Thảm rừng nhiệt đới Amazon sẽ biến mất nếu Bolsonaro tiếp tục làm Tổng thống Brazil
Các học giả và các nhà hoạt động môi trường đã cảnh báo rừng nhiệt đới Amazon sẽ biến mất nếu ông Jair Bolsonaro tiếp tục làm Tổng thống Brazil.
Các nhà phê bình lo ngại Amazon đang bị đẩy đến mức không thể phục hồi trở lại dưới thời Jair Bolsonaro. Ảnh: Joédson Alves / EPA
trong bối cảnh chính phủ tiếp tục bãi bỏ các luật về bảo vệ rừng.
Mặc dù có bằng chứng cho thấy hỏa hoạn, hạn hán và giải phóng mặt bằng đang đẩy rừng Amazon tới mức không thể phục hồi trở lại, các nhà lãnh đạo cực hữu Brazil lại quan tâm hơn đến việc xoa dịu các nhà kinh doanh nông sản và khai thác các thị trường toàn cầu, thường là cầu nối cho các hành vi phá hoại.
Các cuộc tấn công dữ dội vào các biện pháp bảo vệ rừng đã tăng nhanh. Ngày 14.7, hạ viện Brazil đã bỏ phiếu về bộ luật trong đó những kẻ chiếm đất sẽ được lợi bằng cách hợp pháp hóa quyền sở hữu đất đai đã bị xâm chiếm và giải tỏa bất hợp pháp trước năm 2014.
Ngày 13.7, chính phủ Brazil đã chuyển trách nhiệm giám sát vệ tinh cháy rừng khỏi Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia, một tổ chức khoa học uy tín đã thực hiện nhiệm vụ này trong nhiều thập kỷ. Việc kiểm soát đã được trao cho Viện Khí tượng Quốc gia Brazil, cơ quan chịu sự ảnh hưởng của Bộ Nông nghiệp và trồng trọt.
Trong vài tháng qua, Quốc hội Brazil cũng đã hạ thấp các tiêu chuẩn đánh giá tác động môi trường và một ủy ban đã thông qua một dự luật - PL 490 - được coi là sự tấn công lớn nhất đối với quyền của người bản địa kể từ khi hiến pháp Brazil ra đời năm 1988.
Tất cả các biện pháp này đều làm suy yếu đi khuôn khổ bảo vệ của rừng Amazon và đi ngược lại với lời khuyên khoa học cũng như các vấn đề trên thực tế. Brazil đang phải trải qua đợt hạn hán ngày càng kéo dài khiến lượng nước chảy vào tại một số nhà máy thủy điện giảm xuống mức thấp nhất trong 91 năm. Đây là một nguyên nhân và hệ quả của việc chặt phá rừng.
Kể từ khi Bolsonaro lên nắm quyền vào năm 2019, nạn phá rừng và cháy rừng ở Amazon đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Ba tháng qua đã tiếp tục xu hướng đó, mặc dù hơi thấp hơn so với mức đỉnh của năm ngoái. Với điều kiện khô cằn ở nhiều vùng của Amazon, nhiều người lo ngại rằng mức cao điểm của mùa cháy rừng vào tháng 7 và tháng 8 có thể tồi tệ hơn nữa.
Các nhà khoa học nghi ngờ rừng nhiệt đới có thể đang sa vào một loạt các vòng luẩn quẩn. Ở cấp độ địa phương, việc khai phá và đốt phá rừng đã dẫn đến hạn hán kéo dài và nhiệt độ cao hơn, việc này lại làm suy yếu khả năng phục hồi của hệ sinh thái và dẫn đến cháy nhiều hơn.
Ở cấp độ khu vực, điều này có thể làm gia tăng tình trạng hạn hán vì sự hô hấp của rừng nhiệt đới Amazon hoạt động như một chiếc máy bơm để điều khiển các hệ thống thời tiết ẩm ướt trên một khu vực rộng lớn của Brazil, Nam Mỹ và Đại Tây Dương. Khi rừng Amazon suy yếu, máy bơm đó trở nên kém hiệu quả.
Ngoài ra còn có những hậu quả toàn cầu vì việc giải phóng mặt bằng đang biến vùng Amazon từ một người bạn khí hậu trở thành kẻ thù của khí hậu. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy việc đốt rừng hiện tạo ra lượng CO2 nhiều hơn khoảng ba lần so với lượng CO2 mà thảm thực vật còn lại có thể hấp thụ. Điều này làm tăng tốc độ ấm lên toàn cầu.
Các thị trường toàn cầu có trách nhiệm một phần. Nạn phá rừng có xu hướng gia tăng khi giá đậu nành, thịt bò và vàng ở mức cao. Không có chính phủ nào có thể ngăn chặn hoàn toàn việc chặt phá rừng trong bốn thập kỷ qua. Nhưng các chính sách của chính phủ có thể tạo ra sự khác biệt.
Nạn phá rừng ở Amazon đã giảm 80% từ năm 2004 đến năm 2012 dưới sự quản lý của Đảng Công nhân của cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Ông Bolsonaro đã dần dần phá bỏ hoặc làm mất uy tín của các cơ chế để đạt được điều đó: giám sát vệ tinh, cảnh vệ trên mặt đất và luật pháp để trừng phạt những kẻ vi phạm, phân định ranh giới đất bản địa và các khu bảo tồn.
Marcio Astrini, thư ký điều hành của Đài quan sát khí hậu Brazil, một mạng lưới gồm 50 tổ chức xã hội dân sự, cho biết: “Điều chính yếu mà chính phủ này đã làm đó là làm suy yếu năng lực của nhà nước trong việc giải quyết nạn phá rừng bất hợp pháp".
Tại Quốc hội, ông Bolsonaro và các nhà vận động hành lang kinh doanh nông nghiệp “ruralista” đã đưa nhiều người ủng hộ hơn vào các vị trí chủ chốt: Arthur Lira làm lãnh đạo Quốc hội, Carla Zambelli làm chủ tịch Ủy ban Môi trường hạ viện và Bia Kicis làm chủ tịch Ủy ban Tư pháp. Những chính trị gia này đã giúp chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo "ruralista" tiến triển mạnh mẽ hơn.
“Chính phủ Brazil đang làm hoàn toàn ngược lại những gì cần phải làm. Họ đang tích cực kích thích nạn phá rừng thông qua các chính sách của mình", theo lời Erika Berenguer, một chuyên gia về thay đổi sử dụng đất của Amazon tại Đại học Lancaster và Oxford. “Cho đến gần đây, sự phá hoại này là từ việc thông qua các nghị định và các thay đổi chính sách của bộ đã cắt giảm ngân sách để chống phá rừng. Giờ đây, họ đã đảm nhận nhiều vai trò quan trọng hơn trong Quốc hội nên chúng ta có thể chứng kiến nhiều dự luật nguy hiểm hơn nữa được thông qua”.
Đây là một mối quan tâm toàn cầu. Tổng thống Mỹ, Joe Biden và Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã cảnh báo về những nguy hiểm do sự suy giảm của rừng nhiệt đới. Các siêu thị và tổ chức tài chính ở Anh, Na Uy, Đức, Pháp và Úc đã đe dọa tẩy chay các sản phẩm của Brazil trừ khi các chuỗi cung ứng nước này được đảm bảo không góp sức cho nạn phá rừng.
Ngày 14.7, 40 công ty, gồm Iceland, Waitrose, Lidl, Tesco và Sainsbury’s đã đưa ra một bức thư ngỏ cảnh báo rằng việc làm suy yếu thêm luật môi trường và quyền bản địa sẽ buộc họ phải xem xét lại việc sử dụng hàng hóa nông nghiệp của Brazil. “Chúng tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi coi Amazon là một phần quan trọng của hệ thống Trái đất, thiết yếu đối với an toàn của hành tinh chúng ta cũng như là một phần quan trọng đối với một tương lai thịnh vượng cho người Brazil và toàn xã hội”, thư nêu. Các nhóm bảo vệ môi trường cho biết hiện họ mong đợi các công ty này sẽ tiến hành thực hiện các lời đe dọa này.
Trong số nhiều người tiêu dùng, Brazil được coi là một thương hiệu độc hại, và Bolsonaro ngày càng bị cô lập trên sân khấu thế giới. Nhưng áp lực quốc tế này đã có rất ít tác động. Tháng trước, Bolsonaro đã sa thải Bộ trưởng Môi trường, Ricardo Salles, sau khi Đại sứ quán Mỹ thông báo về cáo buộc ông tham gia buôn lậu gỗ bất hợp pháp. Nhưng Salles đã làm tổn hại nghiêm trọng các cơ quan giám sát và thực thi rừng, và quyền lực thực sự đằng sau ông ta - Bộ trưởng nông nghiệp, Tereza Cristina Dias - vẫn còn nắm quyền.
Điều này một phần là do giá cả hàng hóa vẫn cao và nhu cầu mạnh, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi chính phủ đặt việc mua sắm tài nguyên lên trên đạo đức môi trường và áp lực truyền thông bị hạn chế bởi sự kiểm duyệt nghiêm ngặt. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Brazil với tỷ suất lợi nhuận lớn.
Nhưng nguyên nhân chính đó là tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của tổng thống. Theo Astrini, ông Bolsonaro tập trung hoàn toàn vào chính trị trong nước đến mức ông thờ ơ với danh tiếng quốc tế hoặc thị trường toàn cầu. “Ông ấy là tổng thống Brazil đầu tiên có chương trình nghị sự công khai về việc phá hủy các biện pháp bảo vệ môi trường vì lợi ích chính trị. Ông ấy không quan tâm đến đất nước, chỉ quan tâm đến việc tái tranh cử. Tất cả chỉ để giành phần thắng”, Astrini nói.
Một điểm tích cực đó là ông ấy coi Bolsonaro là chất xúc tác cho sự thay đổi. Kể từ khi ông nắm quyền, rừng nhiệt đới Amazon đã trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận chính trị. Một số ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới hiện có cam kết không phá rừng trong tuyên ngôn của họ.
“Ngay cả Lula cũng nói rằng nạn phá rừng ở Amazon không còn có thể được dung túng bởi bất kỳ chính phủ Brazil nào. Ông ấy chưa bao giờ nói điều này trước đây”, Astrini nói. “Rõ ràng là một giải pháp cho Amazon chỉ có thể khả thi nếu chúng ta thay đổi chính phủ. Sẽ không còn hy vọng nếu Bolsonaro tái đắc cử tổng thống. Hoặc là rừng Amazon hoặc là Bolsonaro. Brazil không có đất cho cả hai”.