Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của BĐBP theo quy định của pháp luật
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là lực lượng 'nòng cốt, chuyên trách' quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới (KVBG). Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của kẻ địch và các loại tội phạm ở KVBG là một trong những nhiệm vụ quan trọng của BĐBP.
Trong tình hình hiện nay, KVBG luôn giữ vị trí trọng yếu cả về kinh tế - chính trị - xã hội; là cầu nối, “vùng đệm” nhạy cảm của các mối quan hệ quốc tế. Đồng thời, đây là địa bàn trọng điểm hoạt động của nhiều tội phạm. Trước tình hình đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở KVBG nói chung và của BĐBP nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Trong Bộ luật Tố tụng hình sự, thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của BĐBP quy định tại Điều 164 và được quy định cụ thể tại Điều 32 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự:
BĐBP khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các Điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 192, 193, 195, 207, 227, 235, 236, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 303, 304, 305, 306, 309, 330, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật Hình sự xảy ra trong KVBG trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do BĐBP quản lý thì Cục trưởng Cục Trinh sát biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng, Đồn trưởng đồn Biên phòng có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
- Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
- Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Có thể khẳng định rằng, BĐBP không phải là cơ quan tiến hành tố tụng nhưng Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đều quy định BĐBP là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra các tội phạm xảy ra ở khu vực quản lý của BĐBP không phụ thuộc đối tượng phạm tội.
Việc pháp luật tố tụng hình sự quy định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự cho BĐBP là dựa trên những cơ sở nhất định như: Tính chất đặc thù về lĩnh vực quản lý, địa bàn hoạt động, yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và đặc biệt là bảo đảm nguyên tắc “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, điều tra nhanh chóng, chính xác”.
Trải qua hơn 64 năm trưởng thành và phát triển, BĐBP đã luôn khẳng định là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần giữ vững sự bình yên của đất nước.