Thâm Quyến (Trung Quốc) áp đặt phong tỏa, xét nghiệm COVID-19 đại trà

Đến sáng 4/9, thế giới có trên 609,73 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,5 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hàn Quốc ngày 3/9 đã ghi nhận 79.623 ca mắc mới trong 24 giờ

Hàn Quốc ngày 3/9 đã ghi nhận 79.623 ca mắc mới trong 24 giờ

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 96,58 triệu ca mắc và hơn 1,072 triệu trường hợp tử vong.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra khuyến nghị sử dụng làm mũi tăng cường 2 loại vaccine mới của hãng BioNTech-Pfizer và Mordena được điều chỉnh nhằm chống các biến thể của Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Theo đó, 2 loại vaccine mới này sẽ phòng chống được cả virus SARS-CoV-2 chủng gốc cũng như các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron vốn gây ra phần lớn các ca mắc COVID-19 tại Mỹ hiện nay. Trong đó, vaccine của BioNTech-Pfizer được khuyến nghị tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên và vaccine của Moderna dành cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 3/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,44 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 527.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,57 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Brazil đứng sau Pháp về tổng số ca nhiễm COVID-19 với trên 34,5 triệu trường hợp nhưng chỉ đứng sau Mỹ về số người tử vong với hơn 684.300 bệnh nhân.

Ngày 3/9, Nga thông báo ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới COVID-19 trong ngày thứ hai liên tiếp. Cụ thể, Nga phát hiện 51.699 ca mắc COVID-10 trong 24 giờ qua, con số người nhiễm COVID-19/ngày cao nhất kể từ ngày 9/3. Nước này cũng ghi nhận thêm 92 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 384.624 trong tổng số trên 19,68 triệu trường hợp nhiễm bệnh.

Australia tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, theo đó hành khách trên các chuyến bay nội địa sẽ không còn phải đeo khẩu trang và thời gian cách ly đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố quyết định trên, cho biết việc giảm thời gian cách ly sẽ giúp khắc phục phần nào những khó khăn về thiếu lao động mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Việc giảm thời gian cách ly không áp dụng với người làm việc ở môi trường có nguy cơ cao như chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật. Theo đó, những người này vẫn phải cách ly 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, dù có triệu chứng bệnh hay không.

Theo báo cáo mới nhất, kể từ dịch COVID-19 bùng phát đến nay, số ca mắc tại Australia đã vượt 10 triệu người. Ngày 3/9, nước này ghi nhận thêm 8.663 ca mắc mới và 39 người thiệt mạng.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc tiếp tục ở mức dưới 90.000 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp khi nước này dỡ bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với hành khách nhập cảnh do làn sóng dịch đang có xu hướng giảm.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA) cho biết, nước này vào ngày 3/9 đã ghi nhận 79.623 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên trên 23,49 triệu trường hợp. Có tổng cộng 79.423 ca mới là các trường hợp lây nhiêm trong cộng đồng. Thủ đô Seoul ghi nhận 13.887 ca, trong khi tỉnh Gyeonggi lân cận ghi nhận 21.089 ca.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo, Trung Quốc đại lục ngày 3/9 ghi nhận 1.819 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 440 ca lây nhiễm cộng đồng và 1.379 ca không triệu chứng. Theo NHC, trong các ca lây nhiễm cộng đồng, tỉnh Tứ Xuyên ghi nhận 128 ca. Trong khi đó, số ca không triệu chứng cao nhất cả nước được ghi nhận tại Tây Tạng với 524 người, kế đến là Hắc Long Giang với 168 trường hợp.

Cùng ngày, đã có thêm 383 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện lên 232.791 người. Số ca tử vong vẫn ở mức không đổi trong nhiều tuần liên tiếp với 5.226 người.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Thâm Quyến ngày 3/9. Ảnh: REUTERS

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Thâm Quyến ngày 3/9. Ảnh: REUTERS

Chính quyền thành phố Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, đã áp đặt phong tỏa vào 2 ngày cuối tuần này (ngày 3 - 4/9) trong bối cảnh chương trình xét nghiệm COVID-19 đại trà bắt đầu được thực hiện ở phần lớn khu vực của thành phố 18 triệu dân này.

Lệnh phong tỏa và ngừng hoạt động dịch vụ xe bus và tàu điện ngầm có hiệu lực trong 2 ngày. Chính quyền thành phố Thâm Quyến cho biết, cư dân sinh sống ở 6 quận trong thành phố, sẽ được xét nghiệm 2 lần vào cuối tuần này. Những khu vực thuộc 6 quận lớn đã bị cho vào danh sách "khu vực nguy cơ lây nhiễm cao" sẽ vẫn bị phong tỏa trong 7 ngày, và việc phong tỏa này có thể được gia hạn nếu phát hiện thêm các ca bệnh.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược "Zero COVID" thông qua việc áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm trên diện rộng nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Tính đến giữa năm 2022, COVID-19 đã ảnh hưởng tới hơn 500 triệu người trên thế giới, làm gián đoạn dịch vụ y tế thiết yếu của hơn 90% quốc gia trên thế giới, cản trở bước tiến trong chăm sóc sức khỏe toàn dân. COVID-19 cũng làm giảm tuổi thọ trung bình, giảm độ bao phủ tiêm chủng, tăng tỷ lệ người mắc lo âu trầm cảm, tăng tỷ lệ người tử vong do bệnh lao và sốt rét, những căn bệnh vốn đã được kiểm soát trong nhiều năm qua. Với những hậu quả nêu trên, COVID-19 đang thách thức mục tiêu đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới.

An Nhiên

Tổng hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/tham-quyen-trung-quoc-ap-dat-phong-toa-xet-nghiem-covid-19-dai-tra-d208686.html