo đảm bảo chất lượng để vận hành, khai thác hiệu quả sản phẩm phần mềm mô phỏng tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Theo thời gian, các di tích lịch sử nói riêng, các di sản văn hóa vật thể nói chung sẽ không tránh khỏi hư hỏng, xuống cấp trước tác động của thời tiết, khí hậu, môi trường… Chính vì thế, số hóa di sản đang là giải pháp công nghệ mới thiết thực và hiệu quả giúp “hồi sinh” các di tích lịch sử trong thời đại hiện nay. Ứng dụng tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La bằng công nghệ VR là giải pháp tốt giúp bảo tồn, phát huy giá trị di tích theo hướng bền vững.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/tham-quan-di-tich-quoc-gia-dac-biet-nha-tu-son-la-bang-cong-nghe-thuc-te-ao-h16NcLlSg.html