Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính

Tuần qua, nhiều độc giả thắc mắc: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính (ĐGHC) được quy định như thế nào? Về vấn đề này, tại khoản 4 Điều 29 Luật Đất đai 2013 quy định về giải quyết tranh chấp ĐGHC như sau:

Tranh chấp ĐGHC giữa các đơn vị hành chính do UBND của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định ĐGHC hoặc việc giải quyết làm thay đổi ĐGHC thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình QH quyết định;

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định.

– Bộ TN&MT, cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp ĐGHC.

Quy định trên về giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC đã được chuyển từ Mục 2 Chương VI về giải quyết tranh chấp của Luật Đất đai 2003 sang Mục 1 Chương III Luật Đất đai 2013, nằm trong các quy định cụ thể của quản lý hành chính nhà nước.

Theo quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2003, nếu UBND của các đơn vị có liên quan không nhất trí được về phương án giải quyết hoặc việc giải quyết làm thay đổi ĐGHC thì:

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì do QH quyết định;

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn thì do Chính phủ quyết định.

Như vậy, Luật Đất đai 2013 có 2 sự điều chỉnh xung quanh quy định này:

– Cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết trên cơ sở được Chính phủ trình.

Luật Đất đai 2003 chỉ quy định về thẩm quyền của các cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến ĐGHC nên có thể hiểu trực tiếp là các địa phương có liên quan sẽ trực tiếp đệ trình vụ việc có tranh chấp về địa giới lên QH, hoặc Chính phủ mà không cần qua bất kỳ cơ quan trung gian nào vấn đề đặt ra là cần có một “bộ phận” đứng ra tổng hợp, xác thực thông tin mà các UBND liên quan đến vụ việc cung cấp. Bộ phận này cũng cần phải có chuyên môn hoạt động nhất định trong quản lý hành chính nhà nước để có thể tham mưu, đề xuất giải pháp giải quyết cho cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, quy định bổ sung của Luật Đất đai 2013 là rất cần thiết và sự tham gia của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với vai trò này.

– Thẩm quyền giải quyết trong trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn thuộc về UBTVQH, thay vì Chính phủ theo quy định trước đây.

Có sự sửa đổi này của Luật Đất đai 2013, trước hết phải đề cập đến điểm mới của Hiến pháp 2013 về thẩm quyền quyết định ĐGHC. Hiến pháp 2013 được thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2014. Điều 74 Hiến pháp 2013 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của UBTVQH, trong đó, khoản 8 quy định UBTVQH có quyền “Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Thẩm quyền trên được chuyển từ Chính phủ sang UBTVQH – cơ quan thường trực của QH. Thực tế, điều chỉnh ĐGHC là vấn đề không chỉ liên quan đến việc thay đổi các điểm, đường, mốc địa giới mà còn liên quan đến nhân lực, tài lực, thậm chí có thể phải tổ chức lại bộ máy chính quyền… khi triển khai thực hiện. Chính vì vậy, quyết định về ĐGHC phải do QH thực hiện.

Cụ thể, Hiến pháp và Luật Đất đai quy định QH có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đối với cấp tỉnh. Còn đối với cấp dưới cấp tỉnh, thẩm quyền này nên thuộc về UBTVQH hay Chính phủ là hợp lý? Xét về sự tương quan thẩm quyền, cùng là thẩm quyền điều chỉnh địa giới nhưng theo quy định của Luật Đất đai 2003, đối với cấp tỉnh thì thẩm quyền thuộc về cơ quan lập pháp – QH, nhưng đối với cấp dưới cấp tỉnh thì thẩm quyền lại thuộc về Cơ quan hành pháp – Chính phủ.

Trong khi đó, UBTVQH là cơ quan thường trực của Quốc hội, với cơ cấu thành phần gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch QH và các ủy viên làm việc theo chế độ chuyên trách, không đồng thời là thành viên Chính phủ. Đây là một cơ cấu nằm trong tổ chức của QH hoạt động thường xuyên, có quyền quyết định các vấn dề, chính sách quan trọng trong thời gian QH không họp. Vì vậy, nếu trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp liên quan đến địa giới hành chính của cấp dưới cấp tỉnh thể hiện sự hợp lý hơn so với việc trao thẩm quyền này cho Chính phủ.

Trên cơ sở đệ trình của Chính phủ, UBTVQH sẽ quyết định giải quyết trong trường hợp tranh chấp liên quan đến ĐGHC của cấp dưới cấp tỉnh là một quy trình kết hợp được sự tham gia của cả cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp, sẽ là cơ sở cho những quyết định điều chỉnh địa giới chặt chẽ hơn và có hiệu quả hơn.

PLVN

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/tham-quyen-giai-quyet-tranh-chap-ve-dia-gioi-hanh-chinh-375858.html